Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng”: Hào hùng và lắng đọng
(QNO) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tối 5/5, chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng” do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Điện Biên, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Kon Tum.
Tham dự chương trình, tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025; Trần Cẩm Tú - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tại điểm cầu Điện Biên có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; các đồng chí: Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.
Tại điểm cầu Kon Tum có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Những cảm xúc lắng đọng từ 5 đầu cầu của Tổ quốc
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” là chương trình quy mô lớn, có sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp tham gia biểu diễn ở 5 điểm cầu.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto…
Với thời lượng hơn 110 phút, chương trình đã đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
Mở đầu chương trình, nhạc phẩm bất hủ Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân đồng loạt được vang lên ở cả 5 điểm cầu, đem lại cho khán giả cảm xúc tự hào. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Cha già dân tộc như hiện hữu chung quanh.
Điểm cầu Điện Biên
Những vần thơ hào hùng trong thi phẩm Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu do ca sĩ Phúc Tiệp và tốp nam trình bày đã đưa khán giả sống lại không khí hào hùng của 56 ngày đêm không thể quên của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Điểm cầu TP.Hồ Chí Minh
Tại chân Cột cờ Thủ Ngữ, TP.Hồ Chí Minh vào ngày 23/9/1945, khi đại đội quân Anh đến để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, một tiểu đội tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, chống trả quyết liệt tới người cuối cùng. Tinh thần quyết tử của các anh đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của quân và dân Nam Bộ trong những ngày kháng chiến.
Màn trình diễn diễn nghệ thuật Nam Bộ kháng chiến đã phần nào tái hiện không khí đấu tranh mạnh mẽ của người dân Nam Bộ thời điểm ấy. Tiết mục do nghệ sĩ Đức Tuấn và tốp ca nam nữ thể hiện.
Điểm cầu Hà Nội
Nghệ sĩ Lan Anh, nhóm Belcanto và hàng chục nghệ sĩ từ hai điểm cầu Hà Nội, Điện Biên đã đưa không khí của Hà Nội những ngày tháng năm 1946 đến với hiện tại thông qua ca khúc Người Hà Nội.
Điểm cầu Thanh Hóa
Điểm cầu Thanh Hóa tiếp nối với màn trình diễn Bình Trị Thiên khói lửa, do nghệ sĩ Đào Tố Loan và tốp nam nữ 30 người thể hiện. Sau thất bại Thu Đông 1947, quân Pháp tập trung lực lượng càn quét dữ dội ở Bình Trị Thiên. Đầu năm 1948, chúng liên tục mở các trận càn ở Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, gây ra những vụ thảm sát. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khi ấy đang công tác tại Nghệ An, đã viết ca khúc này.
Song song với điểm cầu Thanh Hóa, tiết mục còn có sự tham gia của các nghệ sĩ múa ở điểm cầu Kon Tum.
Điểm cầu Kon Tum
Tiết mục Tây Nguyên bất khuất (nhạc sĩ Văn Ký) do hai nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang và Y Garia biểu diễn đã miêu tả một Tây Nguyên hiện lên với những con người hào hùng, bất khuất, hiên ngang đạp đổ xiềng xích đứng lên giải phóng.
Tại chương trình, cùng với việc thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những bài ca đi cùng năm tháng, khán giả còn được xem các phóng sự cùng những đoạn phim tư liệu về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm.
Những phong trào đấu tranh đòi hoà bình, chống bắt lính; các trận phục kích tập kích, phá hoại các sân bay, kho xăng, đồn bốt, tàu bè giặc của đồng bào Nam Bộ đã được tái hiện sinh động.
Câu chuyện của những dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được kể lại trong chương trình cầu truyền hình. Gian khổ, vất vả nhưng những thanh niên thời ấy vẫn không ngừng nghỉ vận chuyển lương thực tới chiến trường.
Câu chuyện về hệ thống giao thông hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tái hiện trong phóng sự “Siết chặt vòng vây lửa”. Những câu hỏi như Pháp củng cố lực lượng như thế nào? Với lớp phòng ngự kiên cố và thiện chiến như vậy, chúng ta đã làm gì?... cũng được trả lời.
Bên cạnh đó, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, trong đó có cựu chiến binh Trần Khôi - nguyên Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đại đội xe thồ 101.
Cựu chiến binh Trần Khôi là nguyên Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đại đội xe thồ 101. Ông và các đồng đội đã xuất phát từ Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 70 năm, ký ức về chiến trường năm xưa vẫn được ông lưu giữ vẹn nguyên trong tâm trí. Ông còn lưu lại những kỷ vật chiến trường năm xưa của mình trong nhà như bảo vật quý giá.
Nếu so với cầu Thanh Hóa có các dân công hỏa tuyến, Kon Tum là lực lượng chia lửa với Điện Biên thì câu chuyện hậu cần mặt quân y của cầu Hà Nội sẽ được khai thác sâu hơn. Những câu hỏi như: Năm ấy các sinh viên y khoa của Hà Nội đã rời lên chiến trường như thế nào? Những sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội cống hiến cho chiến trường Điện Biên là gì?... đã được trả lời trong chương trình, thông qua cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Tụ - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y và ông Lê Văn Sầm - Chiến sĩ liên lạc của GS. Tôn Thất Tùng tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong lúc chiến dịch leo thang, thương bệnh binh gặp phải các chấn thương nặng, đặc biệt về sọ não, vượt ngoài phạm vi xử lý của quân y nên lực lượng có đánh điện xin sự trợ giúp của các giáo sư tiến sĩ hàng đầu. GS. Tôn Thất Tùng đã lên thăm và quyết định ở lại, vừa tự mình chữa trị cho các chiến sĩ vừa hướng dẫn các đồng nghiệp của mình thực hiện.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai thế hệ
Chương trình cầu truyền hình tiếp nối với sự trở lại điểm cầu Điện Biên, tại Di tích cứ điểm D1 (Dominique 2), là cứ điểm ở vị trí cao nhất của dãy đồi phía đông thuộc Phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi chiến đấu của Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Một điều đặc biệt là hai con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật - một trong những chiến sĩ từng chiến đấu tại cứ điểm D1 (Dominique 2), cũng có mặt trong chương trình. Hai chị em Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim đã có cơ hội gặp gỡ những cựu chiến binh cùng Đại đoàn 312 với cha mình là ông Nguyễn Hữu Chấp, ông Vũ Đình Ới, ông Bùi Kim Điều.
Không chỉ vậy, một món quà đặc biệt khác cũng được ê-kíp chuẩn bị để gửi tặng tới hai con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật. Đó là bức chân dung liệt sĩ được tạo bởi phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con. Chương trình mong muốn một phần nào đó thực hiện giấc mơ gặp lại cha của con gái, bởi bao năm qua, gia đình vẫn luôn nỗ lực tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật nhưng vẫn không có kết quả.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” khép lại với những hình ảnh trao kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở 5 điểm cầu. Suốt 70 năm qua, lá cờ mang khát vọng chiến thắng đã dẫn dắt quân và dân ta vượt qua các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, tập hợp sức mạnh ý chí để đổi mới dựng xây đất nước. Và lá cờ quyết chiến quyết thắng mãi là biểu tượng cho ý chí, cho khát vọng Việt Nam hùng cường.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” mong muốn truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc.
Gần 9 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung.