Vì sao Bộ Tài chính "đòi nợ" Quảng Nam?
(QNO) - Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Quảng Nam nộp 555.680,69 USD phí cam kết và lãi phạt chậm của Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An. Quảng Nam đề nghị không ghi nợ phí cam kết và không tính lãi phạt chậm, liệu có được chấp nhận?
Dự án dừng kỹ thuật, vẫn nhận "trát đòi nợ"
Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD, tương đương hơn 1.859 tỷ đồng. Trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 70 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD và 15,5 triệu USD vốn đối ứng. Dự án thực hiện từ 2015 - 2022 theo Quyết định số 665 ngày 26/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch hoàn thành dự án vào 31/12/2022 đã không thể thực hiện được. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gia hạn dự án kết thúc vào 31/12/2023. HĐND tỉnh đã đồng ý bỏ ra 56 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho chủ đầu tư trả các chi phí phát sinh trong thời gian gia hạn khoản vay ADB của dự án 88,5 triệu USD này. Tuy nhiên, dự án vẫn không thể hoàn thành đúng tiến độ như cam kết.
Theo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam), tất cả gói thầu của dự án, bao gồm 3/3 gói thầu tư vấn có sử dụng vốn ADB, 8/8 gói thầu xây lắp thuộc 5 dự án thành phần và 1 gói thầu HA/C1 (hệ thống cảnh báo lũ tại sông Vu Gia - Thu Bồn) đã được trao hợp đồng. Các dự án thành phần: HA/W1 (xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi, Pháp Bảo); HA/W2 (đường dẫn cầu Cửa Đại nam Hội An); HA/W5 (xây dựng đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại và HA/C1 (hệ thống cảnh báo lũ tại sông Vu Gia - Thu Bồn) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, có 2 gói thầu không thể hoàn thành đúng thời gian thực hiện dự án. Cụ thể, gói thầu HA/W3-2 nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án thành phần HA/W3 và gói thầu HA/W4 nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608 chỉ hoàn thành đoạn từ cầu chui quốc lộ 1 đến cống Lai Nghi và đoạn ĐT609. Số còn lại gồm đoạn từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi và ĐH14.ĐB, đoạn tuyến kè từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi vẫn chưa có mặt bằng, không thể triển khai thi công. Bất khả kháng, chủ đầu tư buộc lòng phải đề nghị UBND tỉnh cho phép không thực hiện gói thầu HA/W3-2 nạo vét sông Cổ Cò, dừng kỹ thuật các đoạn tuyến ĐH14.ĐB, ĐT608 (từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi) thuộc gói thầu HA/W4 nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608, dừng kỹ thuật đoạn kè từ cống Lai Nghi đến ngã ba Lai Nghi thuộc gói thầu HA/W1 (xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và Pháp Bảo).
Việc dừng kỹ thuật dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận. Các hạng mục dang dở sẽ tiếp tục đầu tư khi ngân sách đủ lực. Nhưng, bất ngờ, Quảng Nam lại nhận "trát đòi nợ". Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Quốc Tuấn cho biết Sở Tài chính đã nhận được Công văn số 11896 ngày 1/11/2023 của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) kèm phụ lục nêu Quảng Nam chưa nộp phí cam kết từ ngày 1/11/2017 đến 31/12/2022 là 527.743,92 USD và lãi phạt chậm phát sinh do chưa nộp phí cam kết từ 1/11/2017 đến 31/12/2022 là 27.936,77 USD.
Đề nghị có được chấp nhận?
