HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)Dấu ấn của nữ bí thư chi bộ trẻ
Bắt đầu từ suy nghĩ đóng góp sức trẻ cho sự phát triển quê hương, gần 10 năm qua, dấu ấn hoạt động của Hà Thị Minh Châu (SN 1987, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, Nông Sơn) gắn liền với thành tích các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.
Nỗ lực của người trẻ
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí chế tạo máy vào năm 2010, Hà Quốc Trung (SN 1991, thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc) lựa chọn TP.Hồ Chí Minh để lập nghiệp và bén duyên với nghề trầm hương.
Được sự dìu dắt của đàn anh đi trước, năm 2016, Trung tự tin ra làm riêng sau khi lập gia đình. Dịch COVID-19 bùng phát, hàng hóa không xuất bán được, số vốn liếng tích lũy cũng hết, không thể cầm cự, vợ chồng anh Trung quyết định về quê vào cuối năm 2020.
Lại lựa chọn gắn bó với nghề trầm hương ở quê nhà, nhưng lần này, anh Trung thận trọng hơn, vừa làm vừa thăm dò, tìm hiểu thị trường. Rồi từ cơ sở nhỏ, đầu năm 2024, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất trầm hương Thiên Vũ.
Sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Trung Đông, giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động nhận hàng về gia công. Hà Quốc Trung cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất nếu hồ sơ vay vốn từ nguồn khuyến nông được phê duyệt.
“Đồng chí Hà Thị Minh Châu rất có trách nhiệm trong công việc, là đảng viên luôn có những cách nghĩ, cách làm hay áp dụng cho công việc của chi bộ, thôn, xóm; đồng thời rất giỏi trong công tác vận động nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.
(Ông Huỳnh Tiến Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quế Lộc)
Anh Trung chia sẻ, đã quen với môi trường làm việc ở TP.Hồ Chí Minh nên khi về quê lập nghiệp gặp nhiều bỡ ngỡ. Thời điểm ấy, chị Hà Thị Minh Châu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Lộc Tây luôn động viên, hỗ trợ làm các loại giấy tờ, thủ tục vay vốn.
“Hồ sơ vay vốn từ nguồn khuyến nông để mở rộng xưởng, sản xuất thêm mặt hàng mới cũng nhờ chị Châu hỗ trợ làm thủ tục. Với sự quan tâm giúp đỡ như vậy, một thanh niên trẻ như mình cũng đỡ vất vả, có thêm động lực để phát triển kinh tế” - anh tâm sự.
Ở địa phương, chị Hà Thị Minh Châu còn đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ vay vốn, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ tối đa về thủ tục cho người dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, đi xuất khẩu lao động.
Chị chia sẻ: “Năm 2015, được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản thân tôi cùng cán bộ thôn không quản ngại khó khăn tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chung tay xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu bằng những định hướng cụ thể.
Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế trong nhân dân, đến nay thôn Lộc Tây còn 7,97% hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, không có hộ nghèo trong độ tuổi lao động. Thôn đang tiến hành làm hồ sơ để đề nghị công nhận thôn văn hóa kiểu mẫu”.
Học phong cách gần gũi của Bác
Chia sẻ về việc thực hiện học tập và làm theo Bác Hồ, Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tây - Hà Thị Minh Châu nói: “Tôi luôn gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân nên được tin tưởng; từ đó bà con ủng hộ việc triển khai nhiệm vụ chung”.
Học phong cách gần gũi với nhân dân của Bác Hồ, dấu ấn hoạt động của nữ bí thư chi bộ trẻ Hà Thị Minh Châu gắn liền với từng phần việc, mà bắt đầu là cùng tập thể thảo luận, đề ra định hướng, chọn hướng đi mới cho sự phát triển của địa phương.
Và khi cụ thể hóa vào thực tiễn, Minh Châu cùng đảng viên, cán bộ quân dân chính thôn tiên phong thực hiện trước, thể hiện vai trò nêu gương để vận động nhân dân cùng tham gia.
So với thời điểm Hà Thị Minh Châu đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn vào năm 2015, diện mạo làng quê Lộc Tây đã có sự thay đổi rõ nét.
Cụ thể trong xây dựng nông thôn mới, có hơn 400 gia đình đóng góp ngày công, hiến gần 3ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, chỉnh trang tường rào cổng ngõ, xây dựng các mô hình vườn mẫu, trồng hoa, cây xanh… Từ đó góp phần đưa thôn Lộc Tây về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, nhận thấy có một số diện tích đất bỏ hoang nhiều năm, Minh Châu cùng tập thể cán bộ thôn đưa ra định hướng và vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trong 5ha được quy hoạch chuyển qua mô hình trồng sen lấy hạt, có 2ha xuống giống năm đầu tiên cho thấy chất đất phù hợp với cây sen, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đã thu hút thêm hộ dân đăng ký trồng sen kết hợp làm du lịch.
Hai năm nay, 10ha đất hoa màu bỏ hoang khác cũng đã được người dân khôi phục để trồng sắn xen đậu phụng. Người dân chủ động chuyển đổi, không còn chờ cán bộ thôn đi vận động, bởi thấy được hiệu quả của mô hình kinh tế này.
Theo chị Hà Thị Minh Châu, để có kết quả này, cán bộ thôn phải kết hợp với xã tuyên truyền vận động, hỗ trợ vụ đầu để người dân yên tâm canh tác.
Luôn suy nghĩ tìm hướng đi mới cho sự phát triển của địa phương là dấu ấn của Hà Thị Minh Châu và tập thể cán bộ thôn Lộc Tây. Gần đây nhất là định hướng, nắm bắt tư tưởng, hỗ trợ thanh niên của thôn vay vốn khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản để phát triển kinh tế gia đình.
Trong vai trò bí thư chi bộ, Hà Thị Minh Châu nghiên cứu, nắm rõ chủ trương của Đảng để chuyển tải đến cán bộ, đảng viên, nhân dân khi đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Công tác mặt trận thôn.
Ngoài gương mẫu đi đầu, người đứng đầu cần đưa ra được các định hướng để tập thể bàn thống nhất, không có định hướng thì thôn sẽ không phát triển tích cực được. Như phát triển kinh tế, nếu không có định hướng bà con phát triển mô hình trồng sen, thì có thể vài năm nữa họ mới nhìn thấy, mới làm
Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tây - Hà Thị Minh Châu
[VIDEO] - Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tây - Hà Thị Minh Châu:
(Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”)