Thế giới

Lao động cao tuổi tại Hàn Quốc

QUỐC HƯNG 10/05/2024 15:30

(QNO) - Theo kênh truyền hình CNA (Singapore), người cao tuổi đang chiếm hơn một nửa số việc làm mới được tạo ra ở Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á.

hq1.jpg
Ông Cho Sung-whoi, một lao động cao tuổi tại Hàn Quốc. Ảnh: CNA

Ông Cho Sung-whoi (71 tuổi) - người làm công việc chuyển phát nhanh bằng cách sử dụng tàu điện ngầm ở Seoul (Hàn Quốc), sau đó đi bộ để giao hàng gần đó.

Những chuyến đi trên hệ thống tàu điện ngầm rộng lớn của thành phố Seoul được miễn phí cho người từ 65 tuổi trở lên. Vì vậy, một số công ty chuyển phát nhanh ưu tiên thuê lao động cao tuổi để tiết kiệm chi phí.

Ông Cho đi theo lộ trình vạch ra trên ứng dụng trên điện thoại di động để đến địa chỉ người nhận hàng. Sau khi gửi bưu kiện, ông quay lại văn phòng để thực hiện đợt giao hàng khác.

"Nếu tôi làm việc cả ngày, tôi nhận được khoảng 40 nghìn won (30USD hay 765 nghìn đồng). Khi tôi chỉ làm việc một phần trong ngày, tôi có thể kiếm được khoảng 20 - 30 nghìn won. Tôi có thể xin phép nghỉ bất cứ khi nào tôi muốn. Ưu điểm lớn nhất của công việc này là sự tự do" - ông Cho nói.

Ông Cho - cựu kỹ sư nhà máy và là một trong số hơn chục lao động cao tuổi tại công ty chuyển phát nhanh nơi ông đang làm việc.

hq2.jpg
Nhiều người cao tuổi tại Hàn Quốc tiếp tục đóng góp công sức cho xã hội. Ảnh: Hrmasia.com

Tại Hàn Quốc, hầu hết người lao động buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Nhiều người chuyển sang làm những công việc "tay nghề thấp" nếu muốn tái gia nhập lực lượng lao động.

Hiện nay, cứ 4 người cao niên từ 70 tuổi trở lên thì có 1 người có một công việc nào đó. Nhiều người làm như vậy một phần để bổ sung cho khoản lương hưu thấp. Ngoài ra, người cao tuổi muốn tiếp tục làm việc khi còn có thể, tận dụng thời gian tốt hơn cũng như giúp tăng cường sức khỏe.

Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 19% trong tổng dân số gần 52 triệu người của Hàn Quốc. Đến năm 2050, tỷ lệ này có thể lên tới 44% do dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp lịch sử.

Hàn Quốc hiện có tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi cao nhất trong nhóm 38 nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) mà Hàn Quốc là thành viên. Cụ thể, cứ 10 người cao tuổi thì có 4 người sống dưới mức nghèo khổ.

Khi tuổi thọ tăng lên, người cao tuổi lo ngại rằng sẽ sống một thời gian dài hơn sau khi nghỉ hưu mà không có thu nhập hoặc mục đích sống.

Bà Kim Nan-hyang (69 tuổi) vừa đến trung tâm hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul nói: "Nếu tôi có thể tham gia một số hoạt động phục vụ xã hội đồng thời thu được lợi ích kinh tế, tôi nghĩ điều đó sẽ bổ ích hơn".

Tại Seoul, ngày càng có nhiều trung tâm việc làm ra đời để tư vấn các công ty đang tìm cách thuê người cao tuổi và cung cấp đào tạo cho những người muốn chuyển đổi nghề nghiệp.

"Họ thường bắt đầu bằng những câu hỏi như: Tôi có thể làm việc không? Có nơi nào thuê người cao tuổi không?" - Bà Park Joo-im, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm người cao tuổi Seoul cho biết.

Trong cuộc họp báo ngày 9/5 mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết sẽ làm nhiều hơn để tạo việc làm cho người cao tuổi, đồng thời cam kết tăng lương hưu. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng cảnh báo tỷ lệ sinh thấp kỷ lục ở nước này đã đến mức độ tình trạng khẩn cấp quốc gia.

QUỐC HƯNG