Độc đáo chợ làng biển ngang
(VHQN) - Nhộn nhịp từ sáng sớm và tan khi mặt trời lên, chợ vùng biển ngang là nét văn hóa đặc sắc của làng chài xứ Quảng.
Hơn 5 giờ sáng bà Đỗ Thị Huệ (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đã dọn ra mấy rổ mực ống và những con cá ngừ tươi xanh. Ở rổ nhựa cạnh bên những con cá hố, cá liệt vẫn còn ánh lên màu sáng bạc. Là mặc định, gần 16 năm nay bà Huệ chỉ ngồi vị trí này. Trời sáng tỏ, vài khách quen ghé tới chọn lựa. Giá cả thỏa thuận nhanh chóng.
Khung cảnh này đã hàng chục năm như vậy, trên con đường ven sông mang tên chợ An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Đây là nơi đón những chuyến tàu cá về sớm sau một đêm đánh bắt gần bờ.
Thông thường, khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng, đàn bà xứ này đã ra bến chờ tàu về nhận hàng tôm cá. Mặt trời lên, khách vãn cũng là lúc chợ tan.
Xã Duy Hải có khoảng 15 ghe tàu thường xuyên ra biển, đa số đánh bắt gần bờ hoặc phía đông đảo Cù Lao Chàm, thường đi từ chiều hôm trước đến sáng sớm ngày sau về.
Cùng đó, hàng chục tàu cá các xã Bình Minh, Bình Dương (Thăng Bình) cũng ghé vào bán cá ở bến chợ An Lương. Nơi này trở thành điểm trung chuyển cung ứng hải sản đi khắp nơi.
Chợ ven biển còn được dân gian gọi là chợ “chồm hổm” - nơi người buôn kẻ bán đứng ngồi vội vã ngay trên bãi biển. Hải sản bày bán chủ yếu là đánh bắt gần bờ. Dọc bãi biển Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi chợ ven biển là một nét văn hóa bán buôn độc đáo.
Tại chợ cá Thống Nhất (phường Điện Dương, Điện Bàn), từ hơn 3 giờ sáng, phụ nữ đã quang gánh thau thúng hướng mắt về phía biển, chờ tàu trong màn sương mờ buổi rạng đông. Thuyền cập bến, tất cả ào về mép sóng. Cũng như chợ An Lương, những thanh âm nhộn nhịp khiến buổi sớm mai lúc nào cũng rộn ràng.
Một số chợ bãi ngang khác trở thành điểm trải nghiệm văn hóa bản địa bởi chính nét nguyên sơ ẩn trong các hoạt động bán buôn truyền thống.
Tại chợ ven biển Mân Thái (TP.Đà Nẵng), từ sáng sớm du khách đã đến tham quan, ngắm nhìn những chiếc thuyền, thúng chai ra vào bờ. Cạnh đó, họ thích thú với những hoạt động vận chuyển, bán buôn hải sản ngay tại chỗ, dưới ánh bình minh vừa hé.
Ông Lê Thu (xã Bình Dương, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa 952119 cho biết, dọc ven biển miền Trung có rất nhiều chợ “chồm hổm”. Tùy ngư trường đánh bắt, tàu có thể ghé vào bất cứ chợ nào từ Quảng Nam đến Huế, Quảng Trị. Thông thường tàu chỉ đánh bắt một ngày đêm, nhưng những khi không gặp luồng cá phải đi 3 - 4 ngày mới vào nên lượng cá rất nhiều, có khi lên đến vài tấn. Mùa này tàu ông Thu chủ yếu đánh cá ngừ và cá nục.
Chợ bãi ngang như vạch nối dài của văn hóa vùng biển, nơi chuyện bán buôn, chờ đón tàu về không chỉ là mưu sinh. Nó là nhịp sống mỗi sớm làng chài.