Mùa hạ xanh…
Vào khoảng giữa tháng hai, mẹ bắt đầu những đợt mệt kéo dài, không dứt. Tôi gọi video về nhà thấy mẹ ngồi lặng lẽ trong phòng, cạnh mẹ cuốn sách kinh Phật còn để mở. Tóc mẹ bạc nhiều, sắc mặt mẹ rất xanh. Tôi giục mẹ xuống viện khám. Mẹ bảo, lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng, đợi mẹ đi lễ xong, qua rằm mẹ xuống.
Một ngày đầu tháng Ba, tôi ngồi làm việc nhưng lòng bồn chồn không yên, vội điện về cho mẹ. Mẹ nói đang ở nhà, nhưng tôi nghe vọng lại nhiều thanh âm ồn ã. Tôi gọi lại cho cha. Cha nói đưa mẹ xuống viện từ hôm qua.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chỉ định mẹ nhập viện luôn. Mẹ không nói bởi lo tôi phải nghỉ làm trong những ngày bộn bề công việc. Mẹ luôn như thế, âm thầm gánh những lo toan, khó nhọc. Nước mắt tôi ứa ra trước nỗi lo sợ mơ hồ ùa tới.
Những ngày mẹ nằm viện, tôi bắt đầu lịch trình mới nối liền giữa cơ quan và bệnh viện. Mỗi chiều tan sở, đứng nán lại trước gương, tôi nhẹ tô lên lớp son môi, giặm thêm chút phấn hồng chỉ để che đi khuôn mặt có phần nhợt nhạt của những đêm thiếu ngủ, tôi không muốn mẹ nhìn thấy mình trong hình dáng ấy. Trước mẹ, tôi muốn mình tươi tắn nhất. Tôi cũng nhớ lời cha dặn, đừng để mẹ trông thấy con khóc.
Một đêm muộn, sau khi mẹ đã chìm vào giấc ngủ, tôi lang thang ngoài hành lang ngó xuống thứ ánh sáng vàng võ tỏa ra từ những cột đèn trong khuôn viên bệnh viện.
Chợt gặp cha ngồi lặng lẽ hút thuốc trong góc khuất cầu thang bộ. Ánh lên trên khuôn mặt cha trầm tĩnh, cương nghị ấy là đôi mắt hoen đỏ. Cha giữ tâm tư gì trong những làn khói mỏng chập chờn, bảng lảng ấy.
Tôi muốn ngồi xuống bên hỏi cha biết nhường nào. Nhưng sau cùng, tôi im lặng, vụng về phủi những lớp gàu rơi trắng vai áo cha, nói cha tranh thủ chợp mắt, khuya rồi. Lời nào đã mắc lại trong lòng tôi bữa ấy, nghẹn đắng.
Những ngày giữa tháng Ba, bác sĩ nói sức khỏe mẹ yếu hơn không đáp ứng được với thuốc điều trị. Những cơn khó thở tăng dần, mẹ phải chuyển sang nằm phòng cấp cứu trợ thở. Nhưng chỉ ba hôm sau, nồng độ ô xy trong máu của mẹ xuống thấp, không tăng lên được.
Bác sĩ hỏi phương án cuối cùng gia đình có muốn đặt ống thở nội khí quản cho mẹ không. Đặt ống thở mẹ sẽ hôn mê, với bệnh lý nền và tình hình sức khỏe hiện giờ thì khả năng mẹ tỉnh lại là rất thấp. Nhưng đó cũng là cách duy nhất hy vọng chữa khỏi phổi cho mẹ.
Làm trong ngành y, cô tôi đã cân nhắc rồi nói với cha tôi rằng cô muốn đặt ống thở cho mẹ, nhưng mẹ vẫn là người quyết định sau cùng. Mẹ không còn sức nói được lời nào. Mẹ lặng lẽ gật đầu.
Tôi ở bên nhìn mẹ trong những ngày rướn mình chống chọi với những cơn đau cho đến khi dần đuối sức. Giờ mẹ nằm co người lại, tưởng như mảng rêu đang dần cạn kiệt nước.
Cái ý nghĩ về những điều không may cứ thế dội lên trong tâm thức. Biết bao cảm giác đau đớn bủa vây, đánh gục tôi, nước mắt cứ thế chảy tuôn, không sao kìm nén được.
Tôi nào ngờ mấy tháng trước mẹ còn đẹp, khuôn mặt hồng hào trong chiếc váy hoa dài chấm gót chân, nhưng giờ này mẹ đã trong bộ quần áo bệnh nhân, tái xanh, hơi thở mỏng hơn tờ giấy lụa. Tôi cũng đâu ngờ ranh giới của sự sống lại mỏng manh đến thế.
