Văn hóa

Ông bà thời mở cõi

LÊ VĂN CHƯƠNG 12/05/2024 10:00

(VHQN) - Trải hàng trăm năm, những người dân ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), vẫn luôn nhắc về vùng đất Quảng, nhắc tới Hội An, Tam Thanh.

5-mai-hoai-thao-sn-1952-goc-qn-o-chi-cong_7.jpg
Các bậc tiền nhân nhà ông Mai Hoài Thảo là người gốc Quảng Nam.

Đau đáu quê nhà

Nghiên cứu của PGS-TS. Nguyễn Duy Thiệu - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: Đầu thế kỷ 17, một luồng di cư mới của người Việt từ các trấn Thuận Hóa, Quảng Nam và phủ Phú Yên vào khai phá và định cư ở vùng đất Thủy Chân Lạp (Nam Bộ ngày nay). Có một bộ phận cư dân tiến vào Nam theo đường biển và đã dừng tại đảo Phú Quý, cộng cư với dân bản địa.

Chúng tôi tìm đến Gành Son (xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được xem là địa điểm phần lớn các thuyền buồm, ghe bầu hành trình trên biển đều ghé lại. Địa phương này cũng là nơi có những người xứ Quảng dừng chân trước khi ra cù lao Khoai Xứ (thời nhà Nguyễn gọi là đảo Thuận Tình).

Ông Mai Hoài Thảo (sinh năm 1952) sống trong ngôi nhà gắn biển xây dựng năm 1953 ngay tại xã Chí Công, hồi tưởng ký ức được nghe về xứ Quảng.

Thời nhỏ, cậu Thảo thường nghe người cha là Mai Huê kể chuyện ông bà mình họ Mai, gốc ở Quảng Nam, khi đi nghề lưới chuồn thì đã bị trôi vào tận Gành Son (nay là xã Chí Công).

Có 3 anh em họ Mai, một người trôi ra đảo Phú Quý và 2 người ở trong đất liền. Cả 3 anh em đều ở lại lập nghiệp, sinh ra dòng họ Mai cho tới bây giờ.

Tôi trở lại đảo Phú Quý lần thứ 3, giữa tháng 4/2024. Đảo đang vào mùa du lịch, khách ra đảo lên đến hàng ngàn người, không khí tấp nập như phố cổ Hội An. Ông Nguyễn Văn Ba ở xã Tam Thanh của đảo này nói, người ở đây vẫn luôn đặt câu hỏi “ông bà mình từ mấy trăm năm trước đi đánh lưới chuồn và trôi ra ngoài đảo, không biết gốc gác Quảng Nam là ở thôn, xã nào”.

Ông Ba chỉ tôi đến một địa danh trùng tên với xứ Quảng, đó là lăng Hải Châu xây dựng năm 1845. Trên tấm bia khắc đặt ở lăng, có những dòng chữ kể về phận người đầy gian nan một thời ở đảo Phú Quý, đàn bà thỉnh thoảng vẫn phải vượt sóng vào đất liền để làm nghề mót lúa khắp các làng quê. Vì vậy ở đây vẫn giữ phong tục đeo chiếc gùi như người miền núi.

Nằm ở xã Tam Thanh có đình, vạn Hội An được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Đình, vạn Hội An là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, thần Nam Hải và các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng. Hàng năm, tại đình, vạn Hội An diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày mùng 1 tháng Sáu âm lịch.

4-anh-huynh-van-thuan-sn-1967-dao-phu-quy-4_53-1-.jpg
Đình, vạn Hội An ở đảo Phú Quý. Người dân ở đảo vẫn giữ phong tục đeo gùi. Ảnh: Văn Chương

Nguồn gốc qua câu ca

Trong quá khứ, dù sống trên hoang đảo xa xôi, nhưng những người từ đất liền ra vẫn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Phổ biến là chương trình hát bội, bài chòi.

Đoàn hát bội Tân Lập (nay đặt tên là Đồng Tâm) được thành lập từ năm 1880, do ông Trần Đời là ban sắc bùa xòe và ca bài chòi sáng lập theo bổn truyền của cô lái buôn Đào Hát và một số ngư dân đi lưới chuồn ở Bình Định cập vào đảo tránh gió.

Ông Trần Thanh Phong, từng là cán bộ xã Long Hải hiện là người nối nghiệp phụ trách gánh hát bội. Ông Phong vẫn đau đáu về nguồn gốc cha ông.

Ông đến từng căn nhà cổ, từng đình, miếu, gặp các bậc cao niên để ghi chép lại những phần lịch sử sau trăm năm đã lùi vào quên lãng. Tất cả tư liệu ghi chép được ông mang về biến hóa vào hơn 200 bài hát bội, bài thơ để kể sử với dân chúng thông qua các buổi biểu diễn.

Ngành bảo tàng tỉnh Bình Thuận thống kê đảo Phú Quý là địa phương có rất nhiều văn bản cổ là sắc phong, đinh bạ, liễn đối, hoành phi, điền bạ, công văn hành chánh, thơ Nôm, tuồng hát bội. Văn tế có 154 bài, sắc phong 93 đạo, 380 câu đối, hơn 2.000 trang chữ Nôm là các công văn hành chính, đinh bạ, điền bạ, giấy thu thuế đinh. Đây cũng là nguồn sử liệu quan trọng để đi ngược về lịch sử tìm nguồn gốc cư dân.

Dáng dấp Đồng Dương

Xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý có ngôi chùa cổ nhất tỉnh Bình Thuận là chùa Linh Quang, xây dựng năm 1747. Năm 1996, chùa Linh Quang được công nhận là danh thắng cấp quốc gia. Cuối thế kỷ 17, chùa bị hỏa hoạn nên nhiều di tích cổ xưa trước đó đã bị thiêu rụi.

Tấm bia ở chùa Linh Quang, xã Tam Thanh ghi: “Nhớ xưa ông cha đi mở cõi, từ đất liền cưỡi sóng vượt trùng dương… giữa sóng gió ba đào, mạng người dường như sợi chỉ treo chuông…”. Trong chùa ngoài bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, Nhiên Đăng, còn có những pho tượng và các nhà nghiên cứu khảo cổ đã thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đó là các tượng có dáng dấp khuôn mặt bầu, tròn, mũi tẹt, lông mày gần giao nhau, mô típ trang trí khá thoáng, tổng thể của tượng rất giống với các bức tượng được tìm thấy ở di chỉ Đại Hữu, Đồng Dương của Quảng Nam.

Hình ảnh tượng Phật này mang dáng dấp Phật giáo Đại thừa của Champa. Được biết, tượng Phật Đồng Dương là pho tượng tạc hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tìm thấy bởi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier vào tháng 4/1911 tại Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình.

LÊ VĂN CHƯƠNG