Học Bác để Nam Trà My vượt khó, phát triển
Từ chính công việc thường ngày và nhu cầu thiết thực của địa phương, cán bộ, nhân dân ở huyện Nam Trà My đã học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực nhất.
Hỗ trợ nhau phát triển
Với bà Nguyễn Thị Vút (xã Trà Tập), việc phát triển mô hình sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã là cả một quá trình học tập, chịu khó để vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá trên chính núi rừng quê hương. Theo lời bà Vút, trước năm 2016, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa nước, chăn nuôi nhỏ lẻ, nên gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác cứ nghèo triền miên.
Bà Vút cho hay, từ năm 2016, khi nghe tuyên truyền của Hội LHPN xã về hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương, bà đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh theo chủ trương của nhà nước.
Khi làm thì lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên sâm bị thối rễ. Sau khi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, việc trồng sâm của gia đình ngày càng ổn định và mở rộng quy mô.
“Tôi theo lời kêu gọi của xã cũng không ngừng tuyