Thương mại - Dịch vụ

Phát triển công nghiệp thép trong thế giới trung hòa carbon

QUỐC TUẤN 13/05/2024 14:46

(QNO) - Ngày 13/5, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội nghị và triển lãm thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference &Exhibition 2024) với chủ đề "Tồn tại và phát triển trong thế giới trung hòa carbon".

thep-1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T

Đây là một trong những sự kiện quan trọng để quảng bá, giới thiệu về ngành thép và doanh nghiệp thép Việt Nam ra khu vực và là cơ hội cho các bên liên quan cùng nhau chia sẻ về những công nghệ, cải tiến và cùng thảo luận để hướng tới phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế và trong nước cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi thông tin đa chiều về quy định chính sách, pháp luật của Việt Nam, khu vực và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.

thep-4.jpg
Các đại biểu chia sẻ về những công nghệ, cải tiến và cùng thảo luận để hướng tới phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Ảnh: Q.T

Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chúng ta đều biết việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng để giảm phát thải khí CO2. Chính vì vậy, cần phải áp dụng nhiều công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường.

Các quốc gia cần phối hợp với nhau để đảm bảo sự phát triển đồng đều và có sự cam kết về biến đổi khí hậu trong nhiều bối cảnh khác nhau. Các công ty thép tại Việt Nam phải nỗ lực hết mình để có thể giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới.

thep-3.jpg
Triển lãm thép Đông Nam Á 2024 có chủ đề "Tồn tại và phát triển trong thế giới trung hòa carbon". Ảnh: Q.T

Thép là vật liệu cơ bản, chưa thể thay thế của loài người và có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - kỹ thuật nhưng cũng là một trong 3 ngành phát thải khí nhà kính lớn của thế giới, chịu trách nhiệm cho 8% phát thải toàn cầu.
Từ năm 2015 đến nay, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển và trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm và đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, có thể nói việc phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á nói chung và ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26.

"Đà Nẵng cũng đã và đang không ngừng đưa ra những biện pháp quyết liệt để giảm phát thải carbon và tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo bảo vệ môi trường và chúng tôi tin rằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, sáng tạo trong ngành công nghiệp thép cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ cho nhiệt độ Trái đất toàn cầu không tăng lên 1,5oC" - ông Cường chia sẻ.

QUỐC TUẤN