Văn hóa

Tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước

Q.TUẤN 15/05/2024 09:33

(QNO) - Tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL vừa phối hợp Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

hien-vat-gom-khai-quat-tu-tau-dam-clc-2.jpeg
Hiện vật khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm trưng bày tại Bảo tàng Hội An. Ảnh: Q.T

Theo Bộ VH-TT&DL, để thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam tham gia, hiện toàn quốc có hơn 40 nghìn di tích được kiểm kê, 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích quốc gia, trên 11 nghìn di tích cấp tỉnh.

Trong đó, có nhiều di tích, di chỉ khảo cổ liên quan đến di sản văn hóa dưới nước đã được xếp hạng các cấp như Phố cổ Hội An, Thương cảng Vân Đồn, Bãi cọc Bạch Đằng, Bãi cọc Cao Qùy, các di tích di chỉ khảo cổ tại Cù Lao Chàm... cùng nhiều con tàu cổ đã được phát hiện và khai quật như tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang)...

Hội thảo tham vấn về triển vọng gia nhập Công ước UNESCO 2001 là hành động thiết thực để cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021 - 2025.

Hội thảo là không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa dưới nước và lộ trình để Việt Nam gia nhập Công ước UNESCO 2001.

bao-tang-gom-su-mau-dich-hoi-an.jpeg
Tại Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch Hội An hiện trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật, di chỉ khảo cổ liên quan đến di sản văn hóa dưới nước. Ảnh: Q.T

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), xác định được tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, thời gian qua, cục đã tham mưu Bộ VH-TT&DL ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành một số văn bản pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, thường xuyên được áp dụng trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước như Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị định số 86/2005 ngày 8/7/2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước... Bên cạnh đó, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong nước liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Từ những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản dưới nước được Nhà nước ban hành, nhiều địa phương đã tiến hành nghiên cứu, khai quật nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản này, trong đó nổi bật là Hội An với nhiều kết quả giá trị thu được liên tục từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay.

Tham dự hội thảo, theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, việc sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước được Hội An quan tâm thực hiện trong suốt những năm qua. Nhiều sưu tập hiện vật đã được trưng bày, phát huy giá trị tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An như Bảo tàng lịch sử - văn hóa Hội An, Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch.

Năm 2022, trung tâm cũng đã thiết lập phòng trưng bày chuyên đề với chủ đề "Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm" giới thiệu giá trị đặc trưng của gốm Chu Đậu đến với công chúng, qua đó tạo thêm điểm nhấn, sức hấp dẫn của bảo tàng đối với du khách.

Q.TUẤN