Theo Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (Quyết định số 1356 ngày 17/4/2015 của UBND tỉnh) cũng đã cơ cấu lãi, phí cam kết vào chi phí tài chính của dự án, trong đó phí cam kết 0,34 triệu USD trong tổng vốn vay 70 triệu USD để thực hiện trả phí cam kết của dự án. Vào các ngày 1 tháng 5 và 1 tháng 11 hằng năm, từ năm 2017 đến 31/12/2022, ADB đã trừ phí cam kết, lãi vay và ghi nợ cho khoản vay
Hơn 5 tháng sau ngày nhận "trát đòi nợ", Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, nêu rõ: Theo Hiệp định vay 3340-VIE ký ngày 25/3/2017 giữa Chính phủ Việt Nam và ADB thì lãi vay và phí cam kết được gốc hóa trong trong suốt thời gian thực hiện của dự án (bao gồm tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam). Khoản vay có tổng vốn 100 triệu USD (trong đó tỉnh Quảng Nam là 70 triệu USD, tỉnh Quảng Bình 30 triệu USD). Trong 100 triệu USD khoản vay có phân bổ 6,49 triệu USD (cả tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình) để trả tiền lãi và phí cam kết (gốc hóa) trong suốt thời gian thực hiện của dự án. ADB có quyền rút tiền từ tài khoản khoản vay để tự thanh toán, thay mặt cho bên vay số tiền cần thiết để thanh toán các khoản đến hạn đối với tiền lãi và phí cam kết.
Theo yêu cầu của ADB, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Quảng Nam đã tạm tách phí cam kết, lãi vay phần của tỉnh Quảng Nam và ghi nhận vào báo cáo tài chính hằng năm của dự án. Tuy nhiên, trong Thỏa thuận cho vay lại số 32 ngày 30/3/2018 giữa Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam, lãi vay được gốc hóa, nhưng phí cam kết không được gốc hóa trong thời gian thực hiện dự án. Sự việc Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào Thỏa thuận vay lại, không đề cập đến Hiệp định vay 3340VIE và có sự khác nhau giữa hiệp định vay và thỏa thuận cho vay lại về trả phí cam kết của dự án và lãi phạt chậm trả phí cho thấy sự "bất hợp lý" về việc "đòi nợ" này.
Ngày 10/5/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã có công văn gửi Bộ Tài chính (số 3310), theo đó UBND tỉnh thống nhất nộp phí cam kết trong thời gian thực hiện dự án. Bộ Tài chính không ghi nợ cho Quảng Nam. Riêng về khoản lãi phạt phát sinh do chưa nộp phí cam kết từ ngày 1/11/2017 đến 31/12/2022 cần phải tính toán cụ thể. Theo Bộ Tài chính tính toán, số tiền lãi phạt chậm là 27.936,77 USD. Theo rà soát hồ sơ của Quảng Nam thì kỳ ngày 1/11/2017, Thỏa thuận cho vay lại chưa được ký, chỉ ký ngày 30/3/2018, nên không đủ cơ sở để Quảng Nam nộp phí cam kết kỳ 1/11/2017. Quảng Nam yêu cầu Bộ Tài chính chỉ tính số tiền lãi phạt chậm trả chưa nộp khoản phí cam kết từ 1/5/2018 đến 1/5/2022 với số tiền 21.427,39 USD.
Tuy nhiên, ngay số tiền lãi phạt chậm phát sinh này, Quảng Nam cũng yêu cầu Bộ Tài chính không tính. Lý do Quảng Nam đưa ra là đã có sự khác nhau giữa Hiệp định vay và Thỏa thuận vay lại số 32 ngày 30/3/2018 về việc trả phí cam kết của dự án. Theo Hiệp định vay 3340-VIE thì phí cam kết được gốc hóa, nhưng Thỏa thuận cho vay lại giữa Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam thì phí cam kết không được gốc hóa. Đây là khoản vay mà tỉnh vay lại 100%, thực tế phí cam kết đã được gốc hóa và được ghi nhận vào báo cáo tài chính hằng năm nên không phát sinh khoản phạt chậm trả đối với ADB. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa được Quảng Nam viện dẫn rõ: Bộ Tài chính là cơ quan cho vay lại. Nhưng từ khi ký Thỏa thuận cho vay lại (30/3/2018) đến 31/12/2022, Bộ Tài chính không có văn bản nào gửi các ban, ngành, đơn vị liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Nam phải nộp phí cam kết của dự án ADB. Không nói gì hay đưa văn bản liên quan về lãi phạt chậm phát sinh do việc chậm nộp phí cam kết trong thời gian thực hiện dự án. Cho đến khi làm thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, Bộ Tài chính mới có công văn "đòi nợ".
Kiến nghị đã gửi đi, nhưng "món nợ" này của Quảng Nam có được xử lý hay không, vẫn phải chờ!