Hoàng Sa qua một bản vẽ
(VHQN) - Một bản vẽ khá ấn tượng về cơ sở vật chất và địa hình đảo Hoàng Sa những năm 60 của thế kỷ trước, từ một nhân chứng từng sống trên đảo.
Nhân chứng là ông Huỳnh Văn Thính (sinh năm 1945), quê xã Duy An, huyện Duy Xuyên. Hiện ông sinh sống tại TP.Đà Nẵng.
Ông Thính kể, năm 1964, ông Thính nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào Trung đội lính Hoàng Sa ra làm nhiệm vụ trên đảo. Năm 1965, ông về lại đất liền. Trong thời gian sống ở Hoàng Sa, ông đã tìm hiểu địa hình nơi đây và họa lại chúng trên một bản vẽ đặc biệt.
Hoàng Sa được biết đến là hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi các rạn san hô, khi nước xuống từng rạn đủ màu sắc ánh cùng sóng nước. Phía đông của đảo có một cầu tàu được xây dựng để tiện lên xuống.
Từ cầu cảng đi vào trung tâm là một đường ray sắt, dài khoảng 400-500m. Công dụng và có thể là nguyên nhân chính để thiết lập đường ray này là dùng để chuyên chở phosphat – loại hàng hóa có giá trị và trữ lượng lớn trên đảo. Đường ray này sau được thay bằng vật liệu bê tông, dài khoảng 50m.
Sự có mặt của xe ủi, máy nghiền đá trong bức vẽ có lẽ cũng nhằm mục đích khai thác phosphat. Từ những năm đầu thế kỷ 20, một công ty của Nhật Bản đã đến đây khai thác phosphat và đóng thuế. Việc này kéo dài trong khoảng 30 năm và trở thành một trong những hoạt động kinh tế chính diễn ra trên quần đảo Hoàng Sa thời gian đó.
Trong lòng đảo, có một nhà cấp 4 được xây dựng, làm nơi ở cho quân đội đồn trú. Ở đảo, xung quanh ngôi nhà có hầm chứa nước mưa, bổ sung một lượng lớn nước dùng cho sinh hoạt. Cách nhà ở khoảng vài trăm mét có một giếng nước ngọt cổ, đường kính khoảng 1,5m.
Kế bên tòa nhà này có tòa dành riêng cho nhân viên Trạm Khí tượng. Mỗi ngày nhân viên có vài giờ để thực hiện đo đạc và xử lý số liệu các yếu tố độ ẩm, nhiệt độ, mưa, gió.... báo cáo về đất liền.
Trạm này được xây dựng vào năm 1938 thuộc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, nhân viên trạm làm việc theo chế độ năm hoặc luân phiên vài tháng một lần. Việc tiếp tế thực phẩm và vật liệu cho trạm này do Ban hành chánh ở Trung tâm Khí tượng tại Đà Nẵng lo liệu.
Trên đảo có rất nhiều cây, nhưng thường là những cây nhỏ với chiều cao dưới 2m. Cây rừng bao bọc gần như bốn phía của đảo, nhưng nhiều nhất tập trung ở phía tây. Thời nhà Nguyễn, nhiều tàu bè qua lại đây thường bị mắc cạn do gặp phải đá ngầm và rạn san hô lớn.
Vua Minh Mệnh hạ lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa trồng cây trên đảo nhằm giúp cho tàu bè nhận biết được hướng nông sâu để tránh nạn.
Trong trí nhớ của rất nhiều nhân chứng, có thể coi đây như một rừng cây thấp, với các loại dương liễu, dừa và cây nhàu. Đây đồng thời cũng là nghĩa địa chôn cất những người xấu số tử nạn trên biển. Các nấm mồ hoàn toàn bằng đất cát và xen kẽ nhau.
Đứng ở đảo Hoàng Sa có thể trông thấy được một số đảo nhỏ nằm xung quanh. Đảo Đôn Cân, đảo Chim… Trong hồi ức rất nhiều nhân chứng ghi lại rằng, thỉnh thoảng, họ di chuyển sang các đảo khác để xem xét tình hình và đánh bắt hải sản làm thức ăn. Về sau để đảm bảo an toàn, việc này bị cấm.
Hoàng Sa là một phần thiêng liêng của Việt Nam. Đâu đó, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm ra Hoàng Sa, bức họa được vẽ theo hồi ức như nhắc nhủ ông, Hoàng Sa luôn hiện diện trong trái tim của những người con đất Việt.