Khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
(QNO) - Từ ngày 20/5, Nghị định số 38/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực.
Theo đó, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên không ghi nhật ký khai thác hải sản; ghi không chính xác yêu cầu của tổ chức nghề cá; báo cáo sai quy định khi khai thác hải sản sẽ bị xử phạt từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.
Hành vi khai thác hải sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ nước ngoài mà không có giấy phép khai thác hải sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Nghị định số 38 đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của lực lượng kiểm lâm. Lý do bổ sung để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn được phát hiện kịp thời và bị xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Nghị định số 38 tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản lên 2 năm đồng thời vẫn giữ chế tài nghiêm khắc cho hành vi vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm.
Theo đó, tắt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) rất nhiều lần là tình tiết tăng nặng. Tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị GSHT trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trên tàu cá hoặc không có thiết bị GSHT trên tàu cá có chiều dài 24m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300-500 triệu đồng, nếu tái phạm bị phạt đến 700 triệu đồng.