Hạ chuẩn đào tạo, giải pháp tình thế hay lâu dài?
QUẢNG NAM LIÊN TỤC TUYỂN DỤNG NHƯNG VẪN THIẾU
Kể từ năm 2020 đến nay, Quảng Nam liên tục tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, nhất là bậc mầm non, tiểu học.
Không đủ chỉ tiêu
Cuối năm 2023, thị xã Điện Bàn tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục, thế nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển dụng là 311 song địa phương chỉ tuyển được 227 người, trong đó giáo viên (GV) tiểu học chỉ tuyển được hơn một nửa chỉ tiêu (131/chỉ tiêu 245).
Một số bộ môn tuyển cũng không đạt như GV tiểu học môn Âm nhạc tuyển 4/9 chỉ tiêu, môn Mỹ thuật chỉ tiêu 3 nhưng không có người dự tuyển; GV THCS môn Tin học tuyển được 2/3 chỉ tiêu, môn Âm nhạc 1/3; GV mầm non tuyển được 2/3 chỉ tiêu.
Đây là năm thứ 3 Điện Bàn được UBND tỉnh đồng ý phân cấp tuyển dụng GV các bậc học do địa phương quản lý. Theo UBND thị xã Điện Bàn, do không đạt chỉ tiêu cùng với quy mô học sinh tăng nhanh nên địa phương vẫn không thể khắc phục được tình trạng thiếu GV và mỗi năm áp lực càng lớn.
Việc tuyển dụng GV ở miền núi càng khó khăn hơn, chẳng hạn huyện Nam Trà My.
Lãnh đạo ngành GD-ĐT Nam Trà My cho biết năm 2022 chỉ tiêu tuyển dụng GV của huyện là 262 song dự thi 160 và chỉ có 97 người trúng tuyển.
Sau đó, một số GV không nhận công tác vì các lý do như điều kiện đi lại xa xôi, lương thấp, hoặc đi dạy nơi khác.
Trên bình diện cả tỉnh, không năm nào Quảng Nam tuyển đủ chỉ tiêu, nhất là bậc mầm non, tiểu học.
Năm 2020 chỉ tiêu tuyển dụng các cấp học toàn tỉnh là 1.783 song chỉ tuyển được 1.200; đến năm 2021 cũng tương tự, chỉ tiêu 1.955 chỉ có 1.092 người trúng tuyển. Năm 2022 kết quả còn thấp hơn với tỷ lệ chỉ đạt hơn 52%, chỉ có 875 người trúng tuyển trong khi chỉ tiêu 1.459.
Đáng chú ý, GV tiểu học chỉ tiêu 614 nhưng tuyển dụng chỉ được 176, GV tiểu học môn Âm nhạc 25/4, GV tiểu học môn Mỹ thuật 21/7. Đối với GV THCS, kết quả tuyển dụng có phần khả quan hơn song một số môn vẫn thiếu chỉ tiêu rất nhiều như âm nhạc 27/6, mỹ thuật 12/4, công nghệ nông nghiệp 6/1, công nghệ công nghiệp 6/0.
Đầu năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Bình Phục, Thăng Bình) phải hợp đồng với 4 giáo viên đã nghỉ hưu để bố trí giảng dạy văn hóa và làm công tác chủ nhiệm. Dù là huyện đồng bằng nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS kéo dài nhiều năm.
Theo thống kê, năm học 2023 – 2024, số biên chế giáo viên được giao ở cả 3 cấp học của huyện Thăng Bình là 2.155. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 1.963 giáo viên biên chế, thiếu 192 chỉ tiêu (chỉ riêng cấp tiểu học thiếu gần 100 giáo viên).
Trong khi đó, nguồn ứng tuyển kỳ thi viên chức ngành giáo dục, số hồ sơ đăng ký dự tuyển theo chỉ tiêu của huyện Thăng Bình chủ yếu là giáo viên đang hợp đồng ở các đơn vị. Cung không đủ cầu nên tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục kéo dài.
(MINH NGUYỆT)
Nam giải bài toán thiếu giáo viên
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay toàn ngành được giao 23.741 biên chế nhưng mới sử dụng có 21.354 biên chế. Hiện toàn tỉnh còn 2.387 biên chế chưa sử dụng, tập trung phần lớn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS do các địa phương quản lý với con số là 2.273 (THPT chỉ có 114 biên chế chưa sử dụng).
Và số biên chế giao vẫn còn thiếu 422 chỉ tiêu so với định mức của Quyết định 2428 của UBND tỉnh, còn nếu theo quy định của Bộ GD-ĐT thì thiếu 1.173 chỉ tiêu biên chế. Điều này cho thấy thiếu GV là bài toán nan giải đối với Quảng Nam.
Số lượng người dự tuyển hàng năm luôn thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, thậm chí có môn không có người dự tuyển. Vì vậy, tỉnh thường xuyên tổ chức tuyển dụng nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt đối với GV mầm non, tiểu học và GV một số bộ môn chương trình giáo dục phổ thông mới như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Để tháo gỡ tình trạng thiếu GV, một số địa phương cho biết chấp nhận phương án “chữa cháy” như hợp đồng GV không đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, hoặc mời một số GV đến tuổi cốt cán nghỉ hưu tiếp tục giảng dạy thêm một thời gian…
TUYỂN GIÁO VIÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG?
Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên (GV) tiểu học, THCS là phải có bằng cử nhân trở lên. Việc này được các địa phương trên cả nước thực hiện trong công tác tuyển dụng GV từ năm 2020 đến nay - thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT mới đây đề xuất cho phép được tuyển dụng GV bậc tiểu học, THCS có trình độ cao đẳng sư phạm hoặc có bằng cao đẳng chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (thay vì tốt nghiệp đại học như quy định của Luật Giáo dục 2019).
Quy định này chỉ áp dụng với một số môn học cấp tiểu học và THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Sau khi được tuyển dụng, các GV này sẽ được tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo Nghị định 71 ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Theo Bộ GD-ĐT, đề xuất hạ chuẩn trình độ đào tạo GV nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV hiện nay tại các địa phương. Thời gian qua, biên chế GV cả nước đã được bổ sung, nhưng thực tế các địa phương tuyển không đủ chỉ tiêu biên chế giao.
Dự báo năm học 2024-2025 cấp tiểu học cả nước thiếu hơn 6.600 GV tin học và gần 5.800 GV ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 11.600 GV môn Công nghệ, 2.400 môn khoa học tự nhiên và 4.300 môn Nghệ thuật.
Một trong những nguyên nhân mà các địa phương chưa tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế giao là thiếu nguồn tuyển dụng, hoặc nguồn tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Bộ GD-ĐT cũng đánh giá nếu thực hiện cơ chế này cả nước sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 GV trong thời gian từ năm 2024 đến 2028. Theo đó, ngân sách địa phương chi 400 tỷ đồng để thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ cho GV từ năm 2024 - 2030.
Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch nâng trình độ chuẩn đào tạo năm 2024 cho 410 GV mầm non, tiểu học, THCS. Việc tổ chức nâng trình độ chuẩn đào tạo đối với GV phải đáp ứng yêu cầu về số năm còn công tác đến tuổi nghỉ hưu (từ 7 - 8 năm tùy theo đối tượng). Hình thức đào tạo vừa làm vừa học, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền đóng học phí với dự toán năm 2024 là 4,1 tỷ đồng. Đây là số GV chưa đạt chuẩn sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. (XUÂN PHÚ)
Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT được Chính phủ, Quốc hội đồng ý sẽ là cơ hội để các địa phương trên cả nước, trong đó có Quảng Nam, có thể khắc phục phần nào tình trạng thiếu GV, nhất là những bộ môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tất nhiên, chỉ nên xem đây là giải pháp tạm thời trong điều kiện đào tạo GV các bộ môn mới thời điểm hiện tại chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn thời gian đào tạo. Đồng thời phải có cơ chế, chính sách đặc thù đối với GV công tác ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút và giữ chân họ ở lại lâu dài.
TUYỂN DỤNG DƯỚI CHUẨN CÓ HỢP LÝ?
Thời điểm hiện nay tuyển dụng giáo viên có trình độ dưới chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019 có hợp lý và liệu giải quyết được câu chuyện thiếu giáo viên? Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến xoay quanh các góp ý cho dự thảo này.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:
ỦNG HỘ HẠ CHUẨN TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO KHI TUYỂN DỤNG
Trước đây, khi thực hiện tuyển dụng giáo viên (GV), lẽ ra phải thực hiện theo lộ trình, cần có thời gian để đạt chuẩn theo quy định chứ không phải thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực.
Tuy nhiên, Quảng Nam lúc triển khai thực hiện tuyển dụng GV lại áp dụng ngay quy định mới dẫn đến câu chuyện không tuyển dụng đủ chỉ tiêu.
Liên quan đến vấn đề này, năm 2020 tôi cũng đã có phát biểu, sẽ không có nguồn để tuyển GV nếu thực hiện theo quy định chuẩn trình độ GV mầm non phải có bằng cao đẳng, GV tiểu học, THCS phải có bằng đại học theo quy định Luật Giáo dục 2019.
Bởi vì giai đoạn này đào tạo sư phạm trong các trường đại học, cao đẳng theo quy định của luật cũ nhưng khi tuyển dụng lại theo luật mới, nên người học phải tốn thêm thời gian đi học tiếp để nâng chuẩn mới đáp ứng yêu cầu dự tuyển. Lúc đó mình làm không đúng lộ trình, sợ khi tuyển vào phải cho đi học tiếp, tốn kinh phí nâng chuẩn.
Tôi cho rằng quy định trình độ đào tạo của GV theo Luật Giáo dục 2019 là hợp lý nhưng tiến độ thực hiện phải có độ lùi với thời gian 4 - 5 năm.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, nhất là các môn chuyên ngành như mỹ thuật, âm nhạc, người có trình độ trung cấp, cao đẳng có thể dạy tiểu học được rồi, không nhất thiết phải yêu cầu đại học.
Thật ra trước đây đào tạo trung cấp sư phạm ra dạy tiểu học vẫn đáp ứng yêu cầu chất lượng. Thời gian đào tạo các môn này ít hơn để đáp ứng số GV thiếu, vì hiện nay nguồn tuyển dụng rất ít, thậm chí không có chứ không phải thiếu. Hơn nữa, những người tốt nghiệp đại học lại không chọn dạy tiểu học vì đồng lương quá thấp.
Quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ phương án hạ chuẩn trình độ đào tạo khi tuyển dụng GV ở thời điểm này. Có như vậy mới có nguồn để tuyển dụng, giải quyết bài toán thiếu GV hiện nay và hạ chuẩn cũng không ảnh hưởng chất lượng giáo dục.
Nguồn GV dưới chuẩn theo quy định mới hiện tại có lẽ không còn nhiều, do trước đây khi không được tuyển dụng họ đã đi học để nâng chuẩn.
Nhưng với điều kiện Quảng Nam, dù hạ chuẩn vẫn khó khắc phục bài toán thiếu GV, nhất là miền núi vì người đi học sư phạm ít, không có nguồn tuyển dụng. Thực tế cũng có câu chuyện hiện nay nhiều người học sư phạm ra trường nhưng không muốn đi dạy vì cho rằng tiền lương quá thấp, làm công nhân gần nhà lương mỗi tháng 7 triệu đồng, lại không chịu nhiều áp lực như đi dạy.
Hy vọng sắp tới sau cải cách tiền lương sẽ kéo nhiều người quay trở lại với nghề sư phạm.
Bà Trần Thị Thanh Vân – Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn:
HẠ CHUẨN TẠO CƠ HỘI NHIỀU HƠN CHO SINH VIÊN
Năm 2023, ngành giáo dục Điện Bàn được giao 2.435 biên chế. Qua thi tuyển các vị trí, giáo viên mầm non và THCS cơ bản đảm bảo, riêng các giáo viên văn hóa cấp tiểu học chúng tôi cần 216 chỉ tiêu, nhưng sau thi chỉ trúng tuyển 151, dù vậy khi hoàn thiện hồ sơ chỉ còn 131 giáo viên, thiếu 85 giáo viên.
