Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Kỷ vật của người chiến sĩ Điện Biên

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 07/05/2024 09:18

(QNO) - Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ vừa đến thăm gia đình và viếng hương ông Nguyễn Đức Đông nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thật xúc động trước những kỷ vật và những câu chuyện kể về người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Ông Nguyễn Đức Đông (SN 1929, tại thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), tham gia du kích xã năm 20 tuổi và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1949. Sau khi kết nạp Đảng, tổ chức điều ông về công tác tại Đại đội 14, Tiểu đoàn 37, Trung đoàn 108 thuộc lực lượng chủ lực Liên khu V.

Tháng 4/1953, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến trường”, ông cùng đồng đội lên đường ra Hà Nội tham gia vào đoàn quân Tây tiến. Trở thành người chiến sĩ Điện Biên, ông Đông được bổ sung vào lực lượng khiêng thương, tiếp lương, tải đạn và sau đó được điều về Trung đoàn Pháo binh 237.

doan-cong-tac-tp-tam-ky-den-tham-gia-dinh-ong-nguyen-duc-dong-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ đến thăm gia đình ông Nguyễn Đức Đông. Ảnh: NĐN.

Lúc sinh thời ông Đông hay kể, "Do thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, theo đó kế hoạch cho trận đánh mở màn chiến dịch cũng thay đổi, song không nắm được kế hoạch thay đổi, trung đoàn của ông vẫn bí mật tiến hành chuyển pháo vào cứ điểm để chuẩn bị tấn công đồi Him Lam vào đêm 15/1/1954 như dự định. Trong khi đi kiểm tra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát hiện, thay vì phê bình, ngược lại Đại tướng phân tích cho mọi người cùng hiểu, để thực hiện “Nếu theo chiến thuật đánh nhanh ta sẽ thất bại, chịu tổn thất nặng nề, thậm chí “hết vốn”. Vì vậy, chúng ta vẫn giữ quyết tâm tiêu diệt địch nhưng phải thay đổi cách đánh. Như vậy phải ra lệnh hoãn thời gian phát hỏa mở vùng chiến dịch, cho bộ đội trên toàn mặt trận lùi về địa điểm tập kết, kéo pháo ra để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, thận trọng hơn”.

Đưa pháo lên đồi tuy vất vả nhưng dễ hơn là đưa xuống, song nghe Tổng chỉ huy chiến dịch nhẹ nhàng nhắc nhở như người anh cả nói với đàn em trong gia đình, ai nấy đều hớn hở thi nhau đưa pháo xuống núi giấu vào nơi quy định an toàn, chờ ngày phát hỏa.

qua-cua-bo-quoc-phong-tang-nhan-dip-ky-niem-50-nam-chien-thang-dien-bien-phu-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Quà của Bộ quốc phòng tặng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NĐN.
Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng Ảnh NĐN
Ông Nguyễn Đức Đông được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: NĐN.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Đông trở lại đơn vị cũ tiếp tục công tác và đã có nhiều lần được tổ chức điều vào Nam ra Bắc. Tháng 9/1969, ông Đông lập gia đình với bà Trịnh Thị Kim Thông quê ở Ứng Hóa (TP.Hà Nội). Năm 1973, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung úy, trở về với cuộc sống đời thường.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông đưa vợ con về quê nhà sinh sống. Trong khoảng thời gian này ông Đông tích cực tham gia công tác hội và phong trào cựu chiến binh, được đồng đội tin yêu bầu ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã 2 nhiệm kỳ (1994 – 1997, 2000 – 2006).

Ông Nguyễn Viết Hưng – nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Tam Ngọc cho biết, ông được đứng vào hàng ngũ CCB và trở thành cán bộ lãnh đạo hội trong nhiều nhiệm kỳ là nhờ ông Đông kèm cặp giúp đỡ. Ông Đông đúng là mẫu người đáng kính, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào xứng đáng để các thế hệ trẻ noi theo, học tập.

ong-nguyen-duc-dong-tu-hao-duoc-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tang-bo-do-si-quan-anh-nguyen-dien-ngoc-chup-nam-2013.jpg
Lúc còn sống, ông Nguyễn Đức Đông rất tự hào với kỷ vật là bộ đồ sĩ quan được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tặng. Ảnh của NĐN chụp năm 2013.

Ngày 2/5/2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đông được mời ra Hà Nội dự buổi gặp mặt do Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức. Trong giờ giải lao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bên ông Đông hỏi thăm về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đời tư, sức khỏe của bản thân và gia đình.

Lúc sinh thời, ông Đông tâm sự: “Có thể điều làm cho Đại tướng chú ý là vì trên ngực áo của tôi ngoài sự sáng chói của gần 20 huân, huy chương còn có sự lấp lánh của Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và quý vì tôi là người Quảng Nam. Qua một hồi trò chuyện, Đại tướng bảo người giúp việc đem ra tặng tôi bộ đồ sĩ quan, đồng thời nói với Đại tướng Phạm Văn Trà – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phong tặng tôi quân hàm Đại úy danh dự”.

Bà Trịnh Thị Kim Thông (vợ ông Đông) cho biết, bộ đồ sĩ quan được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tặng ông luôn giữ gìn cẩn thận xem như báu vật. Tuy nhiên, vào một ngày mùa thu năm 2014, ông Đông đột ngột ra đi do bạo bệnh. Thực hiện di nguyện, gia đình mặc bộ đồ này vào thi thể của ông thay cho đồ khâm liệm.

ong-nguyen-duc-dong-tu-tran-nam-2014-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Ông Nguyễn Đức Đông từ trần năm 2014. Ảnh: NĐN
khong-cam-duoc-nuoc-mat-khi-nhin-lai-ky-vat-cua-chong-cha-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Mẹ con bà Trịnh Thị Kim Thông xúc động khi nhìn lại kỷ vật của chồng, cha. Ảnh: NĐN.

Trong lần gặp mặt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Thủ đô Hà Nội, ông Đông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Cố gắng giữ gìn sức khỏe, để chúng ta còn gặp nhau vào dịp kỷ niệm 60 năm, 70 năm của Chiến thắng Điện Biên Phủ”. "Thế nhưng, giờ đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người "Anh Cả" của quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của lòng dân và ông nhà của chúng tôi đã đi xa" - bà Trịnh Thị Kim Thông nhìn lên bàn thờ nói trong nước mắt.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC