Ngăn ngừa tội phạm giết người
(QNO) - Trong bối cảnh nhiều vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn Quảng Nam, đặc biệt tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Cảnh báo tội phạm
Thống kê cho thấy, riêng trên địa bàn tỉnh, từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2023 xảy ra 96 vụ giết người, làm 21 người chết, 96 người bị thương, so với cùng kỳ tăng 12 vụ (14,3%), giảm 18 người chết (46,2%), tăng 32 người bị thương (50%).
Trong đó, liên quan đến việc sử dụng chất kích thích như rượu, bia xảy ra 66 vụ (chiếm 68%); con giết cha, mẹ, cha giết con, chồng giết vợ xảy ra 16 vụ (chiếm 16,8%); các nhóm đối tượng côn đồ hung hãn, thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập sử dụng súng, dao kiếm, mã tấu… thanh toán, trả thù lẫn nhau dẫn đến chết người xảy ra 22 vụ (chiếm 22,9%); người bị bệnh tâm thần, bị loạn thần “ngáo đá” do sử dụng ma túy gây án xảy ra 6 vụ (chiếm 6,2%).
Ngoài ra, còn một số vụ giết người phát sinh do mâu thuẫn tình ái, cờ bạc, tranh chấp đất đai… Địa bàn xảy ra tội phạm chủ yếu tại khu vực nông thôn (chiếm 62,5%) và thành thị (chiếm 35,4%), đối tượng gây án chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định; công cụ gây án chủ yếu là dao, kiếm, mã tấu, tuýp sắt, gậy,…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận người dân và sự suy thoái, rạn nứt nền tảng giá trị gia đình; kết quả dồn nén, âm ỉ, kéo dài của mâu thuẫn nhưng không được phát hiện, giải quyết triệt để, khi bị kích động hoặc phát sinh thêm mâu thuẫn mới đã bùng nổ dẫn đến những vụ án thương tâm.
Hiện nay, các thông tin tiêu cực, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy, đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp bị “loạn thần, ngáo đá” còn khó khăn, bất cập, hạn chế.
Triển khai nhiều giải pháp
Để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội (cấp huyện, cấp xã); kịp thời phát hiện, tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, địa bàn phát sinh nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Công an các cấp tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh triệt xóa, không để hình thành các băng, nhóm hoạt động phạm tội như: bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, đánh bạc. Đồng thời, chủ động phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
Tổ chức tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự tăng cường quản lý nhân hộ khẩu, quản lý chặt đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới gắn với các phong trào, cuộc vận động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm.
Các lực lượng quân sự, biên phòng, cảnh sát biển được đề nghị triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng theo thẩm quyền.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành căn cứ chức năng, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa ở cơ sở, chăm sóc điều trị hiệu quả người tâm thần, người nghiện.
Viện KSND tỉnh và TAND tỉnh được chỉ đạo phối hợp nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây hoang mang trong dư luận xã hội, kiên quyết không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm, bỏ lọt tội phạm. Lựa chọn các vụ án điểm để tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhằm phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng và răn đe tội phạm.