Nhật Bản hồi sinh ngành chip bán dẫn
(QNO) - Nhật Bản từng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Giờ đây, trong bối cảnh thế giới lo ngại về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tiến hành đợt đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
Những năm 1990, Nhật Bản từng sản xuất khoảng 50% tổng số thiết bị chip trên toàn cầu nhưng hiện con số này giảm xuống chỉ còn 9%.
Năm 1989, 6 công ty điện tử Nhật Bản trong đó có Toshiba, Hitachi, NEC và Fujitsu lọt vào top 10 thế giới về doanh số bán chip trước khi dần chuyển khỏi sản xuất.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Nhật Bản đầu tư 3.900 tỷ yên (24,8 tỷ USD) vào ngành công nghiệp chip (công nghệ bán dẫn), chiếm 0,71% GDP của nền kinh tế Nhật, vượt qua con số 0,41% của Đức, 0,21% của Mỹ và Pháp ở mức 0,2%.
Ví như, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản lên tới 476 tỷ yên, khoảng 1/3 tổng chi phí, Công ty Sản xuất chip TSMC của Đài Loan hoàn thành nhà máy chế tạo ở tỉnh Kumamoto của Nhật Bản vào tháng 2/2024 và dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay.
Tương tự, Tập đoàn đa quốc gia tại Nhật Bản Kioxia và Tập đoàn Western Digital (Mỹ) nhận trợ cấp gần 93 tỷ yên từ Chính phủ Nhật Bản, cùng nhau xây dựng một nhà máy ở Yokkaichi, tỉnh Mie để sản xuất sản phẩm bộ nhớ 3D NAND Flash.
Ngoài ra, Kioxia và Western Digital đang xây dựng nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Iwate và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Bộ Thương mại và công nghiệp Nhật hỗ trợ công ty chip nội địa Rapidus với số tiền 590 tỷ yên để xây dựng cơ sở sản xuất ở Hokkaido với sự hợp tác của Tập đoàn IBM (Mỹ). Nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2027.
Giáo sư Kazuto Suzuki của Đại học Tokyo cho biết, hướng đi của Nhật Bản về sản xuất chip là đột ngột nhưng cần thiết. "Lý do chính là sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó chính phủ thực sự bắt đầu chú ý đến các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ đại dịch" - Giáo sư Kazuto Suzuki nói.
Các ngành công nghiệp trên khắp thế giới đột nhiên thiếu chip cho mọi thứ từ ô tô đến lò vi sóng. Các nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng phần lớn chất bán dẫn của thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Bởi vậy, bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào ở eo biển Đài Loan cũng khiến người dùng "dễ bị tổn thương".
Hơn nữa, Tokyo cũng có động lực quay trở lại lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa vốn tiêu thụ số lượng lớn chip và bảo vệ nền kinh tế xứ sở hoa anh đào nói chung.
Bởi vậy, báo Yomiuri (Nhật Bản) số ra ngày 22/4/2024 nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đào tạo một thế hệ công nhân lành nghề mới để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.