Lòng yêu nước từ lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
(VHQN) - Dọc chiều dài đất nước ta có hàng trăm đảo lớn nhỏ nhưng chỉ có đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mới có một lễ hội độc đáo như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ở đó, lòng yêu nước được suy tôn rõ nhất, từ cung cách tổ chức cho đến nội dung của lễ.
Khao lề thế lính là gì?
Nếu không phải là người Lý Sơn hoặc chưa từng chứng kiến lễ này, khi nghe cụm từ “khao lề thế lính” thì chẳng ai hiểu mô tê gì. Chỉ 4 từ ấy thôi mà hàm chứa trong đó bao câu chuyện của cha ông thuở đi mở cõi cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Vậy “khao lề thế lính” là gì? Lề ở đây được hiểu là thói quen đã thành nếp, thành lệ. Khao lề nghĩa là lệ khao hằng năm cho những binh phu ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Còn thế lính là một nghi lễ, ít nhiều mang màu sắc của đạo giáo. Người ta dùng hình nhân để thế mạng cho những binh phu đi Hoàng Sa.
Lễ Khao lề thế lính được người dân Lý Sơn duy trì hàng trăm năm nay kể từ khi chúa Nguyễn trấn nhậm phương Nam.
Hàng năm, các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ thời chúa Nguyễn đều sai phái người ra Hoàng Sa, sau này có cả Trường Sa, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đội quân này không chỉ có người ở đảo Lý Sơn mà hầu như cả trai tráng ở nhiều vùng biển của Quảng Ngãi.
Thế nhưng, chỉ có ở Lý Sơn mới có lễ khao lề. Vì sao? Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa vùng biển ở Quảng Ngãi cho rằng, số người đi Hoàng Sa ở các nơi không nhiều như ở Lý Sơn.
Có lẽ, những chuyến hải hành ra Hoàng Sa giữ đảo, số lượng con em Lý Sơn chiếm tỷ lệ đông và cũng hy sinh nhiều nhất. Chính vậy nên nghi lễ tưởng nhớ đến những người hy sinh luôn được người dân Lý Sơn duy trì suốt mấy trăm năm qua.
Số phận những binh phu
Những người phụ nữ lớn tuổi ở Lý Sơn vẫn hay hát câu này: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Câu hát buồn như một góc biển đảo lúc hoàng hôn!
Nhìn hành trang mà họ mang theo lúc xuống thuyền đủ để thấy ra Hoàng Sa thuở ấy là đồng nghĩa với “một đi không trở lại”. Mỗi người lính, ngoài lương thảo, họ còn mang theo một đôi chiếu cói, mấy đòn tre, tấm thẻ bài khắc tên họ, bản quán.
Những thứ này để phòng khi một ai đó hy sinh, đồng đội bó xác vào hai chiếc chiếu cói kèm theo thẻ bài rồi thả xuống biển, với hy vọng là thân xác của người lính ấy sẽ dạt vào bờ. Và người dân sẽ biết thân nhân của người xấu số mà báo tin cho người thân của họ.
Cũng là một cách “phòng xa” thế thôi vì hầu như những người lính hy sinh trên những chuyến hải hành vạn dặm thời ấy đều không để lại bất cứ một dấu vết nào. Bằng chứng cho điều đó là hàng trăm ngôi mộ gió hiện vẫn tồn tại trên đảo Lý Sơn. Trong mỗi ngôi mộ chỉ là những hình nhân bằng đất sét!
Lý Sơn chỉ rộng 10km2, dân số hiện đã lên hơn 2,2 vạn người. Nhưng làng vẫn dành quỹ đất để cho những ngôi mộ gió ấy tồn tại với thời gian. Điều này đủ thấy sự khốc liệt của những chuyến đi Hoàng Sa thuở trước và sự linh thiêng mà đời đời con cháu của đảo vẫn dành cho những người hy sinh vì nghĩa lớn.
Ở Lý Sơn hiện vẫn còn những người chuyên nặn hình nhân bằng đất sét để chôn trong các ngôi mộ gió. Đó là những ngôi mộ của ngư phủ chẳng may tử nạn trên biển mà không tìm được xác.
Mộ gió có từ thời cha ông đi bảo vệ Hoàng Sa, được người dân Lý Sơn duy trì cho đến hôm nay dù nội dung có khác. Đó cũng là cách bảo tồn và tri ân lòng yêu nước vô bờ của tiền nhân.
Suy tôn lòng yêu nước
Ở Hoàng Sa có hai hòn đảo mang tên Phạm Quang Ảnh - Cai đội từng chỉ huy số binh phu ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền (năm 1815 thời Gia Long) và Phạm Hữu Nhật (năm 1836 thời Minh Mạng).
Hai vị cai đội này là những chỉ huy can trường, từng ngang dọc Hoàng Sa nhiều lần. Riêng Phạm Quang Ảnh, liên tiếp trong hai năm liền, ông đã đặt chân lên Hoàng Sa để đo đạc thủy trình (1815-1816).
Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã không cho những người anh hùng ấy một cơ hội nào để trở về đất liền lần nữa.
Thân xác của họ cùng những đồng đội đã ở lại lòng biển, thay cho những cột mốc chủ quyền lãnh hải quốc gia. Thế hệ cháu con đã lấy tên hai ông để đặt tên cho hai hòn đảo ở Hoàng Sa.
Lý Sơn hiện có một miếu thờ, mang tên “chiến sĩ trận vong”. Nơi đây lưu giữ hàng trăm bài vị, mỗi bài vị tương ứng với một người lính hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa.
Qua bao năm chiến tranh, giặc giã và hỏa hoạn nhưng người dân Lý Sơn vẫn bảo vệ những tấm thẻ bài này như giữ gìn báu vật.
Cụ Võ Hiển Đạt, cho đến khi qua đời (2017), đã có 60 năm gác miếu thờ này. Ông như làm sống lại không khí của những ngày mà thanh niên Lý Sơn bước xuống thuyền để trực chỉ Hoàng Sa bằng việc phục dựng những chiếc thuyền nan mỏng manh - phương tiện để đi Hoàng Sa thuở ấy.
Nhìn vào những chiếc thuyền nan cùng các hiện vật mà người lính thuở xưa ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, con cháu hôm nay có thể hình dung về sự khốc liệt của những chuyến hải hành.
Cứ vào cữ tháng 2 âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn lại tiến hành Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây cũng là thời điểm mà cha ông của họ xuống thuyền ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Toàn bộ không khí “ra Hoàng Sa” một thuở đã được tái tạo trong buổi Khao lề với tất cả sự linh thiêng và uy nghiêm.
Không phải ngẫu nhiên mà Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2013.
Điều khác biệt mà Lễ Khao lề giữ được chính là lễ do người dân tổ chức, đúng với tinh thần “lễ hội của nhân dân”. Vậy nên Lễ Khao lề cứ tồn tại mãi với thời gian!