Hiện Điện Bàn có tổng cộng 2.231/2.435 biên chế. Số biên chế chưa đủ nên thị xã cho các trường hợp đồng theo Nghị định 111, đảm bảo giáo viên đứng lớp. Đây cũng là số lượng “dự phòng” sau này của Điện Bàn, phòng trường hợp học sinh hoặc số lớp giảm sẽ không dôi dư giáo viên.
Tuy nhiên, để ổn định biên chế, nhất là giáo viên tiểu học, năm 2024 Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu thị xã kế hoạch tuyển dụng.
Hiện nay tỉnh đã giao Điện Bàn tự tổ chức nên thiếu đâu mình thi đó, có điều chúng tôi sẽ không thi hết biên chế.
Ngoài số giáo viên tiểu học phải đủ, một số vị trí khác như tôi nói ở trên vẫn phải dự phòng, ngừa trường hợp trường lớp sụt giảm sau này, nếu mình thi hết biên chế thì lúc đó sẽ khó bố trí người đi đâu.
Riêng với giáo viên tiểu học, qua tìm hiểu một số trường đại học, chúng tôi được biết số sinh viên là con em Điện Bàn đang theo học ngành tiểu học chính quy cũng tương đối.
Năm 2024 khi những em này tốt nghiệp, khả năng sẽ đảm bảo nhu cầu của địa phương. Nhưng cũng không loại trừ việc cạnh tranh với một số huyện, thành phố trong tỉnh, vì những địa phương này cũng thiếu giáo viên. Họ sẽ tổ chức thi, như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn giáo viên của thị xã.
Với vấn đề hạ chuẩn, hiện nay chúng tôi chưa thấy văn bản hướng dẫn nội dung đó. Theo tôi, việc hạ chuẩn cũng là điều tốt nhằm tạo cơ hội cho các em sinh viên có việc làm. Trong quá trình công tác sau này họ sẽ tiếp tục nâng chuẩn lên.
Nếu Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó tham mưu thị xã tuyển dụng trong kỳ thi năm 2024. Dù vậy, việc hạ chuẩn cũng có một số bất cập cần lưu ý như liệu sau này khi giáo viên thi đậu biên chế họ có giữ cam kết tiếp tục học nâng cao để đạt chuẩn hay không? Nếu họ từ chối, giải pháp lúc đó xử lý thế nào? Thực tế, nhiều giáo viên lớn tuổi hiện nay ngại đi học nâng chuẩn và đưa ra nhiều lý do từ chối, như vấn đề sức khỏe chẳng hạn… mình cũng khó làm gì được.
Bà Huỳnh Thị Hường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh:
BĂN KHOĂN HẠ CHUẨN MÔN TIẾNG ANH
Chuẩn trình độ đào tạo đối với GV theo quy định hiện nay là yêu cầu cao, nhất là GV tiểu học yêu cầu phải tốt nghiệp đại học.
Tôi rất băn khoăn và cho rằng thật sự dạy tiểu học không cần đến đại học mà cao đẳng là vừa. Do đó, đề xuất của Bộ GD-ĐT về hạ chuẩn trình độ đào tạo trong tuyển dụng là hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết bài toán thiếu GV hiện nay. Bởi lẽ, thật ra đã học đại học sẽ có rất ít người chọn đại học tiểu học; còn đã chọn học đại học ra trường phải dạy cấp 2, cấp 3.
Tuy nhiên, nếu môn mỹ thuật hạ chuẩn trình độ đào tạo cũng được nhưng với môn tiếng Anh mà hạ chuẩn trình độ GV là không ổn.
Đừng nghĩ dạy mầm non và tiểu học dễ dàng mà thật ra còn khó hơn THCS. Nếu GV không chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu của học trò vì các em mới bắt đầu học, cần phát âm đúng nếu không thì lớn lên rất khó sửa.
