Điện Bàn nỗ lực tăng thu ngân sách
Thu nội địa quý I/2024 đạt 11,28%, trong đó nguồn thu từ khai thác quỹ đất chỉ khoảng 0,73%, thu thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 3,45% kế hoạch được giao, đây là những con số phản ánh bức tranh kinh tế khó khăn của Điện Bàn những tháng đầu năm 2024.
Cải thiện nguồn thu ngân sách dù được xem là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số ngành kinh tế phục hồi chậm như hiện nay; nhiều cơ chế chính sách của nhà nước còn vướng, chưa được tháo gỡ; doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, hoạt động cầm chừng… xem ra mục tiêu thu ngân sách của thị xã Điện Bàn vẫn khá nan giải.
Khó khăn bủa vây
Theo UBND thị xã Điện Bàn, trong quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã có nhiều chuyển biến tốt, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.536 tỷ đồng, tăng 4,42% so cùng kỳ; sản xuất nông lâm thủy sản ổn định…
Tuy vậy, thu ngân sách quý I/2024 của địa phương đạt khá thấp. Tính đến ngày 20/3, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã chỉ hơn 388 tỷ đồng (trong tổng số 2.700 tỷ đồng thu nội địa được giao), đạt 11,28% dự toán và bằng 62,05% so với cùng kỳ 2023.
Một số khoản thu rất thấp như tiền sử dụng đất đạt hơn 10/1.466 tỷ đồng (tỷ lệ 0,73% dự toán), thuế tiêu thụ đặc biệt gần 20/569 tỷ đồng (đạt 3,45% dự toán).
Đây là hai khoản thu chiếm tỷ trọng chủ yếu trong chi thường xuyên và chi đầu tư trên địa bàn thị xã, qua đó tiếp tục kéo dài những bất lợi mà Điện Bàn đã và đang đối diện khi thu ngân sách không đạt (năm 2023 hụt thu 256 tỷ đồng).
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn phân tích, một trong những nguyên nhân dầu tiên khiến nguồn thu trên địa bàn không đạt là nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Đơn cử, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhà máy bia liên tiếp 2 năm qua sụt giảm (Điện Bàn được hưởng 43%), ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chỉ đạo, điều hành ngân sách. Một tồn đọng khác chính là vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư... khi không ít cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của nhà nước còn vướng mắc nhưng chậm thay đổi, trở thành rào cản trong quá trình phát triển đô thị của Điện Bàn.
“Thị xã đã lập nhiều ban, nhiều tổ đến từng thôn, khối phố khắc phục, tháo gỡ nhưng vẫn vướng, khiến nhiều dự án trọng điểm chậm triển khai. Cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra liên tục (một số việc đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa kết luận) đã tạo áp lực rất lớn trong quá trình tổ chức thực hiện” - ông Úc nói.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, mặc dù sản xuất công nghiệp của Điện Bàn có phục hồi nhưng chưa đạt mức trước đại dịch COVID-19, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp hạn chế do hạ tầng kỹ thuật một số cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, doanh nghiệp phải chờ mặt bằng để xây dựng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Qua 3 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 3% vốn bố trí theo kế hoạch.
Cần sự hỗ trợ từ tỉnh
Với vai trò vùng kinh tế động lực và là cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh, phát triển kinh tế Điện Bàn được đánh giá đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của Quảng Nam.
Những năm trước, Điện Bàn được biết đến là một trong những địa phương có thị trường bất động sản sôi động, nhiều dự án được triển khai đầu tư, khai thác mang lại nguồn ngân sách lớn cho thị xã.
Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19, cùng với sự trầm lắng chung của cả nước, thị trường bất động sản hiện vẫn khá ảm đạm. Theo dự báo của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA, thị trường địa ốc tại Điện Bàn trong quý II/2024 chưa thể khởi sắc, nhất là phân khúc đất nền.
Trước những tác động, khó khăn của nền kinh tế, dự báo khả năng hụt thu ngân sách của Điện Bàn năm 2024 sẽ rất cao, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo ông Trần Úc, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong những tháng còn lại của năm 2024, thị xã nỗ lực tập trung điều hành tổ chức sản xuất; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách, thực hiện đầu tư có trọng điểm…
Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ từ tỉnh và các sở, ban ngành, nhất là giải quyết các vấn đề liên quan đến những dự án bất động sản, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Sở KH-ĐT cần tham mưu UBND tỉnh gia hạn triển khai các dự án trên địa bàn thị xã (nguyên nhân chậm trễ do thanh tra và ảnh hưởng dịch COVID-19).
Qua đó giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi vay vốn tiếp tục đầu tư, bởi với Điện Bàn nguồn thu từ tiền sử dụng đất và thuế tiêu thụ đặc biệt cực kỳ quan trọng. Do đó, tháo gỡ được vấn đề pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ giúp doanh nghiệp xoay xở phục hồi, đóng góp nguồn thu ngân sách.
“Trong bối cảnh hiện nay để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách rất khó khăn vì tất cả phụ thuộc vào tỉnh, bản thân Điện Bàn khó có thể làm gì được, nhất là các dự án bất động sản. Do đó, Sở Tài chính và Sở KH-&ĐT cần tính toán nghiên cứu tham mưu tỉnh điều chỉnh nếu không Điện Bàn sẽ khó thu đạt kế hoạch giao” - ông Úc chia sẻ.