Dáng ốc
(VHQN) - Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi tiếng kêu ra bến, hay nói đúng hơn là bị dựng dậy bởi âm sắc chát chúa của những người đàn bà ở đảo. Họ ra bến để cào rong mơ.
Nhớ lần đầu ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngỡ ngàng cách phát âm, ví dụ như An Hải thì thành An Hỏi! Đi riết, quen đất, thuộc giọng. Bạn đồng nghiệp ở đó, đi làm ăn xa nói âm đúng chuẩn phổ thông, nhưng tôi để ý khi về nhà, anh hiện nguyên thổ âm của dân xứ đảo.
Giọt nước mắt... màu đỏ
Sáng sớm, nước rút, bày ra mặt biển hai lớp màu là ngọc bích và vàng mơ của rong. Mỗi người một cái liềm và cào, cắt. Nước xâm xấp bàn chân.
Biển đãi đằng cho người, dù nước cạn hay nước lớn, nhẫn nại, ân cần không đòi hỏi. Văn chương triết học về biển, tha hồ triết lý miêu tả đủ đường. Nhưng biển không đáp trả, chỉ có sóng vào bờ là nhịp hải hà vô lượng.
Tôi gặng hỏi họ, thì đáp lại là những sắc âm cụt ngủn, mỏi mệt, rằng tùy giá, tùy khách không chừng. Chồng đi biển. Vợ ở nhà làm đủ việc. Ở đó, đàn bà không ngưng tay.
Tôi quan sát mẹ bạn, hết vá lưới đến kéo bao tỏi ra coi, rồi chạy mua muối để mai chồng đem cá về làm mắm. Ở đây họ muối cá nục làm mắm. Sáng sớm, bà đã ra biển cào rong. Can không được, bởi cái lý của bà là ở nhà làm chi?
Gần tối, bà còn xăng xái đi mua cá. Tôi theo bà ra bến ở phía bờ rạn gần chỗ xuống tàu qua đảo Bé, 5 giờ chiều ghe lưới vào sau khi quần 2 giờ ngoài biển, họ mang về cá đánh ngoài gành.
Nhìn dáng bà mẹ ở đảo Lý Sơn, sao thấy giống quá điệu te tái dù chẳng có việc chi gấp của những người phụ nữ ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam).
Đứng ở khúc cua nối Bãi Hương và Bãi Làng ngó xuống, như thể cả Cù Lao Chàm gói trong một nửa hình cầu thủy tinh. Chúng long lanh đến mức muốn bùng nổ.
Đầu óc dẫn dụ tôi nghĩ đến con ốc lớn, một nửa ngâm trong nước, một nửa trồi lên. Và trong phút chốc, tôi nghĩ đến những người đàn bà ở đảo Lý Sơn hay Cù Lao Chàm. Họ đều có dáng ngồi như thế.
Có cựa quậy gì, xung quanh cũng là nước. Mùa biển động, ba bốn tháng, tàu không ra đảo được, đàn ông không đi biển, việc lo cái ăn là của đàn bà. Cá mắm xoay quần.
Nhớ lại hồi COVID-19 ngăn đường cấm chợ, thiên hạ nháo nhào vì đồ ăn hụt này thiếu nọ, thì nghĩ mà coi, ở đảo, đàn bà xoay xở ra sao với tháng ngày dằng dặc như thế?
Hết mùa biển động, là bắt đầu họ ngóng và ngồi. Trong tôi mặc định một điều, ở biển, nếu phải tạc một tượng đài thì duy nhất được chọn chẳng phải ghe thuyền hay ngư phủ, mà chính những người đàn bà ngồi bó gối.
“Có cái nhìn bó gối suốt đời”. Phận đàn bà ở biển, sinh ra đã nghe gió hú. Lớn lên yêu đương, ngóng người trong mộng nở nụ cười về bến. Có chồng, nín thở theo gió đêm gió chiều không biết mai chồng có mặt trên tàu trở về hay không?
Bao lần tôi chứng kiến họ khóc chồng con bỏ mình nơi biển, họ không kể lể, chỉ có đôi mắt rực đỏ buồn như máu đọng thành đêm.
Nên có lần nghĩ con cá từ Hoàng Sa mang về trên mình luôn có chấm đỏ, đó là máu của ngư phủ? Không đủ. Máu dồn từ nước mắt của những người đàn bà phập phồng theo những phiên biển, nên bức phù điêu, chỉ cần là giọt nước mắt có màu đỏ.
