Tự hào trang sử Điện Biên
(QNO) - Đã 70 năm trôi qua, nhưng những trang sử hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn trở thành niềm tự hào trong lòng nhiều thế hệ. Để hôm nay, khi nhắc đến Điện Biên là khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết thắng, không ngại gian lao.
Lên đường, theo tiếng gọi của Tổ quốc
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'' của Đảng đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu tinh thần chống giặc, cứu nước của hàng triệu nhân dân ta. Người người, nhà nhà tham gia cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến.
Bà Võ Thị Dũng – SN 1931, trú xã Quế Phong, Quế Sơn nhớ lại, năm 1954, bà rời miền quê Anh Sơn, Nghệ An, theo chân đoàn thanh niên xung phong lên đường ra Bắc góp sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ thay phiên nhau vá đường, nấu ăn cho lực lượng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.
Cuộc sống của bà Dũng phần lớn gắn chặt với những căn hầm trong chảo lửa Điện Biên. Dưới hầm, tiếng máy bay địch xé trời hay tiếng bom rơi trên đầu chẳng còn là điều bận tâm. Cứ 7 ngày một lần, tiếp phẩm từ hậu phương đưa lên, chất đầy vào hầm. Nhóm lửa, nấu cơm trên bếp Hoàng Cầm, giữa ban ngày địch cũng chẳng phát hiện. Nhờ đó, cơm nước phục vụ bộ đội ngay tại chiến hào, không cần phải nắm cơm đưa lên từ tuyến sau.
Còn bà Hoàng Thị Miều – SN 1938, trú xã Đại Hồng (Đại Lộc) tâm sự, bà tham gia cách mạng khi chỉ mới 16 tuổi. Những lời ủng hộ, động viên của người dân nơi quê nhà Hải Dương như niềm khích lệ để bà thêm hăng hái, sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Đến Điện Biên, bà được giao trọng trách hỗ trợ lực lượng quân y cứu chữa cho các anh bộ đội bị thương. Bà len lỏi dưới những chiến hào, sẵn sàng lao lên để đưa thương bình về tuyến sau cứu chữa. Bởi, chỉ chậm một chút thôi là ảnh hưởng đến mạng sống của bộ đội.
Có anh lính bị đạn bắn trúng thẳng, cũng có anh bị pháo phạt ngang. Máu me đầm đìa, bùn đất bê bết. Nhưng cô thanh niên xung phong Hoàng Thị Miều chẳng e ngại, tay thoăn thoắt theo hướng dẫn quân y để cầm máu, sơ cứu vết thương tránh nhiễm trùng, hoại tử. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà Miều đã cứu sống nhiều anh lính trẻ trước bờ vực sinh tử, khỏe mạnh trở lại và tiếp tục tham gia chiến đấu sau đó.
Xuyên suốt 56 ngày cam go ấy, còn lấp lánh bao ký ức khác, có cả nụ cười lẫn nước mắt. Nhưng tựu trung, khi kề cận khoảnh khắc sinh tử, chẳng hề thấy sự nao núng. Họ giữ một tinh thần thép, luôn hướng về Điện Biên với niềm tin thắng lợi.
Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh lực lượng quân chủ lực, khoảng 10 vạn người gồm dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và các tầng lớp học sinh, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, trí thức… xung phong xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua. Quân và dân các địa phương đã huy động 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, hơn 750 xe thô sơ,... để vận chuyển hơn 30.700 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ chiến dịch.
Một trong những nhân tố quyết định của Chiến thắng Điện Biên Phủ và nói chung của các chiến thắng chiến dịch Đông Xuân là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chia lửa từ nước bạn Lào
Năm nay ông Trần Đình Tư – trú xã Quế Long, Quế Sơn đã 100 tuổi nhưng những ký ức về những ngày chiến đấu trên nước bạn Lào vẫn còn đậm sâu. Ông Tư nhớ lại, năm 1946, ông cùng đồng đội thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 12 được Liên Khu V điều động sang Lào đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận gạo từ các địa phương ở Quảng Đà đưa sang tập kết tại Hạ Lào, rồi đưa lên Trung Lào, Thượng Lào. Sau đó, nguồn gạo này tiếp tục được chuyển ngược về Điện Biên Phủ.
“Những ngày đầu, con đường vận chuyển lương thực sang Lào gặp nhiều khó khăn. Một nhóm gánh gạo từ 10-15 người phải đi theo lộ trình và từng khung giờ nhất định để tránh bị địch phát hiện. Qua từng trạm sẽ báo cáo bằng tín hiệu để nắm số lượng người, tránh trường hợp địch trà trộn. Chưa kể, trên đường đi còn biết bao gian khó, hiểm nguy khác, như thú dữ, đường núi chông chênh, bom đạn… Nhiều khi đến nơi tiếp nhận chỉ còn vài nắm gạo. Nhưng “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, những đoàn người nối nhau đưa lên biên giới, tiếp ứng cho cuộc chiến Trung Lào, Thượng Lào” - ông Tư kể.
