Người lao động ở Bangkok mưu sinh giữa nắng nóng khốc liệt
(QNO) - Những ngày này, nắng nóng cực điểm khiến công việc mưu sinh của người lao động, nhất là lao động ngoài trời thêm chật vật, như người giao hàng bằng xe máy ở phố Bangkok, Thái Lan.
Tại Quảng trường Siam thuộc trung tâm Bangkok, ông Suriyan Wongwan (51 tuổi) - nhân viên giao đồ ăn nhanh ướt đẫm mồ hôi khi chờ nhận thức ăn để giao cho khách hàng.
"Tôi sợ bị say nắng" - ông Suriyan Wongwan nói với Hãng tin AFP khi nắng nóng lên tới 37 độ C nhưng với độ ẩm cao đẩy nhiệt độ cảm nhận thực tế lên tới 43 độ C.
Bangkok nói riêng và nhiều vùng rộng lớn khác ở Đông Nam Á đang vật lộn với đợt nắng gay gắt phá kỷ lục về nhiệt độ và buộc hàng triệu học sinh phải học trực tuyến khi nhà trường đóng cửa.
Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn; đồng thời hiện tượng thời tiết El Nino cũng là nguyên nhân khiến mùa hè năm nay đặc biệt nóng.
Ông Suriyan nói: "Cách tự bảo vệ của tôi là uống nhiều nước hơn để có thể chống chọi thời tiết oai bức và tránh ngất xỉu".
Dù ông Suriyan nhận hàng ở các trung tâm mua sắm có máy lạnh nơi ông có thể tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi. Ông cũng lo lắng sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng có nguy cơ khiến ông đổ bệnh. Ông Suriyan mong muốn những lao động ngoài trời được tăng lương để bù đắp khó khăn trong thời tiết hiện nay.
Ông Isara Sangmol (48 tuổi) - một tài xế xe ôm tại Bangkok cho biết trong những ngày nắng đổ lửa ông phải uống lượng nước gấp đôi ngày bình thường.
"Chúng tôi cần ngủ đủ giấc để làm việc, nếu không nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và sức khỏe của chúng tôi" - ông Isara Sangmol nói.
Dù ông Isara Sangmol thay quần áo bằng loại vải nhẹ hơn, thoáng khí hơn và thỉnh thoảng vào trung tâm thương mại có máy lạnh để "trốn nóng", nhưng mùa hè năm nay quá khốc liệt cùng với thời gian dài làm việc ngoài trời khiến những lao động như ông cảm thấy rất ngột ngạt.
Ông Seksith Prasertpong giao đồ ăn cho ứng dụng Line Man trong hai năm qua. Nắng nóng khiến công việc của ông trở nên khó khăn hơn nhưng thay đổi giờ làm việc không phải là một lựa chọn. Hơn nữa, công việc người giao hàng phải ở bên ngoài thường xuyên.
Ông Seksith Prasertpong nói: "Mức lương của chúng tôi thấp. Nên càng làm việc nhiều, chúng tôi càng kiếm được nhiều tiền. Những người lao động như tôi vẫn phải làm việc vì chúng tôi cần tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày, đặc biệt khi mọi thứ ngày càng đắt đỏ".
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu (hơn 70% lực lượng lao động) phải làm việc trong nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tăng 35% trong 2 thập niên qua. Mỗi năm có khoảng 19 nghìn ca tử vong do làm việc trong điều kiện khắc nghiệt này.