Văn hóa - Văn nghệ

Đã ngừng đập một trái tim âm nhạc…

ĐẶNG TRƯƠNG 14/05/2024 10:19

(QNO) - Trung tá, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tường Vy, người con của phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ vừa từ trần tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương TP.Đà Nẵng. Ra đi ở tuổi 87, NSND Tường Vy khép lại hành trình âm nhạc đầy ấn tượng của một thời mặc áo lính hát ca, biểu diễn phục vụ bộ đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, hát tại chiến trường khốc liệt… Bà được xem là giọng hát đặc biệt của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

me-tuong-vy-hat-voi-cac-con.jpg
NSND Tường Vy hát cùng các trẻ tại một trung tâm nghệ thuật tình thương.

Từ Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, hay tin NSND Tường Vy mất, ca sĩ Phạm Song Thảo, một trong những giọng hát trưởng thành từ mái ấm nghệ thuật tình thương Quảng Nam, xúc động: “Thoáng một cái đã hơn 25 năm. Những buổi diễn lớn nhỏ, những bài hát của mẹ đến giờ con vẫn nhớ, những thầy cô giáo đồng hành với tuổi thơ chúng con tại trung tâm ấy. Chúng con được lớn lên trong tình thương của tất cả mọi người và âm nhạc cũng ấm áp như vậy. Nay nghe tin mẹ mất, chúng con đầy tiếc thương và day dứt. Nguyện cầu cho mẹ được về nơi an lành! Trái tim dịu dàng, ấm áp, tâm hồn nghệ sĩ, hiến dâng cho cuộc đời của mẹ thì đến nơi đâu cũng đầy ắp niềm vui. Con xin thắp nén nhang bái vọng mẹ…”.

trao-yeu-thuong-cho-nhung-mam-xanh.jpg
Những năm cuối đời, NSND Tường Vy vẫn hoạt động âm nhạc, tham gia công tác xã hội, thiện nguyện.

Có hàng trăm những lời sẻ chia, tiếc thương tương tự như vậy từ những con chim sơn ca từng một thời được nuôi dưỡng trong bầu trời âm nhạc ở các trung tâm nghệ thuật tình thương do NSND Tường Vy sáng lập. Trong trái tim của các em, NSND Tường Vy như một bà tiên bước ra từ vườn cổ tích với những trái thị thơm, gieo vào lòng các em - những yêu thương bất tận với âm nhạc và cuộc đời. Những yêu thương mà có lần nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương - một học trò xuất sắc của NSND Tường Vy trải lòng: “Mẹ Tường Vy có vai trò rất quan trọng đối với Chương. Mẹ không chỉ là người thầy trong nghệ thuật mà còn là người mẹ trong đời thường, luôn động viên, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để tôi bước đi trên con đường nghệ thuật trong những năm tháng đầu đời…”.

Sinh ra tại Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, tròn 16 tuổi, cô bé Tường Vy lên đường nhập ngũ. Hành trang chỉ là 2 bộ quần áo, một chiếc màn và lời mẹ dặn: “Con vào chiến trường, nếu có thể thì làm y tá cứu người…”. Đúng như vậy, sau năm 1954, Tường Vy tập kết ra Bắc, làm y tá ở Bệnh viện Quân đội 108. Say sưa phục vụ chuyên môn, và khi chứng kiến những cơn đau của chiến sĩ, Tường Vy hát để xoa dịu vết thương cho các anh.

Bà nhớ, có lần một chiến sĩ cảm động quá đã cố gượng dậy cầm lấy tay bà thủ thỉ: “Giọng hát của cô là liều thuốc quý, thật đấy nhé”. Một lần khác, khi chăm sóc đại tá Võ Hồng Cương, bà đã hát cho ông nghe. Dĩ nhiên, lúc này Tường Vy không biết là mình chăm sóc vị đại tá đang giữ trọng trách trong Đoàn văn công của Tổng cục Chính trị. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy là cái duyên trời định để cô ý tá Tường Vi bén duyên với âm nhạc cho đến suốt cuộc đời… Từ đây, được tiếp xúc và học hỏi từ nhiều chuyên gia âm nhạc Liên Xô, Trung Quốc, với chất giọng nữ cao đặc trưng của mình, Tường Vy thi đỗ và vào học khóa I, Học viện Âm nhạc quốc gia. Được học kỹ thuật thanh nhạc cơ bản từ trước, vào đại học, nắm vững phương pháp thanh nhạc càng giúp cho việc xử lý các các khúc của nghệ sĩ thêm mềm mại hơn.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, NSND Tường Vy cùng Đoàn văn công quân đội đi khắp chiến trường hát phục vụ chiến sĩ. Bà nổi tiếng với nhiều bài hát cách mạng, đặc biệt để lại ấn tượng trong ca khúc “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bởi sự sáng tạo đoạn Stas-ca-tô trong việc giả tiếng chim hót trở thành cao trào kinh điển trong âm nhạc cách mạng.

