Vang vọng Bồ Bồ
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trận đánh Bồ Bồ khuya 19, rạng sáng 20/7/1954 của quân và dân Quảng Nam đã trở thành mốc son chói lọi, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève, rút quân khỏi Đông Dương. Sau 70 năm, mảnh đất anh hùng nay đã thay da đổi thịt - một địa chỉ đỏ tự hào trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương xứ Quảng.
“CHIA LỬA” VỚI CHIẾN TRƯỜNG ĐIỆN BIÊN
Chỉ trong hơn 2 giờ tiến công, quân và dân Quảng Nam đã tiêu diệt, bắt sống gần 700 tên địch, đưa địa danh Bồ Bồ đi vào lịch sử. Dù thời gian đã trôi xa nhưng ký ức trận đánh 70 năm về trước vẫn sống động, tự hào trong lòng những du kích năm xưa mỗi khi nhắc đến.
Ở tuổi 96 nhưng ông Nguyễn Văn Đài (hay còn gọi là Nguyễn Văn Cho), thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn còn khá minh mẫn. Tham gia cách mạng từ những ngày khởi nghĩa cướp chính quyền (1945), nhưng chiến thắng Bồ Bồ năm xưa vẫn in đậm trong ký ức người cựu binh này.
Ký ức Bồ Bồ
Cuối năm 1953, cùng với việc đổ quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giặc Pháp tập trung lực lượng đánh vào vùng tự do Liên khu V. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra. Tại Điện Bàn, hàng chục cứ điểm địch như các cụm lô cốt La Thọ, Châu Lâu… đã bị tiêu diệt, vùng du kích Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An. Điện Phước nối lại thế liên hoàn vững chắc.
Tại Điện Tiến, du kích xã đã tổ chức bao vây bắn tỉa, đánh chặn đường tiếp tế của địch bằng hầm chông, gài mìn kết hợp phục kích khiến đồn Bồ Bồ bị uy hiếp, cô lập.
Trong tháng 5 đến tháng 6/1954, địch phải dùng máy bay Dacota thả dù tiếp tế xuống Bồ Bồ. Thời gian này tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng vừa bị Việt Minh đánh bại.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đang tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh Đông Dương. Được cổ vũ bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ.
Chuẩn bị trận đánh, từ hơn 10 ngày trước, Trung đội du kích do ông Nguyễn Văn Đài làm Trung đội trưởng nhận lệnh phải làm một cầu phao bằng tre bắc sang sông đào Bình Phước cho bộ đội, xe pháo từ hướng Cẩm Văn (Điện Hồng) hành quân qua.
“Đêm diễn ra trận đánh trời rất tối, khoảng 12 giờ quân ta bắt đầu nổ súng, truy kích địch đến gần sáng. Sau đó, huy động lực lượng thanh thiếu niên mỗi người một cây đuốc bằng bả mía phơi khô đi tìm bắt tù binh và thu vũ khí, ánh đuốc sáng rực đồi Bồ Bồ. Bị mất đồn, sáng sớm 9/6 địch dội bom xăng xuống khu vực Bồ Bồ đốt cháy tất cả, nhiều người đã chết trong trận này” - ông Đài nhớ lại.
Ngày 17/7/1954, địch tập trung trên 800 quân, 110 xe cơ giới mở cuộc hành quân “Con Báo” càn trắng xung quanh và tiến chiếm lại Bồ Bồ.
Đêm 18/7, địch co cụm quân tại Bồ Bồ. Quyết tâm đập tan âm mưu của thực dân Pháp, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp là các đơn vị Tiểu đoàn 20, Đại đội trợ chiến 22, Đại đội 64 (đơn vị độc lập), Trung đội trinh sát của Đại đội 15, một trung đội của Đại đội 61 huyện Điện Bàn mở trận tập kích, quyết tiêu diệt địch lần thứ 2 trên núi Bồ Bồ. Hơn 500 du kích, dân công hỏa tuyến các xã Điện Hòa, Điện An, Điện Phước, Điện Tiến cũng được huy động, phục vụ chiến trường.
Đội du kích Điện Tiến do ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy được chia thành 3 mũi, một mũi dẫn đường bộ đội tiến công, một mũi đón lõng địch tháo chạy, mũi còn lại vận chuyển thương binh và dẫn giải tù binh.
Ông Nguyễn Xuân Đình (SN 1935), thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa tham gia trận đánh cho biết, đồi Bồ Bồ khi đó chủ yếu cây bụi lúp xúp như chổi, hoa sim mọc um tùm.
Từ phía tây thẳng xuống phía bắc đồi là ruộng gieo, phía bên kia là bàu nước nên du kích có thể bò trườn dưới những tán bụi cây. Đúng 0h30 ngày 20/7/1954, các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công.
