TechFest Quang Nam 2024: Đổi mới truyền thông khởi nghiệp
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam lần thứ V - TechFest Quang Nam 2024, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức diễn đàn “Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí truyền thông trong công cuộc khởi nghiệp quốc gia”. Đây là dịp để các nhà báo, chủ thể khởi nghiệp nhìn nhận đúng về vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp thông qua truyền thông.
Phát huy vai trò tiên phong
Đặt vấn đề cho diễn đàn, GS-TS. Đinh Xuân Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp kể về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam trước đây.
Trong đó, trên mặt trận tư tưởng, đội ngũ nhà báo, những người làm công tác tuyên huấn luôn phát huy vai trò tiên phong, góp phần vào những chiến thắng, tạo nên những bước ngoặt của tình hình chiến trận.
Cũng với vai trò tiên phong đó, trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thử thách, một chính sách đúng đắn của Chính phủ về thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân thì báo chí, truyền thông cần phải có cái nhìn tích cực hơn, cần có tiếng nói trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh và sáng suốt.
GS-TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng, khởi nghiệp về mặt kinh tế chính là một trong những sự nghiệp vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
Việt Nam từng vang danh khắp năm châu trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc, nhưng Việt Nam chưa từng được biết đến với chiến thắng kinh tế nào.
Và chính sự nghiệp khởi nghiệp ngày hôm nay được Chính phủ khuyến khích là một đòn bẩy quan trọng để chúng ta làm nên những “chiến thắng lịch sử” tiếp theo.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, GS-TS. Đinh Xuân Dũng mong muốn các nhà báo, những người làm công tác truyền thông xem khởi nghiệp là một sự nghiệp của đất nước, không còn là phong trào khởi nghiệp chung chung như những năm qua các kênh phương tiện truyền thông đại chúng thường đưa tin.
Sứ mệnh tuyên truyền của báo chí trong giai đoạn lịch sử quan trọng hiện nay là Việt Nam đang bước từ một nước lạc hậu lên một nước phát triển, cải thiện mức thu nhập.
“Sự nghiệp này đặt lên vai những người hoạt động tư tưởng văn hóa, trong đó báo chí xuất bản là một trong những vũ khí sắc bén. Khởi nghiệp không chỉ có thuận lợi, kinh tế vĩ mô tạm thời ổn định nhưng con số doanh nghiệp đổ vỡ không kém con số doanh nghiệp mới thành lập, một sự bấp bênh trong quá trình phát triển kinh tế, đòi hỏi phải có giải pháp hoàn toàn mới, động lực mới” - GS-TS. Đinh Xuân Dũng nói.
Đồng hành
Đồng quan điểm với GS-TS. Đinh Xuân Dũng, TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, khởi nghiệp hiện nay không còn là phong trào, là tinh thần khởi nghiệp nữa, mà là công cuộc của quốc gia.
Chúng ta thường mong mỏi về một quốc gia cường thịnh, tức là giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa. Nhưng muốn quốc gia giàu thì phải có nhiều người giàu, mà trước mắt là mình phải giàu.
Những chủ thể khởi nghiệp đã và đang thực hiện đúng trách nhiệm của một công dân Việt Nam, góp phần đưa đất nước tiến lên. Bởi khi họ khởi nghiệp, tức là họ có một công việc làm, giảm tải vấn đề thiếu việc làm, thất nghiệp trong xã hội.
Họ khởi nghiệp đủ lâu sẽ trở thành doanh nghiệp, họ cần người làm, họ tuyển dụng và tiếp tục giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác. Nghĩ đơn giản đến đây thôi, các chủ thể khởi nghiệp đã có những đóng góp tuyệt vời cho xã hội, ít nhất, họ không phải là gánh nặng cho xã hội, ngay lúc khó khăn về kinh tế như hiện nay.
“Ở góc nhìn cao hơn, những chủ thể khởi nghiệp tạo ra giá trị cho xã hội, họ ít có nhu cầu, không đặt ra mục tiêu cao nhất là kiếm tiền mà sẽ cống hiến và phụng sự xã hội bằng những sản phẩm và trí tuệ. Hành trình của họ là hành trình kiến tạo những giá trị xã hội” - TS. Đinh Việt Hòa nói.
Theo TS. Đinh Việt Hòa, chính vì những điều đó, đội ngũ nhà báo cần có cái nhìn công bằng hơn với chủ thể khởi nghiệp. Với những giá trị mà họ mang lại, đội ngũ nhà báo càng phải khuyến khích, động viên, tiếp thêm động lực cho con đường gian truân của họ.
Với kinh nghiệm làm báo, đi nhiều, biết nhiều và chắt lọc thông tin đa chiều, nhà báo càng có tiếng nói sâu hơn, thuyết phục hơn khi thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu, hạn chế của chủ thể khởi nghiệp để họ điều chỉnh hành trình khởi nghiệp ít gặp rủi ro hơn.
TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh: “Đội ngũ nhà báo, truyền thông phải đồng hành với các chủ thể khởi nghiệp, có lúc đi tiên phong để khuyến khích, có lúc lại âm thầm kề bên để nhắc nhở, động viên. Tôi tin rằng, với nhiệt huyết của những người làm báo, hành trình khởi nghiệp sẽ có thêm nhiều trang viết hay, góp phần vào sự thành công chung của công cuộc khởi nghiệp”.