Xuất thân trong một gia đình nhà giáo, có người mẹ làm vườn, nuôi tằm và làm thơ, tuổi thơ của Tường Vy trong trẻo như con sông trước nhà. Chiều chiều, tiếng chuông của nhà thờ ngân xa, tiếng hò khoan đâu đó vọng lên từ phía sông Tam Kỳ, tiếng lảnh lót của bầy chim về tổ… Tất cả thanh âm đó dường đã thổi vào trái tim nghệ sĩ một tình yêu say đắm với âm nhạc từ thuở thiếu thời.

Sau này, trên con đường nghệ thuật của mình, bà không chỉ nổi tiếng với tư cách một ca sĩ, mà còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc hay. Bài hát “Phi đội ta xuất kích” của nghệ sĩ Tường Vy trở thành môt trong những bài hát hay nhất viết về người lính. Còn ở mảng thiếu nhi “Đời cho em những nốt nhạc vui” là một bài hát được đánh giá xuất sắc trong khu vườn âm nhạc tuổi thơ.

Trung tá Tường Vy được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984, và danh hiệu NSND vào năm 1993. Khi về già, bà vẫn hoạt động âm nhạc, tham gia công tác xã hội, thiện nguyện. NSND Tường Vy từng là giám đốc của 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng, chuyên giúp đỡ và dạy dỗ những trẻ em bị khuyết tật.

Cách đây mấy năm, khi Trung tâm nghệ thuật tình thương Quảng Nam còn hoạt động, chúng tôi đã từng chứng kiến những khoảnh khắc và niềm vui vỡ òa trên gương mặt những “hạt mầm” nghệ thuật của xứ Quảng khi được đón mẹ Tường Vy vào thăm. Bởi khác với những ngày thường, giờ luyện thanh các em hôm ấy, ngoài cô giáo Bảo Vy - người gắn bó với việc dạy nhạc của trung tâm suốt nhiều năm, các em còn được tập, hát cùng mẹ Tường Vy.

Bài hát “Có một khu rừng như thế” ca ngợi vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả lớp và mẹ Tường Vy hát lên giữa đất trời xứ Quảng nghe rưng rưng nỗi nhớ Người đã về cõi trời. Và đặc biệt, buổi tập nhạc ấy, các em nhỏ còn được mẹ Tường Vy chia qùa - những chiếc bánh, chiếc kẹo mang vào từ Hà Nội chất chứa bao nhiêu tình cảm của một người suốt đời cống hiến cho nghệ thuật, tận tụy với những đứa con tinh thần của mình, trong đó có Trung tâm nghệ thuật tình thương Quảng Nam.

Trong số các em nhỏ năm ấy, chị em Phạm Song Thư - Phạm Song Thảo đã chọn lựa đi trên con đường âm nhạc, trở thành những giọng hát được yêu mến nhiều năm qua. Ca sĩ Phạm Song Thư chia sẻ: “Mẹ Vy! Người Thầy đầu tiên cho chúng con biết được nốt nhạc! Mẹ đã cho con thấy cây đàn organ, nghe tiết tấu, thẩm âm... Bọn trẻ nghèo chúng con lóc cóc xe đạp, đi bộ, lội đất đỏ đến lớp nhạc những năm tháng đó”.

Niềm đam mê nghệ thuật âm nhạc đã giúp cô gái Tường Vy từ quê nghèo xứ Quảng trở thành một nữ nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên vào “Từ điển quân sự Việt Nam”. Và, hôm nay niềm đam mê ấy, tấm lòng thiết tha yêu người, yêu đời ấy đã thôi đập những nhịp đời… Xin vĩnh biệt NSND Tường Vy.

ĐẶNG TRƯƠNG