Giao thông - Xây dựng

Kè chống sạt lở Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang): Chưa chọn được phương án tối ưu

TRƯƠNG TÂM THƯ 08/05/2024 08:15

Trường THPT Võ Chí Công tại xã A Xan (Tây Giang) trải qua nhiều năm vẫn gặp vướng mắc. Để sớm đưa công trình vào sử dụng trở lại, UBND tỉnh yêu cầu nhanh chóng triển khai kè chống sạt lở, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chọn được phương án tối ưu.

ubnd-hop-truong-vo-chi-cong.00_06_01_06.still001.jpeg
Trường THPT Võ Chí Công đang tạm dừng sử dụng do ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở. Ảnh: T.T

Dự án nhiều... sóng gió

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, dự án Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2810, ngày 5/9/2019, do BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tư vấn lập dự án.

Ban đầu, dự án đầu tư xây dựng các hạng mục: khối hiệu bộ, khối nhà thí nghiệm - thư viện, nhà công vụ, nhà đa năng, san nền, kè chắn đất, tường rào, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ. Công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, cuối năm 2020, do mưa lớn kéo dài làm sạt lở quả đồi phía sau trường, gây mất an toàn cho trường và cả người dân sống dưới chân đồi. Giáo viên và học sinh nhà trường phải dời đi mượn cơ sở khác để dạy học.

Sau nhiều chuyến kiểm tra của lãnh đạo tỉnh và kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án Trường THPT Võ Chí Công - phần bổ sung kè chống sạt lở đất tại Quyết định số 1298, ngày 26/6/2023.

Theo đó đầu tư bổ sung các hạng mục: mái taluy dương; mái taluy âm; mương thoát nước; tường rào cổng phụ; hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm sạt lở đất; đào tạo, tập huấn phòng chống thiên tai sạt lở đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, bổ sung hơn 58,8 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2023, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán, tuy nhiên thời điểm này Luật Đấu thầu mới ban hành nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên chưa thể lựa chọn nhà thầu. Dự án lại tiếp tục trễ hẹn.

Ngày 21&22/3/2024, đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đã có chuyến khảo sát Trường THPT Võ Chí Công và làm việc với Huyện ủy Tây Giang.

Ngày 29/3/2024, Tỉnh ủy đã có Thông báo số 736 và ngày 1/4/2024 UBND tỉnh có Công văn số 2202 trong đó đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá và có phương án tối ưu kè chống sạt lở, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Tính toán phương án, sớm thực hiện đầu tư

Mới đây, tại cuộc họp của UBND tỉnh góp ý phương án, giải pháp thiết kế để triển khai dự án phần bổ sung kè chống sạt lở đất, ông Nguyễn Ngọc Vinh - chủ nhiệm thiết kế của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (đơn vị tư vấn thiết kế) đã báo cáo khái quát về giải pháp thiết kế, tính toán ổn định kè chống sạt lở công trình Trường THPT Võ Chí Công.

dji_0273.jpeg
Việc xây kè chống sạt lở phía sau trường được tính toán đến điều kiện cực đoan nhất. Ảnh: T.T

Theo hồ sơ thiết kế đã phê duyệt, việc tính toán kè chắn được xét đến các tình huống bất lợi nhất (mưa lớn 400mm/24 giờ trước đó 3 - 4 ngày, đất ở trạng thái bão hòa, có xem xét đến động đất cấp 7).

Đồng thời loại hạng mục công trình được đưa vào tính toán là công trình phòng chống thiên tai, cấp I nhằm áp dụng hệ số tính toán mức an toàn cao nhất.

Đơn vị tư vấn thiết kế cũng báo cáo bổ sung phương án san gạt hạ coste quả đồi từ cao trình đỉnh +1.215m xuống +1.175m, tạo quỹ đất khoảng 3ha, khối lượng san gạt khoảng 700 nghìn mét khối; tổng kinh phí thực hiện khoảng 120 tỷ đồng, bao gồm chi phí san gạt, xây dựng hệ thống kè chắn, hạ tầng kỹ thuật, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, đơn vị đề xuất bổ sung gia cố thêm đoạn kè taluy dương chiều dài khoảng 70m chạy dọc theo đoạn đường giao thông, khớp nối với kè taluy dương theo hồ sơ thiết kế đã duyệt nhằm bảo đảm an toàn cho khu dân cư dưới chân quả đồi, kinh phí dự kiến khoảng 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng và Sở KH&ĐT đều cho rằng việc đưa ra phương án san gạt quả đồi và phương án thiết kế kè chống sạt lở đã phê duyệt cần so sánh để tìm phương án tối ưu nhất.

Nếu thực hiện phương án san gạt quả đồi thì vẫn phải đầu tư hạng mục kè chống sạt lở, không giảm được quy mô theo thiết kế đã phê duyệt, đồng thời vẫn không gia tăng mức độ an toàn cho khu vực cần bảo vệ.

Việc tạo ra quỹ đất sau khi san nền hạ cao trình thì sử dụng đất được khoảng 3ha, với mật độ xây dựng theo quy định khoảng 40%, chỉ đảm bảo bố trí cho 30 - 40 hộ dân.

Tổng kinh phí thực hiện san gạt quả đồi theo như tư vấn thiết kế báo cáo 120 tỷ đồng, như vậy suất đầu tư khoảng 40 tỷ đồng/ha và từ 3 - 4 tỷ đồng/hộ dân là quá lớn. Do đó, đại diện hai sở này đề xuất vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo dự án đã phê duyệt.

BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng cho rằng cần thiết tách việc san gạt đồi thành dự án để xem xét sau.

Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng dự án bổ sung kè chống sạt lở rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn tính mạng và công tác dạy học.

Vì vậy BQL dự án, đơn vị tư vấn và các ngành liên quan phải vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương đánh giá tác động, hiệu quả sử dụng lâu dài của dự án kè.

Sở Xây dựng chủ trì, dựa trên ưu và nhược điểm của phương án san gạt hạ đồi, báo cáo UBND tỉnh. BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhanh chóng triển khai các công việc tiếp theo để sớm thực hiện đầu tư, đưa công trình vào sử dụng.

TRƯƠNG TÂM THƯ