Điện Biên Phủ trong… phát triển kinh tế
Những ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã, đang và sẽ được tổ chức, gợi lại ký ức hào hùng về lịch sử. Điều suy tư là từ ý nghĩa chiến thắng ấy, chúng ta sẽ làm gì cho hôm nay và mai sau?
Nhắc đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ không thể không nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sinh thời Đại tướng đã có nhiều công trình đúc kết giá trị và bài học kinh nghiệm, khẳng định chiến thắng nào cũng chỉ được làm nên từ sức mạnh của đội quân từ nhân dân mà ra, đồng thời phải có chiến lược, sách lược, chiến thuật hiệu quả.
Quyết định chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là cách thức để giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, nhưng nhìn sâu hơn đó là chiến thuật để thực hiện chiến lược “kháng chiến trường kỳ”, “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Công cuộc “toàn dân kháng chiến” huy động cả nước kéo căng địch trên nhiều mặt trận, làm suy yếu lực lượng quân Pháp trong khi bộ đội chủ lực mở chiến dịch tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ.
Và Quảng Nam, đã có nhiều người tham gia chiến dịch trên nhiều mặt trận, đặc biệt ngay tại quê hương này đã dựng lên “Điện Biên Phủ của chiến trường xứ Quảng ” là Chiến thắng Bồ Bồ.
Bài học lịch sử thuở nào còn có ích cho hôm nay và mai sau hay không? Sẽ không thừa khi phân tích lại sự kiện 70 năm trước, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng giữa ta và địch bất cân xứng, quân Pháp là đội quân tinh nhuệ, vũ khí hiện đại hơn, nhưng quân ta đã giành chiến thắng vì đã dám vượt qua mọi gian khổ, huy động mọi lực lượng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc (mà “đội quân xe thồ” là một minh chứng ấn tượng), đồng thời có chiến lược đúng đắn, cách đánh sáng tạo.
Ngày nay, để xây dựng và phát triển kinh tế, Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế tương tự khi so sánh với các nước phát triển, vì vậy kỳ vọng làm nên “Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng mơ ước, sẽ phải là hành trình vượt khó, đổi mới sáng tạo, cần sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân.
Năm 2024 có thể xem là một năm đầy trở ngại, thách thức đối với kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có nhiều tỉnh thành như Quảng Nam nói riêng.
Biến động khó lường của thị trường thế giới và trong nước, khiến cho khả năng phục hồi kinh tế ở mức tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19 càng khó khăn.
Thêm vào đó là sự biến động trong xử lý bộ máy nhân sự từ hành chính, chính trị đến đội ngũ doanh nghiệp. Hàng loạt đại án liên quan các đại gia, tập đoàn kinh tế và cả các chính khách tham nhũng bị phanh phui làm chao đảo hệ thống vận hành, điểm thêm những gam màu xám trên bức tranh kinh tế, đầu tư, phát triển đời sống xã hội.
Muốn vượt qua những ngọn núi đầy chướng ngại vật ấy, bây giờ không thể “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” như thời chiến dịch Điện Biên Phủ, mà phải vượt lên bằng tri thức, phương thức mới, bằng đổi mới sáng tạo trong tổ chức lực lượng, bộ máy, trong làm ăn kinh tế và cả thể chế.
Nhìn lại gần 40 năm đổi mới đất nước, cải cách thể chế là nguyên nhân, động lực quan trọng giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Song hành trình đi qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.
Do đó vấn đề đặt là phải cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất việc cải cách để hoàn thiện thể chế cần phải đồng bộ, toàn diện cả hệ thống pháp lý - chính trị- kinh tế- xã hội. Có như vậy mới huy động được sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển bền vững, tiến tới hùng cường.
Con đường để có “Điện Biên Phủ trong phát triển kinh tế” cần hành động thực sự để đổi mới, đồng bộ thể chế chứ không thể bằng lời nói suông.