Phú Ninh phấn đấu hơn 30% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản
(QNO) - Tỷ lệ chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại Phú Ninh đạt thấp. UBND huyện đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên hơn 30% vào cuối năm 2024.
Theo kế hoạch vừa ban hành, UBND huyện Phú Ninh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách trợ cấp xã hội từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt; vận động đối tượng, gia đình đối tượng đăng ký tham gia.
UBND huyện Phú Ninh giao Công an huyện chỉ đạo công an các xã, thị trấn hướng dẫn đối tượng người có công và bảo trợ xã hội, người nhận ủy quyền thực hiện cấp mới, cấp đổi căn cước công dân/mã định danh cá nhân để thực hiện thủ tục mở tài khoản.
Hướng dẫn, cho phép các tổ chức liên quan được kết nối, khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để phục vụ xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.
Đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ chi trả, UBND huyện Phú Ninh đề nghị phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản để chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, phối hợp với UBND xã thực hiện mở tài khoản, cấp thẻ ATM cho đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội đảm bảo thời gian theo kế hoạch và đạt tối thiểu 30% đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện chi trả qua tài khoản theo chủ trương chung của tỉnh. Ngân hàng thực hiện cài đặt không trừ bất cứ một khoản chi phí nào từ số tiền trợ cấp hằng tháng trên tài khoản của đối tượng.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (tháng 3/2024), ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh cho biết, đơn vị đang quản lý, thực hiện chi trả cho 8.955 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và người có công theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh.
Trong số này, có 2.541 người có tài khoản tại các ngân hàng. Tại kỳ chi trả tháng 3/2024 qua tài khoản chỉ có 330 người, đạt 13% trên tổng số người có thẻ.
Phân tích nguyên nhân, theo ông Long, đến nay, một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tiện ích của chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ATM, OP... còn rất ít. Bên cạnh đó, đối tượng còn phải trả phí khi thực hiện mở thẻ, rút tiền; cùng với tâm lý mức trợ cấp thấp nên muốn nhận tiền mặt để tiện sử dụng (phần lớn thuộc diện bảo trở xã hội).
Từ thực tiễn địa phương, ông Long đề xuất, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại đầu tư ít nhất mỗi xã một ATM, không thu bất kỳ khoản phí nào khi mở tài khoản, giao dịch đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công cách mạng…