Du lịch

Không chạy theo tính mùa vụ trong du lịch

QUỐC TUẤN 10/05/2024 07:39

Những con số thống kê trong dịp lễ 30/4 - 1/5 một lần nữa chỉ ra việc Quảng Nam không tạo ra được đột phá trong các kỳ nghỉ thời vụ, cần định vị rõ nét hơn nữa lợi thế để xây dựng điểm đến bền vững, đẳng cấp.

hoi-an-1.jpg
Lượng vé tham quan Khu phố cổ Hội An bán ra trong dịp 30/4 - 1/5 cũng chỉ tương đương ngày bình thường. Ảnh: Q.T

Không vượt trội so với ngày thường

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 vừa qua Quảng Nam đón hơn 230 nghìn lượt khách với doanh thu du lịch khoảng 600 tỷ đồng.

Dù vậy, điểm qua một số thống kê của các tỉnh, thành khác có thể thấy con số này vẫn khá khiêm tốn so với tốp đầu. Có 7 địa phương có doanh thu du lịch hơn 1 nghìn tỷ đồng trong dịp lễ này, bao gồm Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Ngoài sự góp mặt thường niên của các trung tâm du lịch hàng đầu quốc gia, có thể nhận thấy một vài điểm đến nằm trong danh sách này có thể gây bất ngờ cho nhiều người.

Nhưng cũng phải nhìn nhận các điểm đến này đã tận dụng rất tốt lợi thế đặc trưng để thu hút khách mang tính mùa vụ, nhất là vào các dịp lễ lớn để thu hút thậm chí đến cả triệu lượt khách chỉ trong vài ngày, còn lại các khoảng thời gian khác trong năm thì khó tạo ra sự bứt phá.

Quay lại với Quảng Nam, với mục tiêu đón 7,6 triệu lượt khách năm 2024 thì hơn 230 nghìn lượt khách trong dịp lễ 30/4 - 1/5 có thể thấy là con số bình thường như các dịp khác trong năm, thậm chí đã giảm 5% so với cùng kỳ.

20230719_093601-0-.jpg
Khách quốc tế thường xuyên chiếm hơn 95% trong cơ cấu khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Q.T

Để đạt được con số 7,6 triệu lượt khách trong năm 2024 thì bình quân tỉnh sẽ đón hơn 20 nghìn lượt khách mỗi ngày; trong khi bình quân dịp lễ vừa rồi mỗi ngày Quảng Nam đón cũng chưa đến 50 nghìn lượt, chủ yếu khách nội tỉnh và khu vực lân cận tận.

Thống kê từ Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An cũng chỉ ra, trong dịp lễ vừa rồi đơn vị bán khoảng 5.500 vé tham quan mỗi ngày, tương đương với các ngày bình thường khác trong năm. Do đó, nhìn chung ở Hội An lượng khách tham quan, lưu trú không có sự đột phá lớn so với các khoảng thời gian khác trong năm.

Kiên trì xây dựng điểm đến bền vững

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, tín hiệu đáng mừng trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua là lượng khách tham quan tuy giảm 13% so với cùng kỳ nhưng lượng khách lưu trú lại tăng 16%; trong đó khách lưu trú quốc tế tăng đến 30%.

Các chỉ số một lần nữa chỉ ra khách quốc tế ở Quảng Nam vẫn nhỉnh hơn khách nội địa. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam đón 1,4 triệu lượt khách quốc tế và gần 1 triệu lượt khách nội địa.

Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, thị trường quốc tế cũng lần lượt chiếm 57% cơ cấu khách tham quan và 55% khách lưu trú của Quảng Nam. Thậm chí, ở điểm đến đặc thù như Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên), cơ cấu khách quốc tế áp đảo hoàn toàn, chiếm đến hơn 95% tổng lượng khách tham quan di sản này.

Như vậy, sau khoảng thời gian bị tác động nặng nề của dịch COVID-19 thì cơ cấu thị trường khách của Quảng Nam đang dần trở lại quỹ đạo cũ và nhanh hơn so với dự báo vài năm với việc khách quốc tế nhỉnh hơn (chiếm khoảng 55 - 60% tổng cơ cấu khách).

Số liệu trên không nhằm phân biệt thị trường khách mà một lần nữa chứng minh điểm đến Quảng Nam khá đặc thù bởi rất hiếm địa phương nào trên cả nước có cơ cấu khách quốc tế lớn hơn khách nội địa.

Những đánh giá trái chiều từ các thị trường khách về điểm đến Quảng Nam, nhất là Hội An trong thời gian qua là chuyện tất yếu bởi rất khó để một điểm đến dung nạp và làm hài lòng tất cả du khách như nhìn nhận của lãnh đạo UBND TP.Hội An.

hoi-an-2.jpg
Du lịch Quảng Nam khó lòng cạnh tranh theo thời vụ với một số điểm đến khác mà cần tập trung khai thác tối đa lợi thế đặc thù của mình để nâng cao sức hút, trở thành điểm đến bền vững. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, với đặc thù của đô thị cổ thì không thể biến khu vực trung tâm Hội An thành khu vui chơi giải trí.

Hội An vẫn đang cố gắng làm mới, tổ chức thêm các sản phẩm góp phần tôn vinh di sản chứ không thể đòi hỏi khu phố cổ tổ chức rất nhiều loại hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của tất cả du khách.

Có thể nhận định, du lịch Quảng Nam khó lòng cạnh tranh theo thời vụ với một số điểm đến khác. Theo đó, cần tập trung khai thác tối đa lợi thế đặc thù của mình để nâng cao sức hút, trở thành điểm đến bền vững, là điểm đến ưa chuộng của các dòng khách có chất lượng, chi tiêu cao, yêu thích trải nghiệm đặc sắc về tự nhiên, văn hóa.

Liên tục thời gian qua, Hội An và một vài điểm đến lân cận đã trở thành nơi ghé thăm, nghỉ dưỡng của các ngôi sao thể thao, điện ảnh thế giới. Số lượng cũng quan trọng nhưng chất lượng khách mới là yếu tố hàng đầu mà du lịch Quảng Nam cần định vị, hướng tới điểm đến du lịch xanh cao cấp như quy hoạch tỉnh đã hoạch định.

Như chia sẻ của đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam trong một lần kích cầu du lịch nội địa ở thời điểm dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc: “Những người làm du lịch Quảng Nam không phân biệt bất kỳ thị trường khách nào mà luôn chào đón mọi du khách tử tế, có trách nhiệm và tạo ra một chuyến đi bền vững khi đến Quảng Nam”.

QUỐC TUẤN