Tác phẩm, tác giả

Ám ảnh hoa sen và thần gió

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/05/2024 09:54

“Hoa sen và cây da dù” - cuốn sách của nhà văn Kim Yi Jeong, vừa được nhóm biên dịch Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chuyển ngữ và Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành.

nha-van-kim-yi-jeong.jpg
Tác giả và tác phẩm “Hoa sen và cây da dù”. Ảnh: NVCC

“Hoa sen và cây da dù” - cuốn sách của nhà văn Kim Yi Jeong, vừa được nhóm biên dịch Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chuyển ngữ và Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành.

Một cơ duyên khi Quỹ vì hòa bình Hàn Quốc – Việt Nam gửi tặng, cuốn sách nhắc gợi trong tôi những trang tư liệu đẫm máu và nước mắt khi kể lại tội ác thảm sát của lính Rồng Xanh đối với dân lành ở Hà My và Phong Nhị vào mùa xuân năm 1968.

Sức nặng của tâm thức

Cuốn sách chỉ hơn trăm trang, mỏng mảnh nhưng không mong manh. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đọc xong - bằng thời gian diễn ra cuộc thảm sát Hà My, nhưng sức nặng của tâm thức ám ảnh đời người rất nhiều, rất mạnh.

Người đọc bắt gặp lại đây những hiện thực khốc liệt với tội ác hủy diệt đáng ghê sợ, với những nhân vật mang nguyên mẫu nạn nhân mà sự thực lịch sử khó quên.

Và cũng vì lẽ đó, dù mang tên “truyện ngắn”, nhưng “Hoa sen và cây da dù” gần với thể loại “truyện - ký” nhiều hơn. Các tình tiết hư cấu văn chương là ít ỏi so với thực tế cuộc đời những người dự phần vào sự kiện hai cuộc thảm sát Hà My và Phong Nhị.

Với tôi, người từng dự phần trong việc dựng nội dung “khúc tưởng niệm” còn mang theo nỗi ám ảnh ký ức về hoa sen “không được vẽ đẹp” che lại văn bia Hà My như nhà văn mô tả.

sach-hoa-sen.jpg
Bìa cuốn sách "Hoa sen và cây da dù"

Đi qua và thẩm thấu sự kiện đó, mới thấy rằng “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Nam Cao).

Nhà văn Kim Yi Jeong khi dựng lại bối cảnh cuộc thảm sát bằng nghệ thuật ngôn từ đã không muốn hư cấu một chút gì để biến tác phẩm thành “ánh trăng lừa dối”.

Lời tạ lỗi chân thành

Theo nhà văn, đây là lời tạ lỗi chân thành với các nạn nhân chiến tranh. Từ con tim thổn thức trước nỗi đau và tình cảm nhân văn, nghệ thuật đã biểu tượng hóa, hình tượng hóa hoa sen và câu chuyện thần gió đầy ẩn ý, ở đó cây cỏ, ngọn gió, con kiến, tiếng chim kêu lạc bầy… cũng đều như có linh hồn, gọi dậy những oan hồn, đuổi theo và ám ảnh người đọc không thôi.

Chiến tranh, bom đạn đã làm méo mó, dị dạng nhân tính những kẻ thủ ác, biến họ thành kẻ giết người không ghê tay. Đó là trung sĩ Park, là binh nhì Kim, và nhiều người lính Rồng Xanh nữa.

Hôm trước còn phát bánh mì, tặng chocola cho người già và trẻ nhỏ; rồi được người dân Hà My, Phong Nhị cho ăn bún, tặng trứng gà, nhưng hôm sau đã bắn giết tàn bạo, ghê rợn, hãm hiếp, đốt nhà, chà xát mồ mả của dân làng vừa mới bị thảm sát.

Thật chẳng mong ước gì hơn cuốn sách này có thể trở thành niềm an ủi nhỏ đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Tôi hy vọng đây sẽ là một viên gạch trên cây cầu hòa bình nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nghĩ đến việc các nạn nhân làng Hà My và làng Phong Nhất, Phong Nhị đọc tập truyện ngắn này, lòng tôi không khỏi run rẩy. Dẫu vậy tôi vẫn cúi mình tặng họ cuốn sách này”

Nhà văn Kim Yi Jeong

Tôi nhớ mà rùng mình với ám ảnh lời kể các nhân chứng được dựng lại trong khúc tưởng niệm về thảm cảnh “cát trộn lẫn xương, cột nhà cháy trộn thây người, kiến thèm thịt cháy máu tanh…” và “có người chết máu khô còn đọng, trẻ bò lên bụng mẹ tìm chút sữa tàn”…

Qua thời gian, vết thương cũ phần nào được chữa lành từ những hành động vì hòa bình, vì tình cảm nhân văn. Đặc biệt, có số phận cũng đã chịu nhân quả bi thương như hạ sĩ Seo rồi cũng tan vào tro bụi. Nhưng người con của ông đã lại tìm về để hiểu sự thật câu chuyện lịch sử, để thắp nén tâm nhang tưởng niệm dân làng Hà My bị thảm sát ngày nào.

Sự tạ lỗi của người Hàn về sau này với sự kiện Hà My, Phong Nhị, nhắc nhớ mỗi chúng ta phải biết quý giá nhân phẩm, những giá trị nhân văn làm nền cho cây cầu bắc tình hữu nghị đến các dân tộc, quốc gia, dù có thể khác nhau về bản sắc văn hóa.

Hà My với đóa sen trên văn bia và Phong Nhị - đứa con của thần gió, đã không còn là những địa danh xa lạ trong trái tim người Hàn. Bởi sau khi nhà báo Koh Kyoung Tae viết cuốn sách “12/2/1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam)” thì nhà văn Kim Yi Jeong đã tiếp nối với “Hoa sen và cây da dù”.

Riêng tôi vẫn muốn gửi đến những người bạn Hàn Quốc hôm nay một niềm tâm cảm như đã từng bộc bạch với nhà báo Koh Kyoung Tae, rằng, tình hữu nghị sẽ bắc qua cây cầu của lòng khoan dung, thấu cảm sự thật, lớn hơn là đạo lý làm người.

Với người Việt, như danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã đúc kết trong “Bình Ngô đại cáo” từ thế kỷ 15: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM