Cuộc sống thường ngày

Về thương nhánh sông cạn

HỨA XUYÊN HUỲNH 12/05/2024 10:27

Mỗi lần về quê, băng qua cây cầu mới bắc ngang con sông chạy dọc vùng Đông Quảng Nam, tôi lại tự hỏi: Những chuyến đò dọc từng khỏa nước Trường Giang liệu sẽ có ngày trở lại?

Tái hiện “đò dọc”

Chuyện xưa, trên con sông Trường Giang hiền hòa, những chuyến đò dọc men theo con - đường - nước mà dừng ở những bến chợ Tây Giang, chợ Được, chợ Bà... Giờ thì sông cạn, hẹp ở nhiều đoạn, đò ngang cũng vắng, nói gì đến đò dọc.

Nhưng những chuyến đò dọc tuyệt mù trong bóng thời gian ấy, nay có thể sớm “tái hiện” trên con sông trong một tương lai gần.
“Thức giấc”, “hồi sinh”…, nhiều hình dung từ vừa được dùng cho con sông ở vùng đông xứ Quảng, khi câu chuyện nạo vét Trường Giang có dịp nhắc lại. Nhắc lại, tức gần 10 năm trước cũng từng có dự án khôi phục dòng sông, nhưng dang dở.

Nay thì dự án lớn hơn, “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam”, đã xác lập thời hạn đến năm 2027 sẽ nạo vét xong khoảng 60km luồng sông, tính từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa).

Thử mường tượng đến một ngày luồng sông nạo vét rộng 30m, sâu 2,3m, đủ để tàu trọng tải 100 tấn lưu thông 2 làn…, thì Trường Giang không “hồi sinh” sao được!

Con sông ngang ấy cứ men theo bờ biển mà chảy, tạo nên vệt cát nằm dài giữa biển và sông, với bao nhiêu trở ngại cho người miền biển băng qua đồng bằng để lên nguồn. Nên hễ nói về sông ngang, là liên tưởng ngay đến những cây cầu dọc bắc qua để nối dài những cung đường.

Ít nhất 6 cây cầu vượt sông sẽ xây mới trong ý tưởng nạo vét Trường Giang lần này. Cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh trên quốc lộ (QL) 40B và cầu Tam Tiến trên tuyến N5.

Thử làm một cuộc “kiểm đếm”, tôi nhận ra không quá nhiều cây cầu hiện hữu bắc qua sông Trường Giang. Thì ra, vẫn còn nhiều quãng sông hiện bị chia đôi bờ tây với vệt đất phía bờ đông. Cuối vệt đất phía bờ đông là biển.

Men theo dòng sông

Từ cửa An Hòa đi lần ra bắc, có cây cầu thuộc QL40B nối dài với đường Thanh Niên. Ra nữa, có cầu Trường Giang trên đường Nguyễn Tất Thành.

Từ ngã ba Kỳ Lý, con đường sau nhiều đoạn cong khác nhau thì rẽ trái băng qua sông hướng ra phía biển Tỉnh Thủy. Rồi đến cầu Bình Nam nối con đường liên xã.

Đường Võ Chí Công từ bờ tây băng qua sông cũng kịp “để” lại một cây cầu lớn, trước khi chạy dọc mãi bờ đông ra đến Cửa Đại. Đoạn này có thêm một cầu nữa nối 2 xã Bình Sa với Bình Hải, địa phận huyện Thăng Bình. Ra thêm một quãng có chợ Bến Đá, có cầu băng qua.

Đến địa đầu xã Bình Triều, nơi có chợ Hưng Mỹ - quê ngoại nhà văn Nguyên Ngọc, cầu Bà Gần đã đúc bê tông vững chãi. Tuyến đường lớn từ ngã ba Cây Cốc băng qua trảng cát, qua sông xuống phía biển đương nhiên đã xây cầu.

Ra nữa, QL14E cũ từ ngã tư thị trấn Hà Lam xuống đến chợ Được thì rẽ phải, đến trước chùa Phước Ấm liền rẽ trái vòng sang Bình Đào hiện vẫn lưu lại cầu máng và cầu tạm.

Cách đó không xa, về phía bắc, có cây cầu bê tông lớn theo tuyến đường mới. Lại có cây cầu để người bờ tây sang chợ Lạc Câu phía đông hay để tuyến đường Duy Thành – Duy Nghĩa băng qua đoạn sông uốn cong trước khi dòng nước Trường Giang trộn với nước sông Thu Bồn tuôn ra Cửa Đại…

Men theo dòng sông và những cây cầu, cũ lẫn mới, tôi chợt thương cho nhánh sông cạn nước, thương cả nhánh sông đi lạc.

