Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch số 417 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
Việc thực hiện kế hoạch nhằm tạo tiền đề để đến năm 2030 Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Qua đó, xây dựng Quảng Nam là tỉnh có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silicca mang tầm quốc gia.
Thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện theo kế hoạch; đảm bảo tính thống nhất, khả thi cao; nhất là đối với các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, có tác động lan tỏa trong các quy hoạch được duyệt.
Tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đảm bảo từng bước hiện thực hóa hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là các dự án phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian phát triển, tạo dư địa, động lực đưa Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.
Toàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm những tồn đọng về nợ xây dựng cơ bản, thanh toán các khoản ứng trước ngân sách nhà nước.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hoàn thành dự án trọng điểm trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2020 - 2025, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các địa phương, đơn vị đa dạng hóa nguồn lực và hình thức đầu tư; trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng.
Một giải pháp quan trọng là cần đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ; trọng tâm ưu tiên các hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, sân bay, cảng biển; hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng đô thị, nông thôn và miền núi; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Trong đó tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để đề xuất bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025 để làm tiền đề cho giai đoạn trung hạn 2026 - 2030.
Thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...