Giai đoạn 1953 - 1954, ông Tư được điều động lên hoạt động ở Hành lang Đông, rồi sang Hành lang Tây (thuộc khu vực Trung Lào, Thượng Lào). Cùng thời điểm này, mùa xuân năm 1953, chiến dịch Thượng Lào nổ ra và giành thắng lợi. Tiếp đó, đông xuân 1953 - 1954, các cuộc tiến công mở ra ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào để phân tán lực lượng địch, chia lửa với mặt trận Điện Biên.
Chiến trận căm go thì những bước chân tiếp phẩm càng thêm hối hả. Những cơn mưa bom ngăn con đường tiếp viện như trải ra trên đầu, ranh giới sống - chết chỉ trong gang tấc. Chỉ có bom đạn tránh mình, chứ mình không thể tự tránh. Nhưng tất cả cũng chỉ rèn cho người lính bản lĩnh gan dạ, vượt qua gian nguy, tiếp nhận gạo từ nhân dân và gửi ra tiền tuyến.
Ông Trần Đình Tư - xã Quế Long, Quế Sơn
Với sự phối hợp của các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân dân nước bạn Lào, tin vui chiến thắng liên tục bay đến khắp mặt trận, từ Hạ Lào đến Thượng Lào. Đây là tiền đề quan trọng để quân dân nước bạn tiến công, nổi dậy giải phóng quê hương và tạo điều kiện cho quân và dân ta đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ.
Anh dũng dưới những chiến hào
Những ngày đầu tháng 4/1954, nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Liên khu V điều động Tiểu đoàn 19 ra Bắc, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ông Trần Ngọc Quế - 94 tuổi, trú xã Tam Lãnh (Phú Ninh) nhớ lại, Tiểu đoàn 19 hành quân khoảng 10 ngày là đến Điện Biên và được giao nhiệm vụ đào chiến hào.
Mỗi ngày, mỗi người đào 3m chiều ngang, 1m chiều sâu. Anh nuôi sẽ phát mỗi người nắm cơm cùng ít mắm muối khô đựng trong ống tre. Vừa đào, vừa sinh hoạt dưới chiến hào. Lá rừng cắm lên trên miệng hào để ngụy trang và che nắng, che mưa. Toàn quân miệt mài, cuốc mòn, tay chai sạm vẫn không chút lơ là. Hễ địch càn ra thì súng lên nòng, sẵn sàng chiếu đấu.
“Với sức trẻ của người lính, những đường hào ngày thêm nối dài, từ rừng cho đến những trận địa chiến đấu. Vất vả nhất là những đoạn hào sát cứ điểm dịch. Một ngày không biết bao nhiêu cơn “mưa đạn” xả ra để ngăn đường hào tiến sâu. Hào vừa đủ để ẩn nấp, cũng tạo thế để trường lên phản công. Khi tứ phía đều là hào, địch bắt đầu loạn phương hướng phòng bị. Theo thời gian, địch thất thế, toàn quân nhận lệnh băng qua hào, tiến công chiếm lấy nhiều cứ điểm quan trọng” – ông Quế kể.
Ác liệt nhất phải kể đến những ngày tiến công sân bay Mường Thanh. Ông Quế nhớ lại, quân ta đã đồng loạt thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp viện của địch. Dù vậy, quân địch hết sức ngoan cố, chống trả quyết liệt. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn hào. Bom nổ rền tai, khói lửa cay mắt, bụi đất tung tóe lấp cả người dưới hào. Song, các chiến sĩ không hoảng loạn, hất đất ra khỏi hào, tiếp tục cầm súng chiến đấu. Sau rất nhiều ngày giằng co, quân địch giảm tinh thần chiến đấu, quân ta tiến đánh, chiếm lấy sân bay Mường Thanh.
Những cứ điểm của địch lần lượt bị hạ. Những đường hào tiếp tục nối dài, tiến sâu hơn vào những trận địa làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Đây là một chiến thuật tiến công của quân ta theo phương châm “đánh chắc, thắng chắc”.