Vừa qua khỏi cầu Bà Gần, dòng nước rẽ thành 2 nhánh ôm lấy cồn Bá Loan. Nhánh phía tây giờ thành nhánh sông cụt. Tuổi thơ tôi thân thuộc với nhánh sông này hơn cả.

Vẫn nhớ như in quãng sông nào đám trẻ mục đồng thường bơi lội, chỗ nào chia nhóm đá bóng, chỗ nào vục đất sét mịn lên nắn đủ thứ đồ chơi, chỗ nào lang thang bắt dế…

Kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4 năm nay, tôi có dịp chạy xe vào sâu trong đất cồn Bá Loan. Các nhánh đường bê tông mới, cầu mới, nhà mới đã xáo trộn mọi định vị trong ký ức.

Ban đầu, tôi muốn dừng ở “cồn trên” để thăm nhà đứa bạn, nhưng đi đứng thế nào lại lạc tận xuống “cồn dưới”, thuộc địa phận xã khác.

Vài người dân tưởng tôi là khách xem đua thuyền mừng lễ 30/4, bảo cứ theo lối đi có cắm cờ hoa rực rỡ sẽ ra đến bến sông. Họ đâu biết rằng tôi đang đi lạc trên chính lối về ngày cũ…

Dấu xưa mờ lối

Cũng có lối đi mới tình cờ mở ra, để giúp tôi trở lại tuổi thơ. Tuyến QL14E cũ từ ngã tư thị trấn Hà Lam xuống, đến chợ Được không chỉ rẽ phải mà có một nhánh mới gióng thẳng, băng qua sông. Nói con đường mới này “chẻ đôi” chợ Được, cũng không sai. Phía nam con đường là khu dân cư, kế bên trong có chợ mới.

Tiếng là chợ “mới”, nhưng theo ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều, chính quyền địa phương sớm dời chợ vào phía trong, tính ra đã ngót 1/4 thế kỷ. Chợ dời đi, trả lại phía bắc con đường một công viên và không gian trang trọng cho lăng Bà Chợ Được.

Mé sông, cạnh chân cầu mới, có nhà hàng du thuyền. Nơi đây vẫn là điểm chính mở hội đua thuyền hằng năm. Nhà hàng dựng theo hình du thuyền khiến tôi nghĩ về bến sông sầm uất từng làm điểm dừng cho những chuyến đò dọc đưa hàng và khách lên xuống chợ Được.

Lại nhớ lần dừng thuyền khác nữa, đủ để lưu lại trong dân gian xứ Quảng một giai thoại: Thủ Thiệm ở chợ Được. Giai thoại ấy được các nhà sưu tầm chép vào sách và Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng đã dựng thành kịch.

Bến sông cạn bây giờ, có phải là nơi Thủ Thiệm từng cho thuyền cập bến đóng giả quan tri huyện, trước cả khi quan tri huyện thật từ Huế đến Hội An trình kiến Công sứ Pháp rồi mới theo thuyền vào chợ Được?

Thời gian hun hút, ký ức những ngày giáp tết theo mẹ ra chợ cũ cũng vời vợi xa. Để giờ đây, mỗi lần theo cầu mới từ Bình Đào đi ngược lên phía chợ Được, nhìn khoảnh sông Trường Giang cạn nước, tôi cứ ngỡ mình như đang lao xe vào giữa vùng ký ức.

Xanh mát Trường Giang (ảnh: H.X.H)
Xanh mát Trường Giang (ảnh: H.X.H)
Một quãng sông Trường Giang uốn khúc, địa phận huyện Duy Xuyên (ảnh: H.X.H)
Một quãng sông Trường Giang uốn khúc, địa phận huyện Duy Xuyên (ảnh: H.X.H)
Cầu Trường Giang trên sông Trường Giang, đoạn qua vùng đông Thăng Bình (ảnh: H.X.H)
Cầu Trường Giang trên sông Trường Giang, đoạn qua vùng đông Thăng Bình (ảnh: H.X.H)
Bình yên một góc cồn Bá Loan (ảnh: H.X.H)
Bình yên một góc cồn Bá Loan (ảnh: H.X.H)

HỨA XUYÊN HUỲNH