Cuộc sống thường ngày

Cố kết cộng đồng làng biển

Hà Quang 12/05/2024 07:00

Không gian sinh sống có phần chật chội thường thấy ở nhiều làng biển khiến không ít người ngạc nhiên, bởi đất đai vùng này chủ yếu bằng phẳng và rộng rãi. Nhưng, theo lý giải, từ trong lịch sử di dân và nhu cầu đời sống ở vùng “Ô châu ác địa”, cộng đồng cư dân làng biển phải sống quần tụ bên nhau để sinh tồn.

z5336409763887_4c342eda5c7607db97cbe05d3c345608.jpg
Ngư dân làng chài Duy Nghĩa (Duy Xuyên) vào bờ gỡ cá. Ảnh: H.QUANG

Quần cư

Dọc dài theo cung đường ven biển qua Quảng Nam mùa này, sẽ nhận thấy nhiều trảng cát hoang vu trải dài dưới nắng. Những vạt rừng dương liễu, keo lá tràm không đủ màu xanh để phủ hết lớp lớp nổng cát, nên dường như co cụm lại, dựa vào nhau mà tránh nắng.

Trái với sự im vắng của những nổng cát, cộng đồng dân cư ở làng chài ven biển vẫn giữ nhịp điệu rộn ràng của đời sống gắn với miền sông nước, biển giã. Mỗi cụm dân cư thường phân chia theo thế mạnh gần sông, sát biển với nhà cửa chen chúc, đường làng nhỏ hẹp, quanh co...

Ông Trương Công Thuấn (ở làng chài Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) có đến vài chục năm làm biển, rồi nghỉ biển làm nghề bờ. Và bây giờ, ông kinh doanh dịch vụ du lịch.

Có lẽ người đàn ông này cảm nhận rõ ràng về sự chuyển biến của đời sống làng chài. Đi cùng những thay đổi, là sự chật chội của không gian làng chài bởi tốc độ quá nhanh của đô thị hóa ở không gian ven biển.

z5378913353471_ec52fcb48840e186f5f33055d91df725.jpg
Cùng ra khơi. Ảnh: H.QUANG

“Nói chung không phải nơi nào cũng phát triển như Bình Minh, nhưng việc tập trung đông đúc dịch vụ ở một vài khu vực khiến không gian ngày càng chật chội.

Còn ở các khu dân cư, lâu nay bà con mình vẫn sống tập trung như vậy, nhưng do hạ tầng được đầu tư tốt hơn, rồi dân số tăng lên, con cái tách riêng ra nên nhà cửa ngày càng dày hơn” - ông nói.

Bình Minh, theo quy hoạch sẽ trở thành đô thị mới ven biển của Quảng Nam bởi “không phải nơi nào cũng phát triển như Bình Minh” như lời ông Thuấn. Và nền tảng để làng chài này có được diện mạo nhộn nhịp như hôm nay là sự cố kết cộng đồng đã được “thiết kế” từ thời sơ khai.

Trải qua hành trình phát triển, cố kết cộng đồng đặc trưng ở làng chài đã cho thấy tính thực tế của nó trong điều kiện sản xuất, sinh hoạt của dân cư vùng ven biển.

Vì vậy ông Thuấn cũng nói về điểm ưu việt của cố kết cộng đồng ở làng chài Tân An: “Làm biển theo mùa, theo nghề và người dân thường phải đối mặt với sóng to gió lớn. Bà con sinh sống gần nhau trước hết là để cùng chung phương tiện ra khơi đánh bắt.

Thứ nữa là để hỗ trợ khi gặp bất trắc, nhất là mùa biển động. Tôi nhớ hồi xưa ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt gần bờ, khi mỗi chiếc xuồng hay thúng vào bãi, ngư dân không vội vàng về nhà mà nán lại để chờ các phương tiện khác vào, nếu có hề chi thì cùng nhau hỗ trợ”.

Gìn giữ nét đặc trưng

“Nông tư, ngư chung”, người dân ở các làng chài thường nói như vậy để đúc kết một nét đặc trưng của nghề biển, qua đó cũng lý giải vì sao cộng đồng dân cư ven biển phải “co cụm” lại.

z5378910746889_d98cbe2db47f435ca46794235852c0eb.jpg
Chợ biển - nét đặc trưng của nhiều làng chài. Ảnh: H.QUANG

Trong cuốn “Quảng Nam truyền thống văn hóa biển” (NXB Đà Nẵng), tác giả Nguyễn Phước Tôn Thất Hướng cùng cộng sự đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, biên khảo về đời sống văn hóa cộng đồng dân cư ven biển.

Lý giải về cố kết cộng đồng ở khu vực biển, nhóm tác giả viết: “Vào những năm tháng xa xưa, trong buổi đầu sơ khai mở đất, cư dân miền biển Quảng Nam từ miền Bắc vào khai phá mảnh đất “Ô châu ác địa” này đã bắt đầu cuộc sống bên những dòng sông, cửa biển, từ đó công cuộc mở mang bắt đầu. Những vùng đất trồng trọt dần dần được hình thành, làng xã ra đời, cộng đồng cư dân sống quần tụ bên nhau để sinh tồn...”.

Cũng theo “Quảng Nam truyền thống văn hóa biển”, trên phương diện truyền thống văn hóa, quá trình tổ chức cuộc sống dựa vào môi trường địa - sinh thái biển đã hình thành nên các cộng đồng dân cư làng vạn chuyên nghề đánh bắt, khai thác; gần đây là nuôi trồng hải sản ở các bãi ngang, bãi dọc và ở các hòn đảo tại Quảng Nam với các tên gọi có cội nguồn biển đảo như Tam Hải, Duy Hải, Cẩm Hải, Phước Hải, Bình Hải, Bình Dương, Ðiện Dương, Cửa Ðại, Cửa Lở, Bãi Rạng, Cù Lao Chàm...

Các làng vạn ven biển sống bằng các nghề đánh bắt, khai thác hải sản như lưới, giã, mành, câu, lặn... Từ đó hình thành nên các vạn nghề biển lấy theo tên gọi và kỹ thuật hành nghề như vạn giã, vạn câu, vạn mành cơm, vạn mành chà, vạn lưới chuồn, vạn lưới quát là các nghề gắn với biển và các làng vạn này là những làng vạn biển.

Quá trình đô thị hóa ở vùng ven biển diễn ra mạnh mẽ, nhiều cộng đồng dân cư phải di chuyển chỗ ở để nhường đất cho dự án, nhiều người dân đã chuyển đổi nghề... khiến cố kết cộng đồng theo các làng vạn ven biển trên đà lỏng lẻo.

Tuy nhiên, nghề biển vẫn là kế mưu sinh chính của người dân khu vực này, nên nét đặc thù của cố kết cộng đồng vẫn đang rất cần để các làng vạn thuận tiện trong sản xuất và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Tại các làng chài ven biển Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành - nơi có nhiều dự án đầu tư, đã không ít lần ngư dân “phản ứng” về cách bố trí tái định cư không phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất. Hạn chế này đã được nhìn nhận với chủ trương không để lặp lại.

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực khuyến khích phát triển là dải không gian ven biển từ cao tốc Bắc Nam ra đến ven biển.

Đây là không gian vẫn còn quỹ đất trống lớn, có nhiều dư địa để phát triển trở thành dải du lịch sinh thái và đô thị. Vì vậy, cố kết cộng đồng dân cư ven biển lại đứng trước nhiều thách thức.

Nhưng có thể hy vọng, trong quá trình cụ thể hóa quy hoạch, các địa phương ven biển sẽ chú trọng gìn giữ nét đặc thù của các làng vạn đã từng được “thiết kế” trong buổi đầu sơ khai mở đất.

Hà Quang