Nông nghiệp

Phát triển kinh tế vườn ở Đông Giang

TRẦN CÔNG TÚ 15/05/2024 09:40

Thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh, kinh tế vườn ở huyện Đông Giang được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh về quy mô, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân.

1.jpg
Vườn của hộ ông Hoàng Đức Thảo (xã Ba) trồng hàng nghìn cây chè dây, xen canh hàng trăm cây ăn quả. Ảnh: C.T

Nhiều mô hình hiệu quả

Nhờ phát triển kinh tế vườn, đời sống nhiều hộ dân xã Tà Lu được cải thiện, vươn lên thoát nghèo. Điển hình, tại thôn Panai có hộ ông Triệu Văn Quân hay hộ bà Bhnướch Thị Crứt.

Trong vườn đồi của mình, vợ chồng bà Crứt trồng chuối mốc, chuối tiêu xen canh lá dong, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò, trồng 15ha keo ven sườn đồi. Bà Crứt cho biết, với mô hình này, mỗi năm gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đến thăm vườn của hộ ông Hoàng Đức Thảo (thôn Quyết Thắng, xã Ba), chúng tôi nhìn thấy nhiều hàng chè dây được trồng theo lối, hệ thống tưới tự động khá bài bản.

Ông Thảo cho biết, huyện Đông Giang khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu chè dây tại nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như xã Tư, vì vậy gia đình trồng hàng nghìn cây con cách đây hơn 3 năm.

Sau hơn 7 tháng chăm sóc, loại cây chè đặc sản vùng cao đã mang lại kinh tế. Nhờ chăm sóc tốt, ông thu hoạch khoảng 500kg chè khô/năm, giá bán sỉ 90 nghìn đồng/kg. Quanh vườn rộng 1.200m2, ông Thảo còn trồng xen hàng trăm cây ăn quả như lòn bon Thái, vú sữa...

3.1.jpg
Kết hợp trồng cây ăn quả với chăn nuôi trong vườn, nhiều hộ dân ở thị trấn Prao đã có của ăn của để. Ảnh: C.T

Theo UBND xã Ba, địa phương có hơn 200 hộ đã chuyển đổi diện tích đất bỏ hoang, cải tạo vườn tạp; 26 hộ đã được UBND huyện phê duyệt hồ sơ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh.

Sau khi trừ chi phí, giá trị thu nhập mang lại từ 50 - 100 triệu đồng/năm có 17 vườn; hơn 100 - 200 triệu đồng/năm có 5 vườn; hơn 200 - 300 triệu đồng/năm có 2 vườn…

Hội Nông dân huyện Đông Giang cho biết, địa bàn huyện có nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn, hoặc kết hợp với loại hình kinh tế khác đã chứng minh hướng đi đúng đắn.

Đơn cử, hộ ông A Lăng Bi (thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây) với mô hình trồng chuối cấy mô, chăn nuôi heo, dịch vụ và trồng rừng; hộ Cơ Lâu Thị Kích (thôn A Rớch, xã A Ting) trồng cây, buôn bán và dịch vụ vận tải; hộ ông Cao Mẫn Khiêng (thôn Đông Sơn, xã Ba) đào ao nuôi cá thương phẩm, xây bể nuôi cá cảnh xuất bán, trồng cây cau, các loại cây ăn quả, chăn nuôi bò…

Kỳ vọng đột phá

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương chia sẻ, phát triển kinh tế vườn không chỉ giải bài toán về thiếu đất sản xuất mà còn nâng cao nhận thức, cách thức canh tác dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm hàng hóa để cải thiện thu nhập cho người dân. Nhưng nhìn từ thực tế, tiềm năng thế mạnh này của huyện chưa được khai phá thật sự hiệu quả, vườn tạp còn nhiều, canh tác bấp bênh...

Vì vậy, Nghị quyết số 35 ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025 ra đời là cần thiết, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, kinh tế vườn nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.

2.jpg
Cây xoài mới trồng xen canh chừng 1 năm của hộ ông Hoàng Đức Thảo đã cho quả. Ảnh: C.T

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, năm 2023 huyện đã thẩm định phê duyệt 109 hồ sơ đề nghị phát triển kinh tế vườn của các xã, thị trấn.

Qua đó tổ chức nghiệm thu 40 vườn và giải ngân kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2024, Đông Giang đặt mục tiêu thực hiện thêm 100 vườn.

Muốn vậy, địa phương cần phải có giải pháp để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc khi đây là chương trình hỗ trợ sau đầu tư, quy trình qua nhiều bước. Đây còn là những dự án đầu tiên triển khai trên địa bàn mà người dân phải trực tiếp làm phương án trình thẩm định, tự đầu tư.

Xây dựng phương án sản xuất, bản vẽ, tính toán dự toán các hạng mục đầu tư, kể cả tìm kiếm các đơn vị tư vấn, đơn vị cung ứng có năng lực, có pháp nhân với người dân không hề đơn giản. Chính vì vậy, việc hỗ trợ trực tiếp của cán bộ xã, cán bộ chuyên môn của huyện là rất quan trọng.

Để đạt kế hoạch đề ra của năm 2024 và tạo tiền đề cho năm tiếp theo, huyện chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang phát triển kinh tế vườn, các cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35.

Kiện toàn hội đồng thẩm định, hội đồng nghiệm thu và tổ giúp việc. Hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn cho chủ vườn bằng việc tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật đứng điểm phối hợp với UBND cấp xã hướng dẫn các hộ lập hồ sơ đăng ký; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn về thiết kế, bố trí các hạng mục trong vườn; lựa chọn cây trồng, con vật nuôi phù hợp với từng vùng.

Hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăm sóc, phòng trừ dịch hại; chú trọng khâu chế biến, chế biến sâu nông sản, tạo ra các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở địa phương để tham gia chương trình OCOP. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất để tập trung đầu tư hỗ trợ cho các hộ này.

TRẦN CÔNG TÚ