“Đầu tháng 5, toàn quân mở đợt tổng tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Rất nhiều chiến lược đồng thời triển khai giữa trận địa như khoét núi, đào hầm, dùng thuốc nổ phá hầm ngầm, đào chiến hào… Tiểu đoàn 19 chúng tôi tiếp tục chiến đấu dưới hào, sẵn sàng chống trả các đợt càn của địch và bảo vệ lực lượng đào hầm, ở khoảng cách 1 cây số so với hầm chỉ huy của địch. Trận chiến ác liệt cả ngày lẫn đêm, anh em dưới hào chỉ một tinh thần tiến lên, chẳng để tâm ngày giờ. Chỉ biết rằng, áp sát được sở chỉ huy địch thì ngày giành thắng lợi đang đến gần” - ông Quế nói.
Ký ức in đậm trong lòng ông Quế, chính là chiều tối ngày 7/5, khi ngọn cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Đại đội 360 đưa tướng địch De Castries cùng các tướng lĩnh, tùy tùng đã đầu hàng ra khỏi hầm. Tiểu đoàn 19 cùng các lực lượng khác lập tức tiến vào, bảo vệ nghiêm ngặt và đưa tướng địch ra xe Jeep để đưa về Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312).
Tri ân chiến sĩ Điện Biên
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), từ Trung ương đến địa phương long trong tổ chức các hoạt động tri ân chiến sĩ Điện Biên. Cuối tháng 4, khi nhận giấy mời của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra Hà Nội tham dự lễ gặp mặt với lãnh đạo Đảng, nhà nước, lòng ông Trần Ngọc Quế - xã Tam Lãnh, Phú Ninh rộn ràng khó tả, đợi chờ từng ngày.
Ngày gặp mặt ở thủ đô, ông Quế cùng các đồng đội đi những bước chậm rãi tiến vào lăng Bác. Ùa về trong tâm trí ông Quế là những kỷ niệm ngày tiếp quản thủ đô, đón Bác Hồ từ chiến trường Điện Biên trở về.
Sau 70 năm, mọi thứ nơi đây đã nhiều thay đổi. Những hàng cây mới ngày nào Bác trồng chỉ có vài chồi xanh, nay đã cao lớn, tỏa bóng mát, như những anh chiến sĩ Điện Biên, chẳng còn độ tuổi xuân xanh, họ đã trở thành những cụ ông tóc bạc, lưng còng.
Có những tiếc nuối đọng lại, khi nhiều đồng đội đã không còn… Và rất nhiều người cũng đã không đủ sức khỏe để trở lại thủ đô lần này. Những người may mắn hạnh ngộ đã không kìm được giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm ấm tình đồng đội…
Giờ phút được gặp lại đồng đội, ôn lại những buồn vui trong suốt 56 ngày cam go, ác liệt nơi chiến trường Điện Biên, cảm giác xúc động khôn xiết. Chắc chắn sẽ không còn nhiều cơ hội như thế này.
Ông Trần Ngọc Quế - xã Tam Lãnh, Phú Ninh
Tại Quảng Nam, cuối tuần qua, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy đã đến viếng hương 2 liệt sĩ Phan Đức Hương (xã Bình Dương, Thăng Bình), Nguyễn Quận (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) và thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân liệt sĩ.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo đó, mỗi chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến còn sống được tặng phần quà trị giá 5 triệu đồng (gồm quà của Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ngân hàng nhà nước; đối với thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên từ trần được hỗ trợ 1 triệu đồng).
Bà Nguyễn Thị Văn - cháu liệt sĩ Nguyễn Quận cho biết, từ lời kể của người thân trong gia đình, ông Quận tham gia chiến đấu từ năm 1941. Mãi đến sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước (1975) gia đình mới nhận giấy báo tử của ông. Trong giấy ghi rõ là ông tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ với chức vụ Tiểu đội trưởng và hy sinh vào ngày 7/5/1954. Hiện nay gia đình vẫn chưa rõ mộ liệt sĩ ở đâu, chỉ lập bàn thờ cúng tại nhà.
“Những năm qua, chế độ chính sách cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ được nhà nước quan tâm, thực hiện tốt khiến gia đình ấm lòng” – bà Văn cho hay.
Còn ông Ngô Văn Quy – phường Thanh Hà, TP.Hội An bày tỏ niềm xúc động khi lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm nay, dù vết tích chiến tranh vẫn thường đau nhức mỗi khi trở trời, nhưng chỉ cần thấy đất nước yên bình, quê hương đổi thay từng ngày chính thì những mồ hôi, xương máu của ông và đồng đội đã đổ xuống càng thêm ý nghĩa.
Ngày trước theo tiếng gọi Tổ Quốc mà lên đường cầm súng chiến đấu, tôi đâu nghĩ ngày mai ra sao hay để được ghi công, tặng quà như hôm nay đâu. Ở tuổi này, món quà lớn nhất mà tôi mong muốn nhìn thấy là thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương giàu mạnh.
Ngô Văn Quy – phường Thanh Hà, TP.Hội An
[VIDEO] - Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên: