Đời sống

"Khoảng trống" trong kiểm soát an toàn thực phẩm

HOÀNG ĐẠO - XUÂN HIỀN - VIỆT NGUYỄN - VĨNH LỘC - MỸ LINH 12/05/2024 06:00

Trước tình trạng xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

z5424171136498_c93e51d57319b6fdd71e6e08182495b2.jpg

Tại Quảng Nam, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu khi các khâu kiểm soát, quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để ngăn ngừa thực phẩm bẩn, vẫn là bài toán đặt ra cho các ngành lẫn người tiêu dùng.

Nguy cơ hiện hữu

Năm 2023, Quảng Nam xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây rúng động dư luận. Đến thời điểm này, mối nguy mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay đụng đâu cũng khó...

Vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy

Năm 2023, Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Điển hình là hàng chục người dân Phước Sơn nhập viện vì ngộ độc do ăn cá chép ủ chua, trong đó có 1 người tử vong. Rồi tại thị xã Điện Bàn, 18 học sinh ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Điện Phong) phải nhập viện vì ngộ độc.

Hay vụ ngộ độc xảy ra tại gia đình ông Ating Tr., (xã A Vương, Tây Giang) làm 83 người mắc; vụ tại Bếp ăn tập thể Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (thị trấn Hương An, Quế Sơn) làm 48 người ngộ độc. Lớn nhất, phải kể đến vụ ngộ độc bánh mì Phượng Hội An, xảy ra từ ngày 12/9 đến 14/9/2023, khiến 313 người dân và du khách đã phải nhập viện.

z5421312882394_0fbf0462d126658f9de6418e45bf8abc.jpg
Nếu vận hành tốt hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm từ sự kết nối giữa các ngành, Quảng Nam sẽ phần nào đó ngăn ngừa được thực phẩm bẩn đến người tiêu dùng. Ảnh: X.H

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm là nguyên nhân dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do còn nhiều hủ tục trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm nên dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

“Ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở gần như đình trệ. Vì vậy họ có sự lơ là, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị không tốt theo quy định hiện hành. Ngoài ra, sự phân công trách nhiệm trong quản lý ATTP chưa rõ ràng dẫn đến kiểm tra, kiểm soát rất bất cập, lúng túng, không sâu sát” – bà Lê Thị Hồng Cẩm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Quảng Nam nhìn nhận.

Nguy cơ bỏ sót vi phạm

Các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây tại ở nhiều tỉnh thành, phần lớn xuất phát từ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong khi mô hình kinh doanh này hiện nay do địa phương quản lý trực tiếp.

Thậm chí, ở nhiều nơi, do quy mô nhỏ lẻ nên không cần đăng ký kinh doanh. Do vậy, các cơ sở này không cung cấp đủ điều kiện ATTP, cũng như khó kiểm soát nguồn nguyên liệu chế biến. Chưa kể, nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thức ăn đường phố, tuy nhiên, những cơ sở này thường không lưu mẫu thức ăn, nên rất khó khi xác định nguyên nhân ngộ độc.

Thống kê cuối năm 2023, tại Quảng Nam, dịch vụ ăn uống tuyến tỉnh quản lý có 403 cơ sở, tuyến huyện quản lý 7.979 cơ sở, thức ăn đường phố thuộc tuyến xã quản lý có 5.163 cơ sở. Đối với cơ sở sản xuất tuyến tỉnh có 192 cơ sở.

Thời điểm này, nhiều địa phương đang bắt đầu kiểm tra liên ngành về ATTP. Vẫn hy vọng thực phẩm an toàn không chỉ để phục vụ những cuộc kiểm tra như vậy!

Trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhiều và thường xuyên biến động nên khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện các quy định về ATTP của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Đặc biệt, nhìn nhận từ ngành chức năng tỉnh, việc quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm theo mùa cũng như loại hình dịch vụ nấu ăn lưu động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP nhưng vẫn chưa được kiểm soát.

Cần mô hình quản lý nhà nước thống nhất

Tại thị xã Điện Bàn, có đến 625 cơ sở buôn bán thức ăn đường phố, 354 cơ sở chế biến thực phẩm, 1.149 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Vì vậy quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn.

Trong quý I, địa phương này đã áp dụng các biện pháp xử lý, nhắc nhở 16 cơ sở vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 cơ sở. “Chúng tôi thống kê đầy đủ từng cơ sở kinh doanh, tuy nhiên do nhân lực mỏng, việc kiểm tra các cơ sở đòi hỏi phải là đội liên ngành của thị xã nên không thể kiểm tra, kiểm soát nổi. Đây là điểm yếu trong công tác ATVSTP cần phải khắc phục sớm” - ông Trần Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn nói.

Hiện nay mô hình quản lý ATTP chưa thống nhất đồng bộ từ trung ương đến địa phương, do 3 ngành quản lý gồm y tế, NN&PTNT, công thương. Nhưng hầu như tất cả vụ ngộ độc, các sự cố an toàn thực phẩm đều do Chi cục ATTP thuộc Sở Y tế xử lý. Trong khi đó, ở tuyến huyện công tác này được giao cho Văn phòng HĐND & UBND thì lại không có cán bộ chuyên trách, không có chuyên môn về ATTP. Còn cấp xã có bố trí 1 công chức làm nhiệm vụ theo dõi nhưng trên thực tế thì công tác quản lý ATTP tại tuyến xã do trạm y tế phụ trách… Hiện đa số các vụ ngộ độc nguy hiểm đều xuất phát từ các cơ sở thực phẩm do cấp huyện quản lý.

z5422686567348_68e0607eba702fb955f650199fcfebc4.jpg
TP.Tam Kỳ đang kiểm tra sản phẩm các hàng quán kinh doanh trước cổng trường. Ảnh: Đội liên ngành cung cấp.

“Việc phối hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước về ATTP chưa đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, cần thiết phải có một cơ quan quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến ATTP trên địa bàn tỉnh để đưa ra các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Đồng thời giúp hạn chế tình trạng một số chính sách, văn bản của các bộ, ngành chỉ gửi về các đơn vị theo ngành dọc” - bà Lê Thị Hồng Cẩm đề xuất.

Cạnh đó, các ngành liên quan đề nghị UBND tỉnh thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, chợ đầu mối nông sản an toàn.

Tăng cường công tác quản lý ATTP đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm là khâu phải làm tốt trong thời gian đến. Đây được xem như nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng để kiểm soát khâu ATTP.

Ngoài ra, cần chú ý siết lại quản lý thức ăn đường phố, hàng quán trước các trường học. Từ năm nay, Quảng Nam tiến tới thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm để từng bước phát hiện các vi phạm, giảm dần thực phẩm bẩn ra thị trường.

Ông Huỳnh Thuận - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, UBND tỉnh giao ngành công thương chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện giám sát các chỉ tiêu ATTP đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo cũng như quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ngành y tế chịu trách nhiệm củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm tại các tuyến cũng như tăng cường hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các đơn vị trường học, bếp ăn tập thể. Đồng thời tăng cường giám sát các cơ sở thức ăn đường phố, đặc biệt chú trọng các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Đối với ngành nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu triển khai kế hoạch giám sát các chỉ tiêu ATTP trên sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

nlt2.jpg
Sản xuất rau quả an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT

Tính toán xây dựng vùng sản xuất an toàn

Quản lý thực phẩm nông - lâm - thủy sản vẫn vướng ở nhiều khâu. Tính toán xây dựng các vùng sản xuất an toàn gắn với kết nối thị trường tiêu thụ được đặt ra...

Nhiều bất cập

Nông dân lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng để cây phát triển nhanh, cho sản lượng nhiều, khiến thực phẩm đến kỳ thu hoạch vẫn chứa nhiều dư lượng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chưa kể, nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhất là hóa chất bảo quản khiến cho nhiều loại trái cây, hoa quả không an toàn thực phẩm (ATTP). Trong lĩnh vực thủy sản, từng có trường hợp là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu từ con tôm đã bị các nước trả lại nhiều lô hàng do chứa dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lấy nhiều mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản, phát hiện nhiều mẫu không đạt yêu cầu. Nước mắm có hàm lượng Acesulfame Potassium-E950 vượt mức quy định; chả (heo, bò, cá) có các chỉ tiêu về Borat, Natri Natri benzoat, Acid sorbic không đạt yêu cầu ATTP.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tiến hành thanh tra, kiểm tra 67 cơ sở và phát hiện, xử lý 11 cơ sở vi phạm. Ở lĩnh vực chăn nuôi thú y, ngành này tiến hành kiểm tra 86 cơ sở và phạt hơn 34 triệu đồng sai phạm của 5 cơ sở. Cùng với đó, 82 mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản để giám sát chỉ tiêu ATTP, tỷ lệ mẫu đạt 91,46%. Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, việc kiểm soát điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ gia súc, gia cầm có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nhiều, nên việc triển khai quy hoạch giết mổ tập trung ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hải sản, hiện hầu hết tàu cá được đóng lâu năm nên điều kiện cơ sở vật chất liên quan đến ATTP tàu cá như hầm bảo quản, trang thiết bị tiếp xúc nguyên liệu... chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định nên tất cả tàu cá được cấp giấy chứng nhận ATTP chỉ xếp loại B, chưa có tàu cá xếp loại A.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam có địa bàn sản xuất rộng, số lượng của các cơ sở sơ chế, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông - lâm - thủy sản nhiều, trong khi lực lượng quản lý ở cấp tỉnh, huyện, cơ sở mỏng. Hệ lụy là công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông - lâm- thủy sản còn hạn chế.

Ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản, từ sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến không đúng quy trình, quy định dẫn đến các chất độc hại tồn dư trong thực phẩm khá cao.

Sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ

Muốn có thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn đòi hỏi phải xây dựng vùng sản xuất an toàn. Kỹ thuật sản xuất rau quả an toàn, canh tác tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được ngành nông nghiệp, các địa phương hướng dẫn người nông dân thực hiện.

nlt.jpg
Xây dựng vùng sản xuất an toàn để có thực phẩm an toàn. Ảnh: Q.VIỆT

Tổng diện tích sản xuất rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay là 85,1ha (rau quả chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 41ha, rau quả chứng nhận VietGAP là 44,1ha). Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ được triển khai và đem lại giá trị kinh tế lớn cho người nông dân. Ngành nông nghiệp hỗ trợ các hợp tác xã, người nông dân xây dựng vùng chuyên canh áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến như GlobalGAP, HACCP, ISO 22000.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đơn vị đã triển khai thí điểm sản xuất lúa thương phẩm ST25 (14,8ha) và lúa thương phẩm Hương Bình (9,8ha) bằng phân bón hữu cơ tại thị trấn Hương An (Quế Sơn) và xã Tam Dân (Phú Ninh). Công nghệ ủ phân vi sinh chức năng đã được nông dân các huyện, thị xã, thành phố ứng dụng hiệu quả.

Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thực phẩm nông - lâm - thủy sản từng bước đảm bảo, ý thức chấp hành của người sản xuất không ngừng được nâng lên. Những nông sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, các mô hình áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản ngày càng nhiều là cơ sở để mở rộng được thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

at.jpg
Ẩm thực nhà hàng Hội An luôn đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: V.L

Điểm đến du lịch an toàn từ thực phẩm

Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm tại các điểm đến, khu du lịch là chuyện vừa cấp thiết vừa cần làm thường xuyên.

Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, tăng cường kiểm tra các hàng quán ăn vặt trong phố… là những giải pháp chủ yếu đang được TP.Hội An triển khai. Điều này nhằm kịp thời phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Tạm yên tâm với thức ăn nhà hàng

Nhà hàng Sabirama (Hội An) là một trong số những địa chỉ ẩm thực được nhiều du khách ưa chuộng. Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm lượt thực khách đến ăn uống và trải nghiệm cooking class. Để đảm bảo vệ sinh ATTP, việc lựa chọn nguồn nguyên liệu được xem là khâu cực kỳ quan trọng. Ngoài các loại rau củ quả lấy trực tiếp từ làng rau Trà Quế và hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng, các nguyên liệu cá tôm tươi sống cũng được mua ở những địa chỉ tin cậy nhất Hội An.

Ông Trương Văn Quý - chủ nhà hàng Sabirama chia sẻ, nhà hàng chủ yếu bán cho khách đặt món trước nên hầu như không trữ nguyên liệu, cá thịt qua đêm. Mỗi ngày căn cứ vào số lượng khách đặt món Sabirama sẽ nhập nguyên liệu về nấu nướng, vì thế thức ăn luôn tươi ngon. Cùng với quy trình chế biến, doanh nghiệp này tiến hành lưu mẫu thức ăn chặt chẽ theo quy định.

at2.jpg
Ý thức người tiêu dùng vẫn là yếu tố chính quyết định hạn chế những trường hợp ngộ độc do thức ăn đường phố gây ra. Ảnh: V.L

Là thành phố du lịch nổi tiếng, mỗi ngày Hội An đón hàng nghìn lượt khách tham quan, ăn uống. Vấn đề ATTP trở thành điều đầu tiên phải quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho du khách.

Ông Lê Ngọc Thuận - chủ hệ thống nhà hàng Coco Casa, The Deckhouse và Shore Club (Hội An) cho biết, đảm bảo vệ sinh ATTP không chỉ vì sức khỏe thực khách mà còn vì chính thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, từ khâu nhập nguyên liệu, bảo quản đến không gian chế biến của mỗi nhà hàng phải tuân thủ các quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP.

Bà Bùi Thị Thanh Châu - nhà hàng Tra Que Herb Garden (Hội An) khẳng định, khác với hàng rong, hàng ăn vặt đường phố, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu và quy trình chế biến món ăn tại nhà hàng rất chặt chẽ. Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh này thường xuyên được kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, sở ngành liên quan nên không thể cẩu thả, mất vệ sinh được. Cũng giống như Sabirama, phần lớn nguyên liệu của Tra Que Herb Garden đều được nhập và sử dụng trong ngày, đảm bảo chất lượng món ăn luôn tươi ngon, mang đến sự hài lòng cho khách.

Nỗi lo thức ăn nhanh đường phố

Giữa cuối tháng 9/2023, hơn 300 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng - trở thành vụ ngộ độc liên quan đến thức ăn nhanh có số người bị ảnh hưởng lớn nhất Hội An từ trước đến nay. Vấn đề càng nóng bỏng hơn khi ngày 1/5 vừa qua hơn 500 người ở tỉnh Đồng Nai tiếp tục bị ngộ độc bánh mì, qua đó cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý loại hình kinh doanh ẩm thực này.

thuc-an-nhanh.jpg
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh ATTP. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, mặc dù, các cấp ngành liên quan của thành phố thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực thi pháp luật về ATTP.

Nhưng, để đảm bảo tất cả hàng quán, ăn vặt hàng rong đảm bảo vệ sinh ATTP không hề dễ dàng. Bởi hàng rong được mang từ nơi khác đến, địa phương rất khó kiểm soát. Trong khi các quy định của nhà nước không cấm hàng rong nên tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc sắp xếp, đẩy đuổi bán hàng rong ra những khu vực không được bán.

“Bên cạnh tuyên truyền, kêu gọi người bán hàng rong phải chấp hành đúng quy định về kinh doanh ATTP, chúng tôi cũng khuyến cáo du khách hạn chế sử dụng hàng ăn uống trên phố không đảm bảo vệ sinh ATTP, không có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng, nếu có xảy ra cũng khó truy vết nguồn gốc xử lý”

Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian tới, Hội An sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp kinh doanh thức ăn không đảm bảo vệ sinh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP tại các cơ sở kinh doanh. Địa phương này cũng sẽ thông tin công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Nhiều du khách cho rằng, Hội An cần phải chuẩn hóa các quy định về ATTP, minh bạch giá cả cũng như thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc ở các điểm kinh doanh, dịch vụ hàng quán vỉa hè. Ở góc độ quản lý các điểm đến, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, trong năm 2023, môi trường du lịch gặp một số vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của Quảng Nam.

Năm 2024, ngành du lịch siết chặt hơn việc kiểm tra môi trường du lịch, trong đó, theo dõi chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP của các cơ sở kinh doanh tại những địa điểm du lịch của tỉnh. Tính toán phương hướng về một cam kết giữa đơn vị kinh doanh thực phẩm, đơn vị cung ứng nguyên liệu, các nhà hàng, quán ăn tại các địa điểm du lịch, là điều ngành này đang hướng đến để tạo nên môi trường du lịch an toàn.

z5423465380762_f4b39af71f946233ca417ae259e39076.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP. Ảnh: X.H

Sản xuất an toàn với sản phẩm khởi nghiệp, OCOP

Những năm gần đây, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, “nhà làm” được ưa chuộng khá nhiều. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với sản phẩm này luôn là nỗi lo đối với người tiêu dùng.

Khó kiểm soát ATVSTP sản phẩm “nhà làm”

Hơn 9 năm nay, chị Phạm Thị Thanh T. (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) phát triển sản phẩm rau câu, bánh kem với một lượng khách hàng ổn định. Mỗi ngày chị đều sản xuất các loại bánh này và bán qua mạng xã hội.

Chị T. cho biết, hiện nay, các sản phẩm đều được làm thủ công, hướng đến đối tượng là trẻ em nên chị luôn chú trọng yếu tố chất lượng, an toàn vệ sinh. Tuy vậy, vì cơ sở nhỏ, chỉ bán online nên không đăng ký kiểm định ATVSTP. Chị đang tìm hiểu quy trình để đăng ký kiểm định đối với các sản phẩm của mình.

Các sản phẩm khởi nghiệp, nhà làm vẫn thường được khách hàng mua bằng niềm tin, qua lời quảng cáo, giới thiệu của người thân, bạn bè chứ chưa được cơ quan nào kiểm định chất lượng. Trên thực tế, nhiều sản phẩm nhà làm không hề có nhãn mác, không có địa chỉ liên hệ nhưng vẫn được bán nhiều.

Đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, đối với các sản phẩm khởi nghiệp, nhà làm, việc kiểm soát ATVSTP là một thách thức. Vì các sản phẩm này thường có quy mô chế biến nhỏ lẻ, thủ công, hầu hết không có giấy phép, không đăng ký với cơ quan chức năng, chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát về chất lượng.

Theo quy định, dù là sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý ATVSTP để người sản xuất, kinh doanh tuân thủ. Do vậy, ở cấp địa phương, cần tổ chức ký cam kết sản xuất ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát lấy mẫu định kỳ đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm. Đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra các sàn thương mại điện tử, website, trang bán hàng online qua mạng xã hội... để xử lý kịp thời những vi phạm.

“Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, giúp công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng trong kiểm soát nguồn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người tiêu dùng cần có động thái tẩy chay thực phẩm bẩn, đồng thời cần có kiến thức trong lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn” - đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh nói.

Kiểm soát ATVSTP sản phẩm OCOP

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, từ 2018 đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, nhóm thực phẩm có 302 sản phẩm, đồ uống có 32 sản phẩm. Hiện có 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP, trong đó có 43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), 164 hộ sản xuất.

thuc-pham-nha-lam-1.jpg
Sản phẩm nhà làm được nhiều người ưa thích nhưng khó kiểm soát ATVSTP. Ảnh: M.L

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để kiểm soát ATVSTP đối với các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, hàng năm, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn công tác liên ngành phối hợp với địa phương đi kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở, kiểm tra hồ sơ minh chứng, sản phẩm mẫu, đối chiếu với tiêu chí của sản phẩm OCOP, đồng thời lấy ngẫu nhiên mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, nếu sản phẩm nào không đảm bảo chất lượng, ATVSTP sẽ tiến hành thu hồi chứng nhận.

Ngoài kế hoạch kiểm tra hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP cấp tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra công tác VSATTP, nếu phát hiện vi phạm về ATTP thì sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định công nhận hạng sao OCOP.

Tuy nhiên ông Noa cũng nhìn nhận, trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí thực hiện. Vì thế, việc hậu kiểm đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm được lựa chọn ngẫu nhiên, chưa thực hiện được toàn bộ sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh

Người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm OCOP, nhất là khi một chủ thể chỉ được công nhận khoảng 1-2 sản phẩm OCOP nhưng sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác. Khi tổ chức bán hàng, các sản phẩm này được đặt chung với sản phẩm OCOP, khiến người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn.

Về vấn đề này, ông Noa cho biết, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, sử dụng logo OCOP, an toàn thực thực phẩm… luôn được quán triệt chặt chẽ. Chi cục kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng chứng nhận OCOP để bán các sản phẩm khác, sử dụng logo OCOP cho các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng) hoặc sử dụng logo OCOP không đúng theo quy định. Đồng thời đơn vị này cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối và cơ quan quản lý thị trường đối với những chủ thể OCOP cố tình sử dụng không đúng quy định.

Nội dung: HOÀNG ĐẠO - XUÂN HIỀN - VIỆT NGUYỄN - VĨNH LỘC - MỸ LINH

Trình bày: MINH TẠO

HOÀNG ĐẠO - XUÂN HIỀN - VIỆT NGUYỄN - VĨNH LỘC - MỸ LINH