Đôi mắt ở đảo
Cù Lao Chàm là bức bình phong cho đất liền. Lịch sử đã gọi tên nó đâu chỉ là chuyện địa danh địa vực trên hải đồ có từ thời Champa. Sứ mệnh của người ở đảo đối với thước nước chủ quyền, có thua kém ai.
Giới nghiên cứu đã chỉ ra tại Cù Lao Chàm (Hội An) cũng có 3 sắc chỉ dưới thời Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng, thể hiện nơi đây công tác tuần phòng trên biển được giao cho nhân dân. Đó là 3 sắc chỉ có nội dung giống nhau: “bắt dân trên hòn Cù Lao Chàm phải tuần phòng đêm ngày, lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó”. Ba sắc chỉ đó có sự xuyên suốt từ các niên hiệu Chánh Hòa (Chính Hòa), Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thịnh) và Cảnh Hưng, từ 1680 đến năm 1786.
Hơn 100 năm, dân ở đây đêm ngày ngóng giữ kẻ lạ. Mà đã vậy, sau lưng những binh phu đó, nắm cơm chén mắm, sao thiếu bóng đàn bà được.
Còn Lý Sơn thì khỏi bàn. Tôi lên ngọn Thới Lới. Ở đó có miệng núi lửa, phóng tầm mắt xuống toàn bộ hòn đảo rồi ra biển, cảm nhận được sức nóng của đời đời dân mà tiên tổ họ là binh phu Hoàng Sa. Ở đó, họ luôn dậy trước bình minh và trở về khi trời sập tối. Nghe gió hú về Hoàng Sa vọng. Nham thạch núi lửa hay than ủ trong lòng, khi sống mà men theo con sóng, giao phận mình cho trời đất định đoạt.
Tôi có cảm giác, đôi mắt đàn bà ở đảo chưa từng nhìn lên, mà chỉ xa xăm và cúi xuống.
Bạn tôi nói, thế giới quan của nước là sóng, là gói gọn tôm, cá, nuôi con, chờ chồng. Ngoài ra, chỉ biết đến xung quanh qua ti vi, bởi họ đâu có bước ra khỏi chân sóng. Với họ, như vậy là đủ. Bởi biết nhiều sẽ thấy không bao giờ đủ, cũng đừng đặt câu hỏi họ hạnh phúc không?
Chẳng có tiêu chí nào cho tiếng lòng giấu trong hơi thở. Nhưng thôi đành, mặc nhiên chấp nhận sống vui là hạnh phúc. Nếu vậy, thì với đàn bà ở biển, nó sẽ thế nào? Nói họ không hạnh phúc thì không đúng. “Mãn mùa tu hú kêu thanh/ Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về”. Câu ca đó, đọc lên, nghe nát lòng.
Tôi ngồi với mấy bà già đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Họ nói, cả đời không bước chân ra khỏi đảo, cả đời chỉ biết cây ngô đồng và đan.
Họ nói, ngày xưa bán yến, hễ gói yến bó bằng dây ngô đồng, thì người mua biết chính xác là ở Cù Lao Chàm. Vậy đó, họ định danh đời mình và neo đời bằng những nối tiếp nhau của các gút thắt rồi mở ra, làm nên cái võng lắc lư như nhịp sóng. Nếu không có họ, bức tranh biển sẽ vô nghĩa, bởi dư vang và bảng màu không có.
Đảo nào cũng có ngọn đèn biển, làm từ thời Pháp hoặc sau này làm lại để dẫn dắt tàu thuyền.
Tôi đã ngồi với họ - những người gác đèn. Trùm lên hết thảy là nỗi niềm mùa mưa bão chỉ có nước, gió quật và ánh đèn không bao giờ tắt. Làm gì rồi cũng quen và thấy bình thường, còn buồn hay không tùy khách.
Họ là những con mắt biển. Một định danh cho sự sống đất liền mà những người đi biển khi quay vào bờ xác quyết rằng ở đó có người đang chờ mình.
Nhưng, có hàng ngàn triệu đôi mắt biển ngóng chờ từ trùng trùng sóng những dáng hình quen thuộc. Bạn hãy để ý đi, chiều xuống, khi cơm tối đã xong, ở ngạch cửa những ngôi nhà trên đảo mà có đàn ông đi biển, đều có những dáng ốc khum mình ở đó, nhìn bất động trùng khơi, bóng đổ dài theo đêm.
Thú thiệt, nhìn mà muốn ngạt thở vì những mông lung suy đoán…