Tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng
(QNO) - Chiều 3/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh nhằm đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình KT-XH tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh.
Nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, tình hình KT - XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 phát triển theo chiều hướng tích cực với các điểm sáng về kinh tế.
Hoạt động TM-DV và vận tải có xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cung cầu hàng tiêu dùng thiết yếu được đảm bảo.
Tổng mức bán lẻ hàng hòa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023).
Hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp, nhất là trong kỳ nghỉ lễ dài ngày (lễ 30/4 và 1/5). Tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong tháng 4 ước đạt 455 nghìn lượt khách, tăng 11,7% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng trước đó khi ngành dệt may, sản xuất trang phục đã có nhiều đơn đặt hàng mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 35,7%).
Báo cáo của Cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tính đến ngày 22/4 đạt hơn 6,2 nghìn tỷ đồng (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính thông tin, tính đến ngày 3/5, thu ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam năm 2024 đạt 7.978 tỷ đồng (đạt 33,81% dự toán).
Về sản xuất nông nghiệp, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa vụ Đông Xuân năm nay ước đạt 61,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 254,5 nghìn tấn…
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó giám đốc Sở KH-ĐT, bên cạnh những điểm sáng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn những khó khăn, đó là nguồn thu ngân sách từ thủy điện, bia rượu giảm; tình dịch bệnh trong chăn nuôi; tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ nhưng thấp với cả nước.
Ngoài ra, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, cùng với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, điều này cho thấy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Theo Cục Thống kê Quảng Nam, một số sản phẩm có Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so với cùng kỳ như: sản xuất nước ngọt giảm 16,6%; bia các loại giảm 70,6%; than đá (than cứng) loại khác giảm 20,9%; thùng, hộp bằng bìa cứng giảm 21,2%; điện sản xuất giảm 32,9%...
Ông Hưng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng tới. Trong đó, cần tập trung giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn năm 2022, 2023 kéo dài. Muốn vậy, cần quan tâm thực hiện công tác phân bổ vốn vì hiện nay nhiều nguồn vốn chưa được phân bổ, nhất là vốn các chương trình MTQG…
Phân tích về tình hình thu ngân sách, ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, vấn đề hụt thu ngân sách năm 2024 nhiều khả năng xảy ra do các lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn còn khó khăn.
Đáng chú ý là khó khăn trong thu tiền sử dụng đất. Lý do là nhiều doanh nghiệp còn nợ, một số khác gặp khó về thủ tục pháp lý; nhiều dự án chưa xác định giá đất…
Về nguồn thu từ bia rượu giảm, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh làm việc với nhà máy bia tháo gỡ khó khăn, có giải pháp tăng sản lượng tiêu thụ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở, ngành cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa nhằm thực hiện các nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn trên các lĩnh vực.
Trong đó, Sở KH-ĐT cần nghiên cứu giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Các sở, ngành cần quan tâm đến vốn đầu tư công trung hạn 2025 – 2030, nhất là chủ động làm việc với bộ, ngành trung ương để đăng ký đầu tư…
Về gỡ khó cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị cần quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là Thaco. Hiện Thaco đang đầu tư đa ngành - lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, nên có nhiều vướng mắc cần được tỉnh kịp thời hỗ trợ.
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần quan tâm triển khai tốt các sự kiện như Techfest Quảng Nam 2024, các sự kiện quảng bá sản phẩm Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh; quan tâm công tác xóa nhà tạm; rà soát, đánh giá các nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực...