Giao thông - Xây dựng

Cơ hội hoàn thiện cầu Trà Đình

Nhật Phong 06/05/2024 08:14

Cầu Trà Đình (xã Quế Phú, Quế Sơn) dở dang suốt 5 năm qua sẽ có cơ hội hoàn thiện trong năm 2025.

2.jpg
Người dân bên kia cầu phía Duy Thành trèo lên cầu chở hàng về chợ Trà Đình (Quế Phú) bán.

Công trình dang dở

Cầu Trà Đình bắc qua sông Bà Rén nằm cuối con đường ĐH03-QS dài 4km, nối từ quốc lộ (QL) 1, địa phận Mộc Bài (Quế Phú) xuống. Một đoạn đường đất, lởm chởm đá sỏi, nối lên cầu bằng con dốc đứng. Cạnh đường bê tông 2m xây tạm, người ta dựng dãy biển báo “đường dốc nguy hiểm, đề phòng tai nạn”, “đi chậm” và giới hạn “5km/h”.

Cô hàng cá Trương Thị Bốn từ bên kia sông, phía xã Duy Thành (Duy Xuyên), đạp xe sang chợ Trà Đình bán nói cầu đã xong từ nhiều năm trước, nhưng rất khó di chuyển vì đường quá dốc.

Anh Hồ Văn Mến, dân xóm Gò, phơi lúa trên mặt cầu rộng cho biết thêm: cầu xong, không đường dẫn, người dân quyên góp tiền đắp đất, đổ bê tông tạm để đi.

Trong báo cáo số 142 ngày 12/3/2024, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Nguyễn Phước Sơn cho biết địa phương đã thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, UBND Quế Sơn cam kết sẽ bố trí vốn ngân sách cấp huyện để đầu tư hoàn thiện toàn bộ dự án, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Chủ đầu tư sẽ phân kỳ đầu tư ngân sách cấp huyện. Năm 2024 bố trí 5 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 13,5 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 10/2024 sẽ khởi công xây dựng đường dẫn 2 bên cầu và các hạng mục còn lại. Tháng 7/2025 sẽ hoàn thành dự án. Thời gian thi công trong 270 ngày (9 tháng). Công trình sẽ quyết toán hoàn thành vào tháng 10/2025.

Rẻo đất nhỏ Trà Đình (Quế Phú) nằm giữa ngã ba sông Bà Rén và Ly Ly gần như bị cô lập vào mùa mưa. Cây cầu phao qua sông chỉ sống tạm mùa khô, không thể giao thông mùa mưa đầy nguy hiểm.

Người dân muốn đến trung tâm xã Quế Phú hoặc xa hơn là trung tâm huyện Quế Sơn, phải theo cầu máng Duy Thành (cầu qua nhánh phụ sông Bà Rén - cầu máng thủy lợi, kết hợp dân sinh), đến Duy Thành, ngược lên QL1 nơi đường dẫn phía bắc cầu Bà Rén.

Con đường này rất dài, khoảng 15km đến trung tâm xã, 35km đến trung tâm huyện. Trong khi đó, nếu qua cầu Trà Đình, chỉ mất khoảng 4,5km đến trung tâm xã và 24,5km đến trung tâm huyện.

3.jpg
Đường dẫn lên cầu phía Mộc Bài xuống có ghi biển báo cảnh báo sự nguy hiểm khi leo dốc lên cầu.

Hy vọng thoát khỏi trình trạng cô lập mùa mưa, rút ngắn khoảng cách mảnh đất này đã được mở ra bằng một dự án xây dựng cầu Trà Đình qua nhánh sông Bà Rén với tổng mức đầu tư hơn 51,8 tỷ đồng (tháng 10/2016). UBND tỉnh phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư hơn 51,5 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh đầu tư 30 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Thế nhưng sau nhiều năm thi công, dự án này mới chỉ xong hạng mục cầu vượt sông (năm 2020), dài khoảng 150m. Các hạng mục khác đều không thể thực hiện được.

Các cuộc kiểm tra, giám sát, thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở GTVT hay biện giải của chủ đầu tư (UBND huyện Quế Sơn) cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã khiến nguồn thu thiếu hụt, ngân sách huyện Quế Sơn không đủ để cân đối theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được phê duyệt khi thi công dự án.

Địa phương mới chỉ có thể thực hiện trước phần cầu và đường công vụ. Còn đường dẫn vào cầu (khoảng 1.147m/1.032m thuộc Quế Phú (Quế Sơn) và 115m thuộc Duy Thành (Duy Xuyên), hệ thống thoát nước, cọc tiêu, biển báo... vẫn chưa thi công xây dựng.

Sự dở dang của dự án này đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho người dân trong vùng, chưa biết khi nào được gỡ bỏ. Một dự án nhóm C (bố trí vốn không quá 3 năm) lại kéo dài đến gần 8 năm vẫn không xong, đã khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, liệu mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án này có đúng luật hay không?

4.jpg
Mặt cầu thành bãi phơi lúa.

Dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025

Không ít văn bản kiểm điểm địa phương về chuyện thi công chậm tiến độ, chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt. Thế nhưng, giải pháp hoàn thiện công trình, có đủ cầu, đường cho dân đi lại vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Anh Mười - Chủ tịch UBND xã Quế Phú nói dân địa phương muốn nhìn thấy công trình hoàn chỉnh, giải quyết dứt điểm tình trạng cô lập giữa ngã ba sông tại khu vực Trà Đình, trở thành tuyến đường chạy lũ, cứu hộ cứu nạn cho người dân khu vực có tuyến ĐH03-QS đi qua, kết nối vận tải, lưu thông hàng hóa... địa phương và các vùng lân cận.

1.jpg
Người dân phải vất vả chạy ngược dốc lên cầu.

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, việc kéo dài dự án, theo luật là sai. Nhưng trước nhu cầu bức thiết của người dân, cần xây dựng hoàn thiện dự án này bằng một quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. .Đề nghị đã được HĐND tỉnh phê chuẩn ngày 23/4/2024, đã mở nút thắt của dự án cầu Trà Đình.

Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đã làm tăng chi phí đầu tư xây dựng theo định mức, đơn giá vật liệu, nhân công..., tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bổ sung thêm một số hạng mục công việc theo ý kiến nhân dân tại khu vực dự án, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh lên hơn 62,5 tỷ đồng (tăng hơn 10,6 tỷ đồng) để có thể hoàn chỉnh dự án, bảo đảm mục tiêu đầu tư.

Tổng mức đầu tư dự án sẽ được chuẩn xác trong bước lập dự án điều chỉnh trên cơ sở khối lượng, định mức đơn giá hiện hành, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

5.jpg
Cầu xây xong, nhưng thiếu đường dẫn nên chưa thể đưa vào sử dụng dù hạng mục cầu đã nghiệm thu từ năm 2021.

Theo phân tích của các cơ quan thẩm định, ngân sách tỉnh rót vốn cho dự án này sẽ tăng từ 30 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2017 - 2020 sẽ thành 2017 - 2025. Ông Nguyễn Hưng cho hay, phần ngân sách tỉnh tăng thêm 8 tỷ đồng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, cân đối từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2023 chuyển sang 2024.

Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, bố trí bổ sung kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách tỉnh 8 tỷ đồng để thực hiện hoàn thiện dự án. Số vốn bổ sung này phù hợp trong khả năng cân đối vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

6.jpg
Cầu xây xong, nhưng thiếu đường dẫn nên chưa thể đưa vào sử dụng dù hạng mục cầu đã nghiệm thu từ năm 2021.

Số vốn 38 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh sẵn nguồn (ngân sách tỉnh đã giải ngân 30 tỷ đồng). Theo tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của dự án, chủ đầu tư cần bố trí vốn ngân sách huyện đối ứng hơn 24,5 tỷ đồng. Thống kê của UBND huyện Quế Sơn, năm 2016 - 2020, ngân sách huyện đã bố trí hơn 5,9 tỷ đồng, số còn lại Quế Sơn sẽ phải cân đối bố trí đủ nguồn ngân sách huyện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (khoảng 18,5 tỷ đồng) mới hoàn thiện được dự án.

Mới đây, UBND huyện Quế Sơn đã trình UBND tỉnh, Sở Tài chính duyệt hỗ trợ 7 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐX02 xã Quế Long “vì ngân sách huyện còn khó khăn nên việc đầu tư khó thực hiện được”. Tuy nhiên, có thể hy vọng dự án cầu Trà Đình sẽ hoàn thành đúng như dự định, không thể để “đứng bánh” kéo dài như trước.

Nhật Phong