Nhà nước và cử tri

Cử tri Thăng Bình đồng thuận cao phương án sáp nhập xã

CHÂU BIÊN - NĂM HIỆP 13/05/2024 09:00

(QNO) - Sáng 12/5, 4 xã Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Nam và Bình Định Bắc (Thăng Bình) đồng loạt tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025.

Cử tri xã Bình Định Bắc tham gia bỏ phiếu. Ảnh: HỒNG NĂM.
Cử tri xã Bình Định Bắc bỏ phiếu lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC cấp xã. Ảnh: HỒNG NĂM

Hội nghị lấy ý kiến được tổ chức tại 14 nhà văn hóa thôn với 14.061 cử tri đủ 18 tuổi của 5.352 hộ tham gia. Thôn Lý Trường (xã Bình Phú) có số lượng cử tri nhiều nhất trong 14 thôn của 4 xã thuộc diện sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) với 1.736 cử tri (701 hộ).

Tham gia hội nghị lấy ý kiến, một người dân thôn Lý Trường cho hay: “Đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước, do đó cử tri chúng tôi rất đồng tình. Tôi mong muốn sau sáp nhập bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề ra nhiều hướng đi mới, thực chất hơn để đưa bộ mặt nông thôn phát triển, thu nhập của người dân tăng cao”.

Những ngày qua, các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính đã tiến hành tuyên truyền lưu động đến từng thôn, tổ tự quản. Ảnh: THÀNH CHÂU.
Xã Bình Phú tuyên truyền lưu động đến từng thôn, tổ về chủ trương sắp xếp ĐVHC. Ảnh: THÀNH CHÂU

Xã Bình Phú có diện tích tự nhiên 28,19km2 (đạt 52,6%), quy mô dân số hiện tại 4.644 người (đạt 92,8%). Bình Phú thuộc diện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2025 - 2030, tuy nhiên là đơn vị liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC nên triển khai sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú, cơ bản người dân xã Bình Phú tham dự và lấy ý kiến đầy đủ. Cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Điều 13 Nghị định số 54 ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC.

“Đối với những trường hợp không đến điểm lấy ý kiến sẽ được rà soát tổng hợp danh sách, giao nhiệm vụ cho các tổ tự quản đến từng nhà thực hiện lấy ý kiến. Chúng tôi ưu tiên thực hiện trước đối với trường hợp bệnh tật, không đi lại được, sau đó đến các hộ khác” - ông Hải nói.

Các tổ công tác xuống từng hộ gia đình không đi lại được để lấy ý kiến. Ảnh: GIANG BIÊN.
Tổ công tác đến từng nhà lấy ý kiến cử tri không đi lại được. Ảnh: GIANG BIÊN

Tại xã Bình Định Nam, cử tri Nguyễn Quang Mới (thôn Châu Xuân) cho rằng, việc sáp nhập cần tạo thuận lợi về giải quyết thủ tục hành chính và điều chỉnh giấy tờ của công dân. Việc sắp xếp trường học, trạm y tế cũng cần phù hợp, tạo thuận lợi cho học sinh và người dân; việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập, nhất là cán bộ không chuyên trách cần tính toán hợp tình, hợp lý.

Đối với xã Bình Định Bắc, hơn 3.700 cử tri (1.400 hộ) thực hiện lấy ý kiến. Trong đó có một số trường hợp sinh viên đang đi học và người lao động làm ăn xa. Những ngày qua, ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh thông báo, tuyên truyền để các nhóm cử tri này về địa phương thực hiện lấy phiếu.

z5432412813146_1f8a040474687af40ac72f959bd67ff9-1-(1).jpg
Cử tri xã Bình Định Nam bỏ phiếu lấy ý kiến. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Ông Lê Văn Để - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc cho biết, cùng với tuyên truyền vận động, xã triển khai phương án lấy ý kiến cử tri tập trung tại nhà văn hóa 3 thôn. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 200 người ốm đau, bệnh tật, già yếu neo đơn... không thể tham gia bỏ phiếu tập trung, xã đã bố trí các tổ đội đến tận nhà để lấy ý kiến.

Tính đến 11 giờ trưa 12/5, cử tri 4 xã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ công dân. Theo thống kê, cử tri đồng ý phương án sắp xếp ĐVHC chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: Bình Phú 99,87%, Bình Chánh 95,2%, Bình Định Bắc 98,44% và Bình Định Nam 96,46%.

Theo đề án, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Chánh vào xã Bình Phú, lấy tên gọi xã Bình Phú, trụ sở làm việc ĐVHC mới đặt tại UBND xã Bình Phú; sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 2 xã Bình Định Bắc và Bình Định Nam, lấy tên gọi xã Bình Định, trụ sở làm việc đặt tại UBND xã Bình Định Bắc.

CHÂU BIÊN - NĂM HIỆP