Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở Nam Trà My: Nhiều vướng mắc từ thực tiễn

NHÃ PHƯƠNG 03/05/2024 11:18

Nam Trà My đã rất nỗ lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

ntm-0.jpg
Nam Trà My gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững. Ảnh: PV

Khó giải ngân

Mới đây, tại cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đại diện một số sở ban ngành liên quan, lãnh đạo huyện Nam Trà My thông tin, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương thời gian qua gặp nhiều trở lực.

Địa phương có số lượng và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như số thôn, xã đặc biệt khó khăn còn nhiều và cao hơn mức bình quân chung của khu vực miền núi Quảng Nam.

Cụ thể, cuối năm 2023 toàn huyện có 2.964/8.166 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36,3%; số hộ cận nghèo là 340/8.166 hộ, chiếm tỷ lệ 4,16%. Đáng chú ý, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những vấn đề nêu trên là khó khăn lớn đối với Nam Trà My trong công tác giảm nghèo.

ntm-2.jpg
Nguồn lực tài chính không đảm bảo để huyện Nam Trà My thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, vấn đề đáng quan tâm là dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững phát sinh không ít vướng mắc.

Chẳng hạn, tiểu dự án 1 của dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp quy định người lao động khi tham gia học trình độ cao đẳng, sơ cấp nghề thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ từ nguồn kinh phí được cấp cho đơn vị; còn lao động tham gia nghề dưới 3 tháng thì rất khó khăn trong việc liên kết, đặt hàng giao nhiệm vụ thực hiện do kinh phí đào tạo quá thấp so với thực tế và một số nghề khó tìm đầu ra trong giải quyết việc làm. Vì vậy, không thực hiện hết nguồn kinh phí được giao.

Đối với tiểu dự án 2 của dự án 4 về hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ông Mẫn cho hay hiện nay người lao động của Nam Trà My chủ yếu tham gia 2 thị trường là nữ giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út (đây là thị trường không tốn phí) và lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc (đây là chương trình được Chính phủ Việt Nam cho thí điểm).

Do vậy, 2 thị trường này không thực hiện được các chính sách cho người lao động, như: lệ phí cấp hộ chiếu, phí cung cấp lý lịch tư pháp, lệ phí làm thị thực (visa), chi phí khám sức khỏe theo văn bản số 1676 (ngày 10/5/2023) của Bộ LĐ-TB&XH.

Còn đối với tiểu dự án 3 của dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững thì nguồn kinh phí được phân bổ tương đối lớn, nhiều nội dung không thể thực hiện được nên dẫn đến không thể giải ngân hết vốn.

Cần nói thêm, năm 2022 Bộ LĐ-TB&XH không cho sử dụng nguồn này để phục vụ thực hiện hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác tại Công văn số 2006 (ngày 15/6/2022)…

ntm-1.jpg
Việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết trên địa bàn huyện Nam Trà My phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Ảnh: PV

Ông Trần Văn Mẫn nhìn nhận, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nam Trà My cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực.

Trong khi đó, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM bổ sung nhiều chỉ tiêu, tiêu chí khó thực hiện đạt chuẩn. Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các tiêu chí NTM theo kế hoạch đề ra khá lớn nhưng nguồn vốn của trung ương và tỉnh phân bổ cho huyện thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương...

Hướng dẫn chưa cụ thể

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiểu dự án thành phần, mỗi dự án có nội dung khác nhau. Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên địa phương khó triển khai.

Ông Trần Văn Mẫn cho hay, đối với dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thì hiện tại quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư trung tâm hành chính các xã chưa được phê duyệt nên chưa đáp ứng yêu cầu tại điểm b - khoản 2 - phần III Quyết định số 1719 (ngày 14/10/2021) của Thủ tướng Chính phủ.

ntm-3.jpg
Cần tích cực hỗ trợ các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Trà My đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: PV

Trong khi đó, nội dung hỗ trợ ổn định dân cư theo hình thức ổn định tại chỗ không thực hiện được do phát sinh vướng mắc là chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 12 - Điều 2 Thông tư số 02 của Ủy ban Dân tộc thì “Bố trí ổn định dân cư theo hình thức ổn định tại chỗ là việc thực hiện bố trí ổn định các hộ gia đình, cá nhân tại nơi ở cũ thông qua việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất”. Đây là nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản, không thể sử dụng vốn.

Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư mới theo Thông tư số 15/2022 và Thông tư số 55/2023 của Bộ Tài chính không quy định rõ định mức hỗ trợ nên khó khăn trong việc triển khai.

Còn đối với việc thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 3 về phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, huyện Nam Trà My cũng gặp nhiều khó khăn do sự tham gia của người dân có đất rất ít, chưa hiểu rõ về cơ chế hưởng lợi trong việc trồng rừng phòng hộ. Mặt khác, một số hộ dân còn nặng về trồng cây keo lai và các loại cây ngắn ngày để nhanh thu hoạch và có thu nhập…

NHÃ PHƯƠNG