Đọc “Cánh cam lạc mẹ”
“Cánh cam lạc mẹ” là tập thơ thiếu nhi thứ ba, nhưng là cuốn sách thứ 13 của nhà thơ Ngân Vịnh, xuất bản cuối năm 2023.
Tập thơ gồm 114 bài thơ, hầu hết đều ngắn, được viết theo các thể thơ truyền thống, dễ đọc dễ nhớ. Xuyên suốt tác phẩm, rõ nhất là chất hồn nhiên của tuổi nhỏ, khi nhìn ra thế giới bên ngoài, thông qua sự bắt gặp một hình ảnh biểu tượng của thời gian:
Hát cùng một điệu/ Cả ba chiếc kim/ Cứ chạy vòng tròn/ Đuổi nhau tích tắc (Đồng hồ treo tường).
Hoặc là một sự ngạc nhiên dễ thương khi một hiện tượng của giới tự nhiên xuất hiện: Gió có nghìn tay/ Giỡn đùa với lá/ Gió có nghìn chân/ Chạy nhanh như ngựa.
Để dẫn câu hỏi đến câu trả lời: Nhà gió ở đâu/ Nào ai biết được (Nhà gió ở đâu).
Tuổi thơ trong “Cánh cam lạc mẹ” là những con người và sự vật quen thuộc của chốn làng quê xưa. Có ếch con và hoa sen, có những chú mèo con nằm ngủ, với quả na mở mắt, với tiếng đàn của dế, và những chú bò cười, với con heo đất, giếng làng, với cơi trầu của bà trong mảnh vườn nhà nội thân thương…
Và, nếu như cái nhìn thơ trẻ trước giới tự nhiên là một phẩm tính của thi sĩ, thì không ít bài thơ trong tập thơ này đã trả lời được yêu cầu ấy.
Và cao hơn, chính là sự nhận biết về giá trị của văn chương - văn hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại: Chữ nằm trong sách/ Có cánh rừng vàng/ Có máu, mồ hôi/ Có bao mùa gặt (Chữ nằm trong sách).
Đọc thơ thiếu nhi, không dưng mà nhớ lại phản ứng mạnh của công luận trong nhiều năm qua về việc soạn sách giáo khoa cho học sinh tiểu học.
Xin đơn cử một đoạn, để các bậc phụ huynh suy nghĩ: Chỉ một chiếc bánh mì/Tớ không cần nói phét/Chỉ vài ngoạm là hết/Khi cái bụng đói meo (Tớ chẳng phải tham ăn).
Đây chỉ là một trích dẫn nhỏ, riêng ở tập thơ này. Cũng có nghĩa là, còn rất nhiều thơ - văn thiếu nhi của nhiều nhà văn - nhà thơ khác rất hay, rất phù hợp với độ tuổi của các em, tại sao lại nằm bên ngoài cái nhìn của một số người biên soạn sách giáo khoa.
Nhưng một câu hỏi bỗng dưng xuất hiện: Có còn chăng (hoặc còn được bao nhiêu) những hình ảnh và những kỷ niệm ấy, trong tâm hồn của những thiếu nhi hôm nay?
Hay đó chỉ là một thế giới đã qua, đối với thế hệ những người lớn tuổi? Và thế giới ấy liệu có phải đang mất dần đi?
Như thế, câu hỏi đã “vượt biên” khỏi một bài điểm sách ngắn...