Thủy sản

Ngư dân Núi Thành trúng vụ cá chính

VIỆT QUANG 14/05/2024 08:00

Được mùa, được giá, ngư dân huyện Núi Thành phấn khởi với vụ cá chính (từ ngày 1/4 đến 30/9).

hai-san-nui-thanh.jpg
Ngư dân huyện Núi Thành cập bờ bán hải sản sau chuyến biển dài ngày. Ảnh: Q.VIỆT

Liên tiếp các tàu câu mực khơi trúng lớn của ngư dân huyện Núi Thành cập cảng cá Tam Quang bán hải sản sau chuyến biển dài ngày. Có rất nhiều tàu câu mực khơi đạt sản lượng 45-54 tấn mực khô/chuyến biển.

Ngư dân Lương Tới (xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90668 cho biết, chuyến biển thu được 54 tấn mực khô, đạt kỷ lục cao nhất về sản lượng từ trước đến nay. Mỗi ký mực khô bán ra với giá 150 nghìn đồng, ông Tới thu hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, ông chia cho mỗi bạn biển hơn 50 triệu đồng, đây cũng là số tiền kỷ lục bạn biển được chia sau một chuyến biển. “Thành quả lớn thu được giúp anh em rất phấn khởi. Chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày rồi lại ra khơi bám biển” - ông Tới nói.

Nghề lưới chụp khai thác mực của ngư dân Núi Thành cũng trúng lớn. Tàu lưới chụp QNa-91679 của ngư dân Phan Văn Thành đạt 14 tấn mực khô sau chuyến biển 20 ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Tàu lưới chụp QNa-90316 của ngư dân Phạm Thanh Liêm thu được 15 tấn mực khô sau chuyến biển hơn 15 ngày.

Tàu lưới chụp QNa-91769 của ngư dân Trần Tấn Sinh đạt 8 tấn mực khô sau chuyển biển 15 ngày. Ngư dân Phan Văn Thành cho biết, thời điểm này các loại mực hoạt động rất mạnh trên biển. Qua máy dò hải sản, phát hiện nhanh đàn mực hoạt động nên đạt sản lượng và giảm chi phí đi lại. Ông Thành nói, sẽ lại ra khơi ngay để đánh bắt hải sản.

“Hiện nay mực khô có giá cao nên chúng tôi phơi mực sau khai thác. Khi nào thấy bán mực tươi thu lợi nhuận lớn hơn, chúng tôi sẽ bảo quản mực trong hầm lạnh để bán được giá” - ông Thành nói.

Câu mực khơi và lưới chụp, ngư dân Núi Thành còn một nghề chủ lực khác là lưới vây. Với nghề này, ngư dân đầu tư đồng bộ các máy móc, thiết bị hàng hải hiện đại như máy dò cá ngang, hầm bảo quản P.U, thiết bị liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn, máy định dạng… nên cũng thu được gái trị kinh tế lớn sau mỗi chuyến biển dài ngày.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, toàn huyện có hơn 300 tàu cá công suất lớn đăng ký hoạt động trên các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

UBND huyện Núi Thành chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện, các xã có nghề cá hỗ trợ ngư dân thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ để được hỗ trợ chi phí nhiên liệu bám biển của Nhà nước với mức tối đa mỗi năm 400 triệu đồng/4 chuyến biển.

Núi Thành đã vận động chủ các tàu cá có chiểu dài từ 15m trở lên đầu tư, vận hành máy giám sát hành trình và cam kết không vượt qua vùng biển nước bạn khai thác hải sản.

“Ngư dân trên địa bàn tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định để góp sức cùng tỉnh, cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Hướng phát triển nghề cá của huyện là bền vững, làm giàu từ biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông An nói.

VIỆT QUANG