Tôi cho rằng, chuẩn trình độ GV không làm nên chất lượng giáo dục. Và khi hạ chuẩn trong tuyển dụng GV cũng chưa biết kết quả có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay không, nhưng trước mắt số người chưa đủ chuẩn do được đào tạo ở trường theo quy định cũ sẽ có cơ hội tuyển dụng trở thành GV.
Dù vậy, khâu tuyển dụng yêu cầu phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, khảo sát thật kỹ để tuyển chọn người giỏi, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Thật ra nhiều người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm song rất giỏi, chất lượng bài giảng rất tốt. TƯỜNG VY (ghi)
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My:
ĐIỀU CỐT YẾU LÀ CHÍNH SÁCH THU HÚT GIÁO VIÊN
Với huyện vùng cao Nam Trà My, câu chuyện thiếu giáo viên là vấn đề kéo dài suốt nhiều năm qua. Chúng tôi luôn là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất trong toàn tỉnh.
Chưa năm học nào mà Nam Trà My tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên và nhân viên cả. Năm học 2023 - 2024, toàn huyện thiếu 281 giáo viên và nhân viên của các trường. Chuyện này huyện đã kiến nghị rất nhiều lần đến Sở GD-ĐT, UBND tỉnh nhưng vẫn chưa vẫn chưa cải thiện được. Huyện Nam Trà My cũng không biết làm thế nào để khắc phục tình trạng này.
Đối với đề xuất hạ chuẩn đào tạo giáo viên, vấn đề không nằm ở việc chuẩn thấp hay chuẩn cao, mà nằm ở chính sách thu hút giáo viên đến làm việc tại các huyện miền núi chưa đủ hấp dẫn.
Một người khi thi tuyển viên chức giáo dục luôn có phương án dự phòng cho bản thân. Ví dụ họ đã thi đậu ở Nam Trà My rồi, nhưng sau đó lại tiếp tục thi ở các huyện đồng bằng. Nếu đậu ở vùng đồng bằng thì tất nhiên họ sẽ không lên núi để dạy.
Hoặc nếu chọn lên Nam Trà My, tiền lương cũng như ở đồng bằng, thì họ sẽ chọn dạy đồng bằng. Lên đây vừa xa, vừa tốn kém chi phí ăn ở đi lại, tiền lương không đủ chi tiêu thì làm sao giáo viên mặn mà.
Ví dụ như ở Trường PTDT Nội trú huyện Nam Trà My, nhiều năm qua, việc thiếu vị trí nhân viên trong hoạt động chuyên môn luôn kéo dài. Người làm ở vị trí nhân viên tại trường với mức lương tập sự ở năm đầu tiên là hơn 3 triệu đồng thì rất khó để giữ chân họ.
Mỗi giáo viên, nhân viên chịu lên với Nam Trà My, thì các trường phải luôn động viên để họ yên tâm làm việc. Nhưng cũng có nhiều người đã đến nhận việc rồi, nhưng vất vả quá, lương lại thấp, thế là bỏ việc.
Ở nhiều trường tiểu học, THCS, giáo viên nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi đang trong biên chế cũng xảy ra. Huyện cũng rơi vào thế khó, vì phải cảm thông cho hoàn cảnh giáo viên khi nhà ở đồng bằng, vướng bận gia đình. Nhiều người cũng đã cống hiến một thời gian dài cho Nam Trà My rồi, giờ nguyện vọng muốn xin về. Khi họ xin được chỗ chuyển tới, thì mình phải cho đi.
Huyện chỉ còn cách giao cho các trường hợp đồng với giáo viên để giải quyết tình trạng trước mắt, có kỳ thi thì họ tham gia thi, nhưng vẫn không thể tuyển đủ giáo viên và nhân viên.
Về việc cử tuyển, những năm gần đây, Nam Trà My rất ít người tại chỗ đi học cử tuyển, dù huyện và nhà trường động viên, tạo điều kiện để các em học THPT đăng ký.