Mẹ được chuyển nhanh xuống khoa hồi sức tích cực, khoa nặng nhất của viện, mở khí quản, đặt máy thở. Mấy ngày sau, tôi mới được phép vào phòng mẹ.
Mắt mẹ nhắm nghiền, người, chân tay mẹ bắt đầu phù lên. Tôi nghe hơi thở mẹ qua tiếng kêu tích tích của chiếc máy nối nhiều dây nhợ được cắm vào người. Nhìn bàn tay mẹ sưng, nổi những vết bầm tím của biết bao nhiêu lần lấy ven, vỡ ven, lòng tôi quặn thắt.
Nắm bàn tay mẹ, vuốt nhè nhẹ, nghĩ mẹ cũng đã nắm vuốt bàn tay tôi như thế, dắt đi những bước đầu đời. Đêm, một mình, ngồi xoa bóp tay chân cho mẹ để tránh teo cơ, tắc mạch chi, dội lên trong lòng những nỗi buồn sâu kín, tôi kể cho mẹ nghe một giấc mơ.
“Mẹ à, con thấy mình đứng nơi cổng nhà, nhẹ tay tháo vòng thép buộc sơ sài cổng nhà đã mở. Trong tâm thức con nghĩ mình đang đứng nơi nhà cũ. Dù khung cảnh đã khác đi nhiều. Dù nhiều thứ trôi qua trong trí nhớ con giờ chỉ còn sự mơ hồ.
Và khoảng thời gian gần ba mươi năm cũng có thể làm sai lệch đi vài ý niệm. Nhưng cái cảm giác thân thương gần gũi ấy, con tin mình không thể nào nhầm lẫn được. Luôn là những mảnh ký ức thật hiền lành, dịu ngọt.
Con bước đi, giẫm lên những tán lá khô xào xạc trong vườn. Càng đi càng thấy như bàn chân không còn chạm vào mặt đất. Chợt vang lên sau lưng con tiếng gọi, này cô tìm ai. Con giật mình, quay lại. Một khuôn mặt con chưa từng gặp bao giờ. Những người quen cũ đã đi hết rồi. Con choàng tỉnh giấc…
Và mẹ nhớ không, nơi nhà xưa ấy, những đêm hè sáng trăng mẹ trải chiếu ra thềm, gió ùa về đầy khoảng sân gạch đỏ. Con cùng chị gối đầu lên tay mẹ ngắm bầu trời đêm huyền ảo. Ngước nhìn càng lâu, bầu trời đêm càng rộng mở lấp lánh.
Mẹ nắm tay con, nhỏ xíu, chỉ về những chòm sao sáng phía xa. Và ánh mắt con đuổi theo những chòm sao tên Cung Thủ, Gấu Nhỏ, Thợ Săn… bằng sự tưởng tượng thơ ngây của một đứa trẻ. Cho đến khi con dần chìm vào giấc ngủ, tiếng mẹ vẫn êm đềm kể chuyện ngày xưa. Ngày chuyển nhà về phố mẹ khóc. Con biết mẹ thương căn nhà xưa cha mẹ đã chắt chiu biết bao khó nhọc.
Sau này, cũng vài lần con đứng nhìn bầu trời đêm trên tòa cao ốc giữa thành phố, nhưng không sao tìm thấy được cảm giác êm đềm, tĩnh lặng như bên mẹ thuở ấy. Mẹ giờ gầy rộc nằm đây với những đớn đau, con cũng ngược xuôi giữa dòng chảy cuộc đời.
Trong nỗi đau, lo sợ, con miên man nghĩ về những lời ngoại dặn, rằng trưởng thành là một hành trình đối diện với mất mát. Ai rồi cũng phải bước xuống một bến ga nào đó trong chuyến xe đời con ạ. Trần gian là cõi tạm, nhưng tình yêu thương lặn vào bên trong con thẳm sâu thì mãi là vĩnh cửu…”.
Vẫn tiếng kêu tít tít không ngừng của máy thở, đo nhịp tim, huyết áp, tiếng báo truyền hết thuốc kháng sinh làm nôn nao trắng xóa cả đêm.
Ngước nhìn lên, chai dịch truyền vẫn đang nhỏ từng giọt, từng giọt, rất chậm đi vào tĩnh mạch. Mắt mẹ vẫn nhắm nghiền. Kìa, vang lên tiếng chuông xe đạp leng keng, leng keng từ đầu con ngõ nhỏ có bụi hoa dành dành mọc dại, kéo con ra khỏi cơn buồn ngủ đêm.
Mẹ chạy chợ về. Mồ hôi loang trên chiếc áo hoa vàng của mẹ. Mẹ hạ chân chống chiếc xe đạp Phượng Hoàng, lấy từ trong chiếc làn khi là chiếc bánh rán, khi là vài ba chiếc kẹo bột, kẹo lạc cho hai chị em con. Đó là phần thưởng cho đứa nhỏ chịu dậy sớm, giúp mẹ đẩy xe chở gạo ra cổng lấy vía bán may.
Những ngày cha được đơn vị cử đi học cao lên, mẹ ngoài việc cơ quan còn tảo tần vun vén thêm hàng xáo những khi không bận. Những ngày nghèo khó, nhưng mẹ của những ngày đó trong ký ức con đẹp đến vậy.
Tháng Ba đã cạn ngày từ lúc nào tôi không biết. Ngơ ngác trước thời gian. Ngơ ngác như buổi sớm tinh sương hôm ấy, trên con đường đã quen từ viện đến cơ quan, bất chợt ngước nhìn lên thấy cây sưa ở góc đường Phan Châu Trinh hoa đã nở rợp trời.
Không rực rỡ, không hương thơm nồng nàn, nhưng vẻ đẹp tinh khôi của hoa sưa làm lòng người bộn bề, dịu lại. Vòng xe quay qua con đường Kim Mã, thấy những tán lá bàng nhỏ xanh non đã phủ kín lên khắp những cành cây nhỏ.
Tôi đã để quên mùa “Cây bàng thắp nến trên cành” như câu thơ của ai đó. Sáng ấy, tôi nghe lòng bừng lên hy vọng, như những tán lá bàng xanh non ấy, khi đêm qua ngón tay mẹ khẽ mấp máy cử động trong tay tôi, chỉ ít giây thôi, nhưng nó như tia sáng khiến tôi vượt qua nỗi lo lắng bồn chồn cả những lúc gần như tuyệt vọng sau hai tuần mẹ hôn mê nằm ở khoa nặng nhất của bệnh viện…
Tháng Tư, hạnh phúc thay, không lời nào tả xiết, lúc mẹ tỉnh dậy sau thời gian hôn mê. Mẹ mở mắt nhìn tôi, từ khóe mắt mẹ khẽ chảy dòng nước mắt.
Tôi nắm tay mẹ và vuốt nhẹ lên mái tóc bạc yêu thương. Mẹ lại tiếp nối những ngày kiên cường chống chọi với những đợt ho đờm tấn công cổ và truyền kháng sinh liều cao liên tục.
Bác sĩ tập dần cho mẹ cai máy thở, nhưng chỉ được ít phút, khuôn mặt mẹ lại đỏ giật giật lên. Anh bác sĩ trẻ, đồng nghiệp của cô tôi, tận tụy chăm sóc mẹ. Anh chỉ tay vào đầu mình nói, nghị lực sống nằm ở đây này bác, là ý chí, bác phải cố gắng lên cai được máy thở nghe không. Mẹ khẽ gật đầu thay cho một lời cảm ơn.
Giữa tháng Tư, mỗi tối, tôi ngồi trò chuyện với mẹ qua chiếc bảng vẽ điện tử tự xóa. Mẹ cầm bút tập viết lên chiếc bảng những điều mẹ muốn nói, như một cách rèn luyện lại cơ tay và nhận thức ý chí. Dì gọi, bật video cho ngoại gặp mẹ.
Mái tóc ngoại trắng như đám mây mùa hạ. Ngoại cười, khuôn mặt thật hiền từ. Ngoại dặn mẹ cố gắng khỏe nhanh rồi về đây với ngoại. Lúc ngoại vẫy vẫy tay chào, từ khóe mắt mẹ trào ra giọt nước. Mẹ nào biết, ngoại đã bao đêm nhìn ra khoảng sân trống huơ khô khốc mà khóc xót thương cho đứa con cả vất vả của mình…
Mẹ phải gượng trở về ngôi nhà mẹ cùng cha vừa sơn sửa lại. Tôi nhớ hình ảnh mẹ ngồi đọc kinh bên cánh cửa sổ hé mở. Những bông hoa bưởi trắng muốt rủ vào cửa sổ phòng. Nhẹ nhàng. Tinh khiết. Nhớ cả bóng dáng mẹ đi tới lui cầm chiếc chổi cán dài quét sạch sân nhà một sớm mai rụng đầy xác lá.
Một ngày mới lại lên. Nhìn qua cửa ô bệnh viện, thấy mùa hạ thật xanh. Mùa hạ xanh màu gì? Xanh màu của hy vọng…