Du lịch

Du lịch Điện Biên cất cánh từ mảnh đất lịch sử

TÚ ANH 05/05/2024 12:05

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cùng vị trí địa lý là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc... chính là nguồn tài nguyên hứa hẹn đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”.

z5385451562739_87b419d2c9369c4842b977b265a69a17.jpg
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điểm hẹn lịch sử

Chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng đã để lại cho Điện Biên một quần thể có 45 di tích thành phần, nổi bật là Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát... Đây là lợi thế khác biệt để Điện Biên phát huy giá trị lịch sử, thu hút khách du lịch.

Cùng với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ - nơi gắn liền Chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên còn có sự hiện diện của 31 di tích lịch sử đã được xếp hạng, tiêu biểu như Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất; các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…

Điện Biên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa. “Điện Biên” là tên gọi được vua Thiệu Trị đặt năm 1841 với ý nghĩa là vùng biên cương vững chãi. Từ tên gọi phần nào đã khẳng định vị trí chiến lược của mảnh đất này.

Tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dựa trên ba trụ cột chính: du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Những giá trị văn hóa với nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đang được 19 dân tộc sinh sống nơi đây bảo tồn, phát huy làm nên những đặc sắc của vùng đất Điện Biên. Từ Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền đuôi én đến Tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì… Đặc biệt, nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điện Biên còn được ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ như hồ Pá Khoang, rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa, các điểm nước khoáng nóng tinh khiết như Pe Luông, Uva…

Những tài nguyên này có thể coi là “mỏ vàng” để Điện Biên phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa kết hợp khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe…

Trải nghiệm bản sắc Điện Biên

Thời gian qua, Điện Biên đã và đang đẩy mạnh quảng bá, vận hành nhiều sản phẩm du lịch, đưa du khách trải nghiệm những điểm đến mang tính bản sắc của Điện Biên. Hiện có 7 tour du lịch đang được vận hành: “A Pa Chải - Cực Tây tự hào”; “Panorama hùng vĩ - Huyền thoại Điện Biên Phủ”; “Lễ hội Hoa ban - Sắc màu Tây Bắc”; “Tủa Chùa kỳ vĩ”; “Mùa lúa chín: Thành phố Điện Biên Phủ - Tà Lèng - Mường Phăng”; “City tour Điện Biên”; “Điện Biên - Lịch sử hào hùng”. Càng tới gần những ngày tháng 5 lịch sử, Điện Biên càng trở nên nhộn nhịp hơn.

z5385450082103_2717799954da32abc5a5ede451b73b85.jpg
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến Điện Biên đã tăng vọt và đặc biệt trở nên đông hơn từ nửa cuối tháng 3.

Trung bình, ước tính địa phương đón tiếp 3.000-5.000 lượt khách tham quan, du lịch công tác. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm, đã có đến 845 nghìn lượt du khách “chạm ngõ” mảnh đất chiến trường xưa, tăng 1,86 lần so với cùng kỳ năm trước. Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ cũng căng mình khi đón trung bình 3.000 khách mỗi ngày.

Tỉnh Điện Biên đã và đang vận động tối đa các hộ gia đình có nhà đáp ứng các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cơ sở vật chất tối thiểu tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã chủ động hướng dòng khách tới các bản làng, nơi mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển bài bản, khoa học.

Điện Biên hiện có 205 cơ sở lưu trú du lịch với gần 2.800 phòng, công suất 5.100 giường và đều được lấp đầy khách. Anh Trần Hải Anh, cán bộ Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đã chủ động tư vấn, đưa khách tới lưu trú tại các homestay chung quanh thành phố Điện Biên Phủ, đặc biệt là tại Mường Phăng.
Ngoài Mường Phăng, hiện toàn tỉnh có 11 bản văn hóa du lịch; 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho hàng chục nghìn lượt khách du lịch cùng một thời điểm.

“Với khoảng cách chỉ trên dưới 20km từ trung tâm thành phố, lại là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Mường Phăng là điểm đến không thể bỏ qua khi tới với Điện Biên. Đặc biệt, các homestay ở đây đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách”, Hải Anh chia sẻ thêm.

Nhìn xa hơn, mô hình du lịch cộng đồng khi được làm bài bản, khoa học, có hoạch định với sự chung tay của cả chính quyền, người dân và các chuyên gia sẽ mở ra cơ hội đổi đời thực sự và bền vững.

Những người nông dân vốn chỉ biết đến ruộng đồng sẽ biết cách làm giàu trên chính quê hương. Ở phía ngược lại, chính họ cũng sẽ trở thành lực lượng tìm cách giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống để vừa phục vụ du khách, vừa giữ nguồn sinh kế dài lâu. Những điệu xòe Thái, lễ xuống đồng, té nước hay buộc chỉ cổ tay… cũng có cơ hội để “sống” trong không gian của riêng mình.

TÚ ANH