Huyện đã nhiều lần kiến nghị rằng tỉnh cần tính toán cơ chế, chính sách thu hút giáo viên đến với các huyện miền núi cho phù hợp.
Chế độ đãi ngộ phải mang tính ưu ái hơn cho giáo viên chịu đăng ký về công tác ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Nếu không sớm có chính sách đặc thù dành riêng cho việc thu hút giáo viên nói riêng và nhân lực nói chung về công tác tại các huyện miền núi, thì sẽ khó nói đến chuyện giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thiếu cán bộ đang kéo dài và ngày càng thiếu ở Nam Trà My.
Điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định, yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là: có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học; trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trong khi đó, ở dự thảo đề xuất hạ chuẩn đào tạo đối với giáo viên ở một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nội dung chính sách đặc thù tuyển dụng giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật cho tiểu học và THCS, cụ thể như sau: Cho phép tuyển dụng giáo viên, sinh viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đào tạo chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy các môn học này ở cấp tiểu học, THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng phải tham gia lộ trình nâng chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
CHỈ LÀ GIẢI PHÁP TÌNH THẾ!
Các chuyên gia giáo dục đã có ý kiến chung quanh vấn đề “hạ chuẩn” để giải bài toán thiếu giáo viên.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc hạ chuẩn chỉ là giải pháp tình thế bắt buộc ở một số địa phương, chứ không phải là giải pháp có thể đáp ứng được nhu cầu thiếu giáo viên trên cả nước hiện nay.
Bởi từ khi Luật Giáo dục năm 2019 quy định chuẩn giáo viên tiểu học phải từ bậc đại học trở lên, đa số trường cao đẳng ở địa phương đã dừng tuyển sinh ngành sư phạm. Vì thế dù có hạ chuẩn thì việc tìm những người đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với chuẩn, cũng như có năng lực sư phạm thực sự cũng rất khó.
Giải pháp trọng tâm để giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà là giải quyết biên chế và quan tâm chế độ đãi ngộ để giáo viên yên tâm công tác. Khi giải quyết vấn đề biên chế và thu nhập thì nhiều cá nhân có trình độ phù hợp, có mong muốn được làm việc trong ngành sư phạm sẽ lựa chọn công việc làm giáo viên.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dự thảo của Bộ GD-ĐT chỉ giải pháp tình thế. Trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng như hiện nay, ngành giáo dục phải tìm ra nguyên nhân cơ bản từ đâu để tháo gỡ.
“Giáo viên cần đạt trình độ đại học mà để tránh chỗ thiếu chỗ thừa như hiện nay thì nên phân cấp cho địa phương đào tạo nguồn lực và chịu trách nhiệm. Nơi nào thiếu thì đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Không phải sinh viên tốt nghiệp sư phạm không thích nghề giáo mà phải phải xem lại chế độ, chính sách, chủ trương đã thu hút được giáo viên chưa.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, trong bối cảnh nhiều địa phương thiếu giáo viên và nguồn tuyển, ngành giáo dục cần áp dụng các giải pháp tình thế, mềm dẻo, linh hoạt nhưng bảo đảm chất lượng. Trong điều kiện nhiều địa phương đang thiếu giáo viên, nhất là một số bộ môn theo Chương trình GDPT 2018, việc tuyển dụng, hợp đồng người có trình độ cao đẳng như đề xuất của Bộ GD-ĐT là hợp lý.
PGS-TS. Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng người có bằng cao đẳng để dạy những môn còn thiếu giáo viên là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, cần thiết vì trong Chương trình GDPT 2018 có một số môn lần đầu tiên xuất hiện như Tin học lớp 3 (trước đó là môn tự chọn), môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc THCS. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, sau khi tuyển, các cơ sở giáo dục phải có chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ cho những giáo viên này.
Nội dung: XUÂN PHÚ - VĨNH LỘC - DIỄM LỆ - CHÂU NỮ - LÊ QUÂN
Trình bày: MINH TẠO