Cảnh báo tội phạm mua bán người
Chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” tiếp tục được các đối tượng triệt để lợi dụng, đưa người ra ngoài biên giới làm việc nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Công an tiếp tục đưa ra nhiều cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Nạn nhân trở về trình báo
Mới đây, thêm một nạn nhân bị bán ra nước ngoài may mắn được “chuộc” về tại thị xã Điện Bàn đã đến cơ quan công an trình báo về hành trình bị lừa bán sang Campuchia của mình.
Tại cơ quan công an, anh Thảo (tên nạn nhân đã được thay đổi) quen biết một người bạn qua mạng xã hội vào cuối tháng 3/2024. Biết anh Thảo đang thất nghiệp, người bạn này nói sẽ giới thiệu công việc vận chuyển hàng hóa ở cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Vì đang không có việc làm, anh Thảo đồng ý và đến ngày 29/3 đã đón xe từ Đà Nẵng vào TP.Hồ Chí Minh. Khi đến được TP.Hồ Chí Minh, có một người xưng là người của “công ty” đến liên hệ và đón anh Thảo lên Cửa khẩu Mộc Bài vào làm việc ngay.
Anh Thảo được đưa lên ô tô chở đến một đoạn đường vắng, không có nhà dân. Có hai người khác chờ sẵn, dùng súng đe dọa ép anh Thảo lên xe máy, sau đó chở theo đường tiểu ngạch qua Campuchia.
Tại Campuchia, anh Thảo được đưa đến nơi tập kết, gồm nhiều nạn nhân bị nhóm người Campuchia thay nhau canh giữ. Các đối tượng này bắt anh học vi tính, nếu chống cự sẽ bị đánh đập, chích điện. Nhóm này yêu cầu các nạn nhân muốn về Việt Nam thì phải nộp 100 triệu đồng tiền chuộc.
Anh Thảo được các đối tượng cho gọi bằng ứng dụng Zalo về nhà để liên hệ nộp tiền chuộc. Sau 6 ngày ở đất Campuchia, do không rành sử dụng máy vi tính và không có tiền, anh Thảo bị bán vào một công ty khác với giá 1.800 USD.
Tại đây, các đối tượng giam lỏng, bắt anh Thảo làm việc lừa đảo qua mạng, liên lạc và lừa các nạn nhân ở Việt Nam. Ở lại công ty này 4 ngày, anh Thảo nhờ được người quen chuộc về với số tiền gần 60 triệu đồng. Đến ngày 8/4, anh Thảo may mắn về đến Việt Nam.
Công an thị xã Điện Bàn cho hay, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận rất nhiều trình báo với nội dung tương tự. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, với các thủ đoạn dụ dỗ giới thiệu việc làm thu nhập cao tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Diễn biến phức tạp
Bộ Công an thông tin, trong quý I năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cưỡng bức lao động, lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp không chỉ ở Đông Nam Á mà còn lan rộng sang châu Âu.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số vụ án thụ lý điều tra liên quan tội phạm mua bán người trong quý I là 84 vụ với 223 đối tượng. Trong số này, có 39 vụ với 99 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi. Cơ quan chức năng cũng xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án (114 nam, 64 nữ).
Theo cơ quan công an, trong nhiều vụ việc, các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân xuất cảnh với lời hứa “việc nhẹ lương cao” hoặc bán thận...
Sau đó, chúng hướng dẫn nạn nhân đến các cửa khẩu, tìm cách xuất cảnh bất hợp pháp. Tại nước ngoài, các nạn nhân bị bắt làm những công việc như tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc trong các sòng bạc do người nước ngoài làm chủ; nếu muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn.
Công an Quảng Nam cùng công an các đơn vị, địa phương đã đưa ra nhiều khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, đề phòng những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” qua mạng xã hội, tránh sập bẫy của tội phạm mua bán người.
Người dân có nhu cầu tìm việc làm có thể thông qua các hội chợ việc làm, kênh giới thiệu việc làm do hội, đoàn thể, chính quyền tổ chức. Đồng thời lan tỏa thông tin, chia sẻ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho người thân, cộng đồng cùng phòng ngừa, cảnh giác.