Địch chống trả quyết liệt, nhưng các mũi xung kích bộ đội, du kích vẫn tiến sát vào đội hình địch, dùng lựu đạn, thủ pháo tấn công. Bãi xe cơ giới địch bị bắn cháy, bãi đạn pháo nổ tung, quân Pháp không còn nơi ẩn nấp để chống trả. “Mình đánh vô đồn Bồ Bồ khi giặc đang ngủ nên chúng bất ngờ, hoảng loạn” - ông Đình phân tích.
Một phần quân địch bị tiêu diệt, số khác tháo chạy về hướng nam đồi, bị lọt vào trận địa phục kích của ta, hầu hết bị bắt sống. Sau 2 giờ chiến đấu và truy quét, khoảng 400 tên địch đã bị tiêu diệt, bắt sống 293 tên, trong đó có Đại tá Calimesti Felit, chỉ huy cuộc hành quân “Con Báo”.
“Tổ của tôi khi đó mỗi người đều mang theo một sợi dây dừa để bắt tù binh, lúc đầu trói 2 tên vô một dây, sau nhiều tù binh quá không còn dây nữa mới nghĩ ra sáng kiến bắt tù binh tháo giày ra đi chân trần, vì đau chân chúng sẽ không chạy được” - ông Đài kể. Cứ thế mỗi đoàn tù binh có 2 du kích kèm, người đi trước dẫn đường, người đi sau áp tải qua sông Bình Phước đến vùng tự do Duy Xuyên.
Chiến thắng của lòng yêu nước
Theo ông Nguyễn Xuân Đình, lòng yêu nước đã làm lên chiến thắng Bồ Bồ. “So với các trận đánh khác, mức độ ác liệt trận Bồ Bồ không bằng nhưng giá trị ở đây là lực lượng mình dù ít hơn nhưng vẫn đánh thắng. Làm được điều đó yếu tố lớn nhất là tinh thần kiên cường, không sợ chết, quyết tâm diệt quân xâm lược” - ông Đình nói.
Trong trận đánh Bồ Bồ, vũ khí của bộ đội, du kích chỉ bằng 1/5 địch. Một trung đội du kích chỉ vài ba khẩu súng, còn lại là bộc phá và lựu đạn. Tham gia trận đánh rạng sáng 20/7, Điện Hòa có 67 du kích, dân công hỏa tiến.
Tổ du kích ông Đình có 4 người chốt canh đánh đón lõng địch tháo chạy và chặn tiếp viện của địch tới phía dưới đồi, số còn lại đi chuyển thương binh, dẫn đường, đồng thời đánh nghi binh hướng đông bắc nhằm thu hút hỏa lực địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực từ hướng Cẩm Lý tiến lên.
Ông Nguyễn Văn Đài khẳng định, lòng yêu nước, quyết tâm chiến thắng đã xóa đi những thua thiệt về vũ khí so với quân địch. “Chứng kiến kẻ thù cướp của, đốt nhà, bắn giết người dân mình ai cũng căm tức, nó lấn át cả cảm giác sợ chết, chỉ quyết tâm trả thù” - ông Đài quả quyết.
Đồng thời khẳng định, nếu chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội 5 châu thì tại Quảng Nam - Đà Nẵng, kể cả miền Trung, qua 9 năm chống Pháp chưa có trận đánh nào thắng lớn, diệt nhiều địch và bắt sống nhiều địch, thu hồi nhiều vũ khí như chiến thắng Bồ Bồ.
Càng ý nghĩa tự hào hơn khi chiến thắng Bồ Bồ đã góp phần kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc, bởi ngay sau trận đánh, ngày 20/7/1954, hiệp định Genève đã được ký kết, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và Đông Dương.
Đã 70 năm trôi qua, trong số 34 du kích thuộc trung đội của ông Nguyễn Văn Đài chỉ huy tham gia đánh đồn Bồ Bồ rạng sáng 20/7/1954 nay chỉ còn 4 người, 3 trong số đó tuổi già bệnh tật.
Tại Điện Hòa, tuy đông hơn (15 người), nhưng hầu hết đã già yếu (trên dưới 90 tuổi) nên dù cùng làng cùng xã nhưng ít gặp nhau. Giữa cuối tháng 3 vừa qua, trong buổi tọa đàm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Bồ Bồ do xã Điện Hòa tổ chức, những cựu binh có dịp hội ngộ, ai cũng tự hào, xúc động vì đã đóng góp một phần công sức, xương máu của mình vào chiến thắng để làm nên kỳ tích Bồ Bồ trên quê hương đất Quảng anh hùng.