Kỷ vật liệt sĩ về với gia đình
Lần đầu tiên, sau hơn 70 năm nỗ lực tìm kiếm và cất giữ, những di vật, kỷ vật lịch sử của 14 liệt sĩ ở Quảng Nam được bàn giao cho thân nhân và gia đình với đầy ắp cảm xúc…
Lễ bàn giao do Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam) phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức, nhằm trao lại toàn bộ kỷ vật, di vật, tư liệu lịch sử kháng chiến của các chiến sĩ cho thân nhân và gia đình ở quê hương xứ Quảng.
Kỷ vật vô giá
Cầm di vật, kỷ vật trên tay, bà Dương Thị Túy Vân (ở thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) run run lật từng trang để tìm kiếm thứ gì đó quan trọng. Bà Vân là cháu gái của liệt sĩ Dương Bá Thanh, hy sinh năm 1954, thuộc Trung đoàn 96.
Bà nói, thông tin kỷ vật được bàn giao bao gồm giấy báo tử và một cuốn sổ nhỏ nên hy vọng có tấm ảnh chân dung người bác ruột để gia đình làm tấm ảnh thờ. “Bác tôi hy sinh đã lâu, lúc đó cũng chưa có vợ con gì nên không có được tấm ảnh nào. Nhiều năm nay, gia đình tôi thờ phụng bác, tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được đặt trên bàn thờ để làm di ảnh nên cũng rất thương xót” - bà Vân chia sẻ.
Buổi bàn giao di vật liệt sĩ, bên cạnh bà Vân còn có rất nhiều thân nhân khác của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Không thể kìm được cảm xúc khi tận tay lật từng trang kỷ vật của người bác ruột, bà Võ Thị Nguyệt (ở thôn Thiên Phú Tây, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) nói, trong cuốn sổ tay này dường như bác của bà (liệt sĩ Võ Thuyên, thuộc Sư đoàn 305) đã sớm dự báo về cái chết của mình. Đó là những dòng được chia sẻ trên cuốn sổ, với nhiều bài thơ tay được viết trước lúc hy sinh trên chiến trường.
Phát biểu tại lễ bàn giao di vật liệt sĩ, ông Đoàn Ngọc Tuấn (con của liệt sĩ Đoàn Ngọc Giảng) chia sẻ, cha của ông hy sinh ở chiến trường, mặc dù gia đình rất đau thương, nhưng vẫn cảm thấy may mắn hơn các thân nhân khác.
Là bởi, sau khi hy sinh, cha của ông được Đảng, Nhà nước công nhận liệt sĩ; hài cốt được đồng đội chôn cất cẩn thận và đã được di dời về nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
“Hôm nay, được nhận lại những kỷ vật mà cha để lại, bản thân tôi rất xúc động và tự hào. Những kỷ vật này vô giá, gia đình tôi sẽ lưu giữ cẩn thận, xem như cha ông vẫn hàng ngày bên cạnh chúng tôi.
Những kỷ vật sẽ là hành trang để chúng tôi lấy làm động lực, mục tiêu lý tưởng sống và giáo dục con cháu trong cuộc sống, học tập và làm việc, sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông để đổi lấy hoa bình, hạnh phúc hôm nay” - ông Tuấn nói.
Thấm đẫm câu chuyện giáo dục
Đại tá Hoàng Tuấn Hiền - Phó Cục trưởng Cục Chính sách cho biết, các di vật, kỷ vật của liệt sĩ được bàn giao lần này, bao gồm giấy báo tử, sổ tay, ảnh cá nhân, giấy chứng minh, giấy chứng nhận thành tích, kỷ niệm chương kháng chiến, giấy khen, thư cá nhân… được các liệt sĩ gửi lại trước khi đi B. Tất cả đều được cấp, chứng nhận, xác thực hơn 70 năm về trước.
Theo Đại tá Hoàng Tuấn Hiền, trong điều kiện chiến tranh kéo dài, những kỷ vật này có lúc lưu lạc, nằm tại kho lưu trữ của các đơn vị tham gia chiến đấu trước đây.
Sau giải phóng, Cục Chính sách và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) và sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành xác minh thông tin, mong muốn sớm đưa các di vật, kỷ vật thiêng liêng của liệt sĩ về với gia đình và người thân. Qua đó, góp phần xoa dịu những mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ.
“Để có những di vật, kỷ vật của liệt sĩ, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm, xác minh và hệ thống thông tin liệt sĩ một cách chính xác nhất. Ngoài Quảng Nam, đợt bàn giao kỷ vật lần này, chúng tôi triển khai tại 6 tỉnh thành khác trên cả nước cho 47 thân nhân và gia đình liệt sĩ.
Tuy các di vật, kỷ vật rất nhỏ bé, có thể là những bức thư, cuốn sổ tay, cuốn nhật ký, tấm ảnh của các chiến sĩ để lại… nhưng chứa nhiều giá trị thông tin, thể hiện tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng, vì độc lập dân tộc.
Đây là những di vật, kỷ vật gắn bó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu của các liệt sĩ trước khi đi B. Vì thế, mỗi kỷ vật đều có một giá trị riêng, có đời sống và tâm hồn riêng thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các liệt sĩ.
Ngoài ra, các kỷ vật được trao trả cho gia đình liệt sĩ, mang giá trị hiện thân, tượng trưng như liệt sĩ trở về. Từ câu chuyện của kỷ vật, di vật nhằm giáo dục con cháu hôm nay luôn biết ơn đối với công lao hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc. Qua đó, góp phần xoa dịu nỗi đau, bù đắp những mất mát đối với các gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng” - Đại tá Hoàng Tuấn Hiền nói.