Chính trị

Văn hóa công vụ từ điểm nhìn quy hoạch tỉnh

PHÚ THẠNH 13/05/2024 07:01

Hôm nay 13/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt, triển khai chuyên đề về phát huy các giá trị văn hóa, con người xứ Quảng. Một sự “trở về” rất đáng chú ý, trong bối cảnh mới và những yêu cầu mới.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2024-1-18-154849-_dji_0639.jpg
Tầm nhìn quy hoạch tỉnh đến năm 2050 Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng. Ảnh: Q.TUẤN

Nói “trở về” là muốn nhắc lại sự kiện cách đây hơn 23 năm. Ở vào thời điểm Quảng Nam bộn bề khó khăn, thách thức do hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh và đói nghèo, lạc hậu về kinh tế trong những năm đầu tái lập tỉnh; giữa tháng 3/2001, Quảng Nam dành trọn 2 ngày để tổ chức một hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về văn hóa xứ Quảng.

Lần đầu tiên, đông đảo nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu đất nước cùng có mặt tại Tam Kỳ để nhận diện, đánh giá tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa trên vùng đất Quảng và những giá trị truyền thống đặc trưng của tính cách Quảng.

Mục đích là “tìm câu trả lời đúng nhất, tốt nhất về cách giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ấy, góp phần quan trọng cho sự phát triển của một Quảng Nam trong hiện tại và tương lai”, như lãnh đạo tỉnh lúc đó khẳng định.

Trước đó, cuối năm 2000, một sự kiện khoa học tầm cỡ khác cũng có phần liên quan đến văn hóa, con người Quảng Nam đã diễn ra tại Hội An, nhằm củng cố các luận chứng khoa học cho đề án Khu kinh tế mở Chu Lai.

Và tại đây, dưới góc nhìn lịch sử - văn hóa - địa kinh tế, các nhà khoa học đều tin tưởng về triển vọng của một mô hình kinh tế mở mới ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên đất Quảng.

Những giá trị trường tồn

Danh xưng Quảng Nam bắt đầu cách đây hơn 550 năm, khi vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam Thừa Tuyên đạo. Nhưng lịch sử - văn hóa xứ Quảng là dòng chảy xuyên suốt từ thời tiền - sơ sử đến văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, nối tiếp là thời kỳ cận đại và hiện đại với tiến trình nhiều nghìn năm.

Và kết quả của hội thảo năm 2001, các nhà khoa học đã nhận diện, thống nhất một số điểm nổi bật (tuy chưa đầy đủ) về những đặc trưng nổi trội của tính cách Quảng - con người xứ Quảng. Có thể sơ lược:

- Ham học, hiếu học là một đặc trưng. Đây là vùng đất có học, có lễ nghĩa, với nhiều danh nhân, chí sĩ.

- “Quảng Nam hay cãi” là một đặc trưng. Ưa thảo luận, tranh luận, tranh biện, thậm chí với thái độ quyết liệt để đi đến cùng chân lý.

- Chân thật, hiền hòa, trọng nghĩa tình, thủy chung, hiếu khách.

- Cần cù, sáng tạo; không cam chịu. Dám đương đầu với khó khăn thách thức và luôn biết cách để vượt thoát.

- Yêu nước và cách mạng. Kiên cường, dũng cảm, bất khuất, đi đầu trong chống giặc ngoại xâm.

- V.v và v.v...

Quảng Nam là vùng đất mở. Văn hóa Quảng Nam cũng là nền văn hóa mở cả về không gian và thời gian. Tính cách, tư tưởng, tâm hồn người Quảng Nam cũng luôn rộng mở, sẵn sàng giao lưu, học hỏi, dung nạp, hội nhập,..

Đó là những giá trị đặc biệt mà lãnh đạo tỉnh và những nhà làm hội thảo năm xưa muốn khai phóng để tạo nên động lực và nguồn lực mới nhằm vượt quá những thách thức to lớn của một tỉnh nghèo, tìm ra con đường mới cho Quảng Nam phát triển. Ở khía cạnh khác là bồi đắp, củng cố niềm tin trong cán bộ và nhân dân về tương lai Quảng Nam.

Văn hóa công vụ từ những yêu cầu mới

Bối cảnh những năm 2000 - 2001 và ở thời điểm hiện nay có những điểm giống và khác nhau rất đáng chú ý. Điểm chung là Quảng Nam đang đối diện những khó khăn, thách thức trước mắt nhiều hơn là thuận lợi. (Tất nhiên là khó khăn ở mỗi thời điểm là khác nhau).

Những năm đầu tái lập tỉnh là sự nghèo đói, lạc hậu về kinh tế; Quảng Nam phải dồn toàn lực chống đỡ tình thế trước mắt để an dân, vừa tìm kiếm và xác định con đường chiến lược lâu dài.

Nay Quảng Nam đã là tỉnh có nền kinh tế khá, kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ, đời sống người dân đã có bước tiến dài; và đặt biệt, “lối mở” cho sự phát triển ở một tầm cao mới đã được xác lập vững chắc bằng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện thực hóa quy hoạch, là sứ mệnh của các thế hệ con dân Quảng Nam và dĩ nhiên là nguồn lực con người luôn là quan trọng nhất, quyết định mọi thành bại.

Để ý trong quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh, một trong những quan điểm được xác định là “Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự cường, mạnh mẽ, bền bỉ của con người Xứ Quảng”.

Đáng quan tâm, trách nhiệm đều đặt trên vai hệ thống chính trị toàn tỉnh - nguồn lực từ chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai 7 nhóm giải pháp về thực hiện quy hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh “Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tiết giảm các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số”; “Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”.

Đó chính là những yêu cầu của một nền văn hóa công vụ. Yêu cầu càng cao hơn, cấp thiết hơn khi tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, ngại va chạm - trái ngược với tính cách Quảng - đang nổi lên ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

Và khi nền kinh tế Quảng Nam đang chậm lại, các động lực tăng trưởng cũ sụt giảm và trong ngắn hạn, chưa xuất hiện nhiều những động lực tăng trưởng mới.

GS-TS. Nguyễn Đức Khương (chuyên gia Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp) nhận định tại hội thảo giữa kỳ xây dựng quy hoạch tỉnh (tháng 6/2022), rằng Quảng Nam có lợi thế môi trường phát triển rất tốt khi có các di sản được thế giới công nhận, có mạng lưới giao thông đi lại thuận lợi từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Đây là những thế mạnh. Tuy nhiên, xu thế cạnh tranh về năng lực hành chính công, chất lượng đào tạo lao động không tăng trong một thời gian dài… đang là điểm trừ cần có giải pháp tháo gỡ”.

Để gỡ được điểm trừ, không có giải pháp nào khác ngoài việc xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ. Nhiệm vụ vừa cấp bách và vừa lâu dài.

Khơi dậy, lan tỏa những giá trị quý báu của văn hóa, con người Quảng Nam, ở thời điểm này là vô cùng cần thiết.

PHÚ THẠNH