Đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN
(QNO) - Ngày 14/5 vừa qua, Phó Tổng Thư ký ASEAN cùng Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN và đại diện thường trú của UNDP tại Indonesia khởi động dự án đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN.
Dự án đổi mới nền kinh tế xanh của Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trụ sở tại Jakarta (Indonesia) nhằm mời gọi các doanh nhân, nhà đổi mới từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste giải quyết các thách thức, thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực xanh gồm đại dương và các hệ sinh thái nước ngọt.
Dự án bao gồm 3 hoạt động chính: Thử thách đổi mới xanh ASEAN, chương trình ươm tạo xanh và kết nối doanh nghiệp xanh. Thông qua các sáng kiến, 60 nhà đổi mới thành công sẽ nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 40 nghìn USD/người.
Các nhà đổi mới cũng hưởng lợi từ chương trình cố vấn trong giai đoạn ươm tạo để cải tiến và thương mại hóa các giải pháp trong thời gian 6 tháng.
Hơn nữa, trong hoạt động kết nối kinh doanh, các đội chiến thắng sẽ có cơ hội trình bày các giải pháp sáng tạo tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà tài trợ và nhà đầu tư, từ đó có cơ hội tiếp cận các khoản đầu tư xanh trong khu vực.
Tổng Thư ký ASEAN - Tiến sĩ Kao Kim Hourn phát biểu khai mạc lễ khởi động dự án qua đoạn video, đề cập dự án đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN diễn ra vào thời điểm thích hợp khi khu vực đang chuẩn bị triển khai Khung kinh tế xanh ASEAN.
Dự án không chỉ tìm cách cải thiện sản lượng kinh tế của các ngành hàng hải mà còn tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển chống lại biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Ông Kao Kim Hourn cho biết dự án là minh chứng cho cam kết của ASEAN trong việc khai thác nền kinh tế xanh cho phát triển khu vực, bền vững môi trường và hòa nhập kinh tế xã hội.
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN Satvinder Singh nói: "Kể từ khi thông qua Khung kinh tế xanh ASEAN vào tháng 9/2023, chúng tôi tiếp tục thực hiện một bước tiến nữa trong nỗ lực chung nhằm tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên nước ngọt và đại dương cho tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng của người dân ASEAN".
UNDP cho biết, ASEAN đứng đầu về tiềm năng hàng hải của thế giới, tự hào có nguồn tài nguyên biển đa dạng với giá trị thị trường ước tính lên tới 2.500 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ASEAN cũng đối mặt với các thách thức như đánh bắt quá mức, suy thoái môi trường sống và ô nhiễm biển gây ra mối đe dọa đáng kể đối với hệ sinh thái biển và nước ngọt trong khu vực. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nỗ lực hợp tác để giải quyết các thách thức.
Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko khẳng định, Nhật Bản tiếp tục khuyến khích sự thành công của ASEAN trong nền kinh tế xanh và đổi mới, hy vọng dự án sẽ là chất xúc tác cho sự hợp tác và đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực phát triển xanh.
Đại diện thường trú của UNDP Indonesia - ông Norimasa Shimomura tuyên bố, sự hợp tác và đổi mới là chìa khóa để giải quyết thách thức trong việc khai thác và quản lý bền vững các hệ sinh thái biển và nước ngọt. UNDP hy vọng dự án đổi mới nền kinh tế xanh sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste để mở rộng tiềm năng của kinh tế xanh.
Dự án nhận đơn đăng ký cho đến hết ngày 31/5/2024 theo giờ Jakarta, mang đến cho các doanh nhân, nhà đổi mới ở ASEAN và Timor-Leste cơ hội tiếp cận tài chính, hỗ trợ ươm tạo từ dự án trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, thủy sản bền vững và du lịch bền vững.