Môi trường

Quảng Nam tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước sạch

HÀ QUANG 09/05/2024 09:46

Vài năm trở lại đây, ở nhiều vùng dân cư tập trung, người dân lo lắng vì nguồn nước sạch sinh hoạt không đảm bảo; trong khi đó việc giám sát chất lượng gần như bỏ ngỏ.

z5416465786352_6b3adb1daa005f6250e2c9a1d72f8dff-1-.jpg
Nhiều hộ dân ở thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành) phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng. Ảnh: H.Quang

Khảo sát ở nhiều khu vực qua các địa phương ven biển như Thăng Bình, Núi Thành, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân về sự giảm sút chất lượng của nguồn nước sạch sinh hoạt; có nơi nguồn nước cạn kiệt vì các hoạt động kinh tế diễn ra tại địa phương.

Trong khi đó, ở nhiều khu vực, hệ thống nước máy vẫn chưa được đầu tư. Tại thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành), nhiều năm nay người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn để sinh hoạt hằng ngày.

Ông H.V.A. (thôn Hà Lộc) cho biết, khoảng chục năm trước, khu vực này nguồn nước rất tốt do có mạch nước ngầm dồi dào và nhiều nổng cát, chỉ cần khoang giếng từ 8-10m là gia đình bơm lên sử dụng thoải mái, nước rất trong và mát.

Nhưng vài năm trở lại đây, công trình nuôi tôm trên cát được đầu tư ào ạt, nên nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nghiên trọng. Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, đường ống hệ thống nước sạch sinh hoạt đã được dẫn về địa phương nhưng chỉ đi qua một thôn Ngọc An giáp với xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), chưa đấu nối tại thôn Hà Lộc.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho rằng, sở dĩ thôn Ngọc An được đấu nối là nhờ dự án nước sạch nam Tam Thanh dẫn về phục vụ khu du lịch trên địa bàn, do công suất nhỏ nên không thể mở rộng ra khu vực xung quanh.

Ông Luận nói: “Tam Tiến đang được đầu tư hệ thống nước sạch dẫn nguồn từ nhà máy nước BOO qua xã Tam Xuân 2, dọc theo đường Võ Chí Công và đến đường Thanh niên ven biển. Dự án có vốn khoảng 14,5 tỷ đồng, đang hoàn tất thủ tục, phấn đấu năm 2025 các hộ dân trên địa bàn xã sẽ có nước sạch sinh hoạt”.

Về nguồn nước nhiễm mặn tại thôn Hà Lộc, ông Luận cho rằng lâu nay người dân phải sống chung với tình trạng này chứ chưa được cơ quan chức năng giám sát chất lượng. Nếu được đầu tư hệ thống nước sạch thì công tác này sẽ được triển khai.

Theo thống kê năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 61%. Qua rà soát, có 66 đơn vị cấp nước có sử dụng công nghệ để sản xuất nước sạch cung cấp nước cho người dân.

Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch còn nhiều hạn chế do không có kinh phí thực hiện, chủ yếu thực hiện giám sát hồ sơ sổ sách, chưa thực hiện lấy mẫu nước xét nghiệm khách quan.

Để kiểm soát chất lượng nước sạch, năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch (QCVN 01-1:2018/BYT), trong đó quy định 99 chỉ tiêu/thông số phải giám sát đối với chất lượng nước thành phẩm. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2024.

Theo kế hoạch, thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn địa phương; thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp nước trên địa bàn...

HÀ QUANG