Chợ biển, chợ thương
(VHQN) - Xứ Việt mình có bờ biển dài, đồng nghĩa có nhiều chợ cá ven biển. Tỉnh thành nào có biển là y như rằng phải có dăm ba cái chợ cá, không to thì nhỏ, nhất là dải bờ biển miền Trung. Người ta hay gọi là chợ hải sản, chợ cá, tôi thì thích gọi là chợ biển hơn.
Một ngày mùa hè, tôi đưa bạn từ Sài Gòn ra đi chợ biển Tam Tiến (Núi Thành). Bạn tôi mắt nhắm mắt mở, rời khách sạn lúc 4 giờ sáng. Nếu không nhớ tới lời giới thiệu đầy “đe dọa”: không chỉ là chợ biển đẹp nhứt xứ Quảng, đây còn là địa điểm không có trong các tuyến tour du lịch chính thống. Để rồi vừa tan buổi chợ, bạn đã trầm trồ thốt lên chợ biển đã quá!
Cảnh chợ rực rỡ
Hàng trăm chiếc thuyền thúng cưỡi sóng, trung chuyển hàng từ trăm chiếc tàu đang lặc lè cập bờ. Sau một đêm ra khơi thuận lợi, những chiếc tàu mang về vô số sản vật của biển, nhìn phát mê.
Trời còn tối, các tiểu thương trên bờ phải soi đèn để lựa cá.
Đèn điện của những tàu cá lung linh sáng như một vùng sao đêm đung đưa trên biển. Sao trên trời chưa tắt, mà sao dưới đất loang loáng như một chợ phiên âm phủ ngay cạnh mép sóng.
Những con sóng cứ cuộn tung bọt như nghịch đuổi hết thợ chèo thuyền thúng đến muốn xô ngã tiểu thương đang đứng dưới nước. Sóng lan theo chân người họp chợ trước khi xoãi ra trên bãi. Tất cả như hợp thành bức tranh chuyển màu chậm từ đêm sang ngày, từ gam lạnh sang nóng khi mặt trời ló dạng trên mặt biển.
Chỉ dăm phút từ khi được đưa lên bờ, hầu hết từng mẻ cá, tôm được “chốt giá”. Trên bãi cát, không khí mỗi lúc một náo nhiệt. Tiếng bước chân thoăn thoắt. Tiếng chào mời, trả giá, tiếng đổ hàng, tiếng quang gánh, tiếng san qua sớt lại, sàng cá, đong nia… rộn ràng xôn xao.
Chợ diễn ra tấp nập nhưng không hề xảy ra chen lấn, xô đẩy, cãi vã. Nghe người ta í ới gọi nhau bằng giọng Quảng đặc sệt, mình nghe chẳng hiểu mô tê chi mỗi lần hỏi giá, mà vẫn thấy vui, vẫn cảm được sự chân chất thật thà của người miền biển.
Các tàu thuyền ở đây đánh bắt gần bờ, ra khơi từ 3 - 4 giờ chiều hôm trước và về sau chừng 12 tiếng, vào rạng sáng hôm sau. Do vậy, hải sản ở đây tươi ngon, lại rẻ. Chúng tôi mua được một mớ cá trích đặc sản xứ này, là cá trích ve (cá trích con) kho rim ăn với cơm trắng để nguội, ngon rụng rời.
Bằng kiến thức xê dịch khắp nơi, bạn tôi nhứt định nâng tầm cho chợ này là chợ biển đẹp nhứt miền Trung. Dĩ nhiên tôi không phản đối, bởi là biển quê mình, mắc chi được khen mà không nhận.
Trải nghiệm sống động
Nhóm khách ở cạnh phòng tôi ra biển khi mặt trời đã lên cao, ngơ ngác hỏi: hôm nay chợ biển có họp không, sao tụi em thấy không có vẻ gì là có chợ cả?
Điều thú vị của chợ biển là đó. Nơi nào cũng vậy. Chợ họp ngay trên bãi, là nơi tàu thuyền tập kết về sau một đêm ra khơi. Tất cả sự nhộn nhịp bên mép sóng ấy nhanh chóng tan biến khi mặt trời lên, để rồi khuya hôm sau chợ lại nhóm họp, rồi tan.
Xuất hiện ngắn ngủi vài ba tiếng trong ngày, nhưng chợ giúp cho người miền biển ai cũng có phần trong cuộc mưu sinh. Đàn ông đi biển, đưa hải sản vào bờ, phụ nữ đi chợ, thu gom, buôn bán.
Chợ biển là nơi phụ nữ mưu sinh bất kể tuổi tác. Khỏe thì khiêng, gánh thuê cho các chủ vựa thu mua hải sản. Không khỏe, thì ngồi lựa thuê hải sản. Không thiếu những người già tóc bạc da nhăn ngồi cần mẫn lựa mực chọn cá bên cạnh các chị trung niên.
Có lẽ chỉ có ở chợ biển, mới có những cái nghề chưa bao giờ được nhắc tên trong danh mục nghề nghiệp như nghề lựa thuê hải sản, gánh nước biển đi bán… Để rồi mới thấy đồng tiền người miền biển kiếm được giá trị đến mức nào.
Nhịp sống của người miền biển là trải nghiệm sống động mà tôi luôn muốn cảm nhận mỗi khi đến một xứ biển nào đó. Lâu nay người ta hay truyền thông du lịch biển với những hình ảnh phong cảnh đẹp không tì vết như kiểu thiên đường này nọ. Nhưng sức hấp dẫn, vẻ đẹp của miền biển còn hiện diện ở những bức tranh đời sống ven biển sinh động. Bạn không chỉ đứng ngắm, còn có thể tự nhiên bước vào bức tranh chân thực ấy, là chợ biển.
Chỉ tiếc, thú vị là thế nhưng lâu nay các tuyến tour du lịch thuần túy hiếm khi đưa chợ biển vào lịch trình chính thức cho du khách. Gần đây, có vài tour đơn lẻ hoặc các homestay đáp ứng được phân khúc khách ở mức vừa phải. Nhưng nếu cần mở rộng quy mô thì e rằng khó và cần những doanh nghiệp lớn hơn.