Khởi nghiệp - OCOP

Phát triển bền vững ngành dược liệu và mỹ phẩm

TÂM ĐAN - AN NHIÊN 17/05/2024 08:28

Các tham luận, ý kiến chuyên sâu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Dược liệu và mỹ phẩm Việt Nam lần thứ 2 - Quảng Nam 2024”, diễn ra hôm qua 16/5, đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành dược liệu và mỹ phẩm của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

dsc_0877.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: ĐAN NHIÊN

Diễn đàn do Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Đây là một trong những sự kiện chính hưởng ứng TechFest Quang Nam 2024.

Dự diễn đàn có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện Ban, bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán, cơ quan quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tiềm năng dược liệu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam có địa hình và khí hậu đa dạng, sở hữu một hệ sinh thái phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật quý hiếm và có giá trị dược liệu cao.

Đặc biệt, Quảng Nam có núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, có quốc bảo của Việt Nam - sâm Ngọc Linh, là nơi cung cấp nguồn dược liệu phong phú với hàng trăm loài thảo mộc và cây cỏ dùng trong y học cổ truyền. Đây là nguồn nguyên liệu quý giá cho việc sản xuất các sản phẩm dược liệu và mỹ phẩm tự nhiên.

Ông Nguyễn Trường An - Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Lai Châu chia sẻ, từ năm 2013 đến nay, Lai Châu đã có 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ về sâm Lai Châu được triển khai. Đến nay, sâm Lai Châu đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, nhãn hiệu chứng nhận, có 5 cơ sở được cấp mã số cơ sở trồng...

Tỉnh cũng đã thành lập Hiệp hội sâm Lai Châu, đến nay có 9 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 217 hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển sâm Lai Châu với diện tích phát triển khoảng hơn 60ha.

Hiện nay, Quảng Nam có hơn 40 tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.

Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, hơn 40 sản phẩm đạt 3 sao (các sản phẩm trà chiếm 40%; thực phẩm chiếm 29%; rượu chiếm 9% và các sản phẩm khác chiếm 22%). Tuy sản phẩm tương đối đa dạng nhưng mức độ chế biến sâu chưa nhiều, vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng dược liệu của tỉnh.

Ông Bửu cho rằng, mục tiêu quan trọng của Quảng Nam thời gian đến là phát triển bền vững ngành dược liệu. Do đó, qua diễn đàn Quảng Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh/thành phố trong toàn quốc và tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học… trong ngành dược liệu và mỹ phẩm.

dsc_0847.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ĐAN NHIÊN

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Chủ tịch Hội Dược liệu TP.Đà Nẵng thông tin, quy mô thị trường thuốc thảo dược toàn cầu được định giá 216,4 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng từ 233 tỷ USD vào năm 2024 lên 437 tỷ USD vào năm 2032.

Thị trường toàn cầu của thuốc có nguồn gốc thảo dược đang mở rộng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ngành công nghiệp mỹ phẩm tích cực thay thế các thành phần hóa học tổng hợp bằng các thành phần thảo dược tự nhiên.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược liệu với khoảng 5.117 loài cây thuốc khác nhau. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu các loại dược liệu như quế, hồi, bạch đậu khấu, nghệ và hương thảo, nhưng quy mô còn nhỏ và chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô.

Để phát triển ngành dược liệu, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ, mở rộng quy mô phát triển vùng trồng dược liệu và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Gợi mở nhiều ý tưởng

TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, việc kinh doanh về ngành làm đẹp, sức khỏe có từ lâu đời với những đóng góp rất lớn cho đời sống. Đây chính là cơ hội rất lớn cho những người có tinh thần khởi nghiệp lựa chọn để phát triển sự nghiệp.

z5446252852020_80a674e24a4b740f9b0396fb554138d9.jpg
Các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại diễn ra sôi nổi tại diễn đàn. Ảnh: ĐAN NHIÊN

Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Dược liệu và Mỹ phẩm Việt Nam lần thứ 2 - Quảng Nam 2024” không chỉ là ngày hội cho những người làm trong ngành làm đẹp, sức khỏe và dinh dưỡng, mà còn dịp chia sẻ kiến thức, công nghệ và kỹ thuật, mở ra cơ hội về đầu tư, xúc tiến thương mại…

Ông Jang Hyo Kwan - Chủ tịch Hiệp hội Thẩm mỹ y tế Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành dược liệu và mỹ phẩm, đặc biệt là trong ngành kinh doanh spa và làm đẹp. Bởi Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt trong khi Hàn Quốc có những công nghệ tân tiến.

Đến từ Hà Nội, ông Trần Văn Tuấn, đại diên doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Tuệ Châu cho rằng, Quảng Nam có tiềm năng lớn về dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Tỉnh cần tăng cường quảng bá sản phẩm, quan tâm đến việc “xuất khẩu dược liệu tại chỗ”; nghiên cứu mô hình xây dựng các bảo tàng dược liệu - sâm Ngọc Linh để thu hút khách du lịch và quảng bá, bán sản phẩm.

“Chúng tôi mong muốn tìm kiếm đối tác cùng nhau phát triển sâm Ngọc Linh thông qua nguồn nguyên liệu, những bài thuốc có sẵn, đồng thời kết hợp các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại” - ông Tuấn chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, để ngành công nghiệp dược liệu và mỹ phẩm tại Quảng Nam nói riêng và quốc gia nói chung ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả không chỉ cần có nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, mà còn cần có sự đổi mới trong công nghệ sản xuất và quản lý thị trường.

Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, nhằm tạo ra những sản phẩm dược liệu và mỹ phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường...

TÂM ĐAN - AN NHIÊN