Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Trần Toại: Từng bước gỡ khó thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Nguồn lực đầu tư lớn nhưng bố trí không phù hợp thực tế của địa phương là khó khăn huyện Bắc Trà My gặp phải khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện Bắc Trà My đạt kết quả như thế nào trong những tháng đầu năm 2024?
* Ông Trần Toại: Việc thực hiện các chương trình MTQG được cả hệ thống chính trị vào cuộc, Huyện ủy phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực UBND huyện đứng điểm chỉ đạo thực hiện.
Đầu tiên là công tác tuyên truyền được thực hiện rộng khắp trong nhân dân bằng nhiều cách đa dạng, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các chương trình MTQG, người dân trên địa bàn huyện đã có nhận thức tốt hơn và cùng vào cuộc với chính quyền trong thực hiện các chủ trương chính sách.
Với mỗi chương trình gồm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đều mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân.
Từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chương trình.
Các dự án, tiểu dự án khi triển khai đều có vai trò của người dân là chủ thể hưởng lợi của dự án, tiểu dự án. Trong thực tế thì có dự án phù hợp, nhưng cũng có dự án không có người thụ hưởng nên không triển khai được.
* Như vậy thì việc triển khai các chương trình MTQG sẽ có mặt được và chưa được, ông có thể nói rõ hơn điều này?
* Ông Trần Toại: Như chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững gặp khó trong giải ngân khi không có đối tượng, ít đối tượng. Vì thế dự kiến kinh phí không giải ngân hết và đề nghị điều chuyển sang nội dung thuộc Dự án khác trong năm 2024.
Nguyên nhân là trên địa bàn huyện không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng nguồn kinh phí cũng đã bố trí để thực hiện các hoạt động như các địa phương có cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trùng đối tượng với chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, lao động có thu nhập thấp hiện nay chưa xác định được đối tượng do chưa có hướng dẫn thực hiện của cấp trên để xác định đối tượng đào tạo…
Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nội dung đào tạo nghề không có đối tượng vì trùng với chương trình giảm nghèo.
Nội dung đào tạo dự bị đại học, sau đại học không thuộc thẩm quyền của cấp huyện, nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc chưa hướng dẫn thực hiện, nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc không còn đối tượng... Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến độ cũng đang chậm so với kế hoạch.
Việc cùng lúc thực hiện đồng thời nhiều chương trình MTQG, nguồn lực dồn cùng lúc quá lớn cũng gây áp lực không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ thực hiện.
Thêm cái khó nữa của việc thực hiện các công trình là thủ tục đấu thầu, lựa chọn đơn vị theo quy định cần thời gian 1-2 tháng mới chốt được nhà thầu thi công. Nhà thầu lại không ở địa phương, nên việc nắm được năng lực thực tế của họ ra sao cũng là rào cản không nhỏ.
* Vậy huyện đã có những giải pháp, kiến nghị thế nào để đảm bảo các chương trình MTQG được triển khai đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông?
* Ông Trần Toại: Với sự tháo gỡ từ Trung ương về điều chuyển nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác, huyện sẽ kiến nghị được phép chuyển sang những dự án cần nguồn vốn và có đối tượng thụ hưởng.
Các dự án đang cần nguồn vốn như giải quyết tình trạng thiếu nhà ở khoảng 220 hộ, nước sinh hoạt phân tán riêng lẻ khoảng 300 hộ, nước sinh hoạt phân tán nhóm hộ khoảng hơn 400 hộ, chuyển đổi nghề gần 190 hộ.
Nhu cầu duy tu bão dưỡng các công trình cần nguồn vốn để thực hiện. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần nhân rộng nhiều mô hình.
Huyện cũng cần nguồn kinh phí để đầu tư đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện kiến nghị tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh vốn từng nội dung của tiểu dự án, dự án này sang nội dung của tiểu dự án, dự án khác (nguồn vốn đầu tư sang vốn đầu tư, nguồn vốn sự nghiệp sang vốn sự nghiệp) trong từng chương trình.
Về phía huyện, sẽ liên tục giao ban nắm tình hình ở cơ sở, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hiện các công trình dự án chuyển tiếp năm 2022, 2023, giải ngân các nguồn vốn đã phân bổ (bao gồm cả vốn chuyển nguồn và phân bổ trong năm 2024).
Sau khi nhận thấy khó khăn, huyện đã trình HĐND huyện thông qua danh mục đầu tư các công trình của năm 2024 và cả 2025 để tiến hành các thủ tục cần thiết.
* Xin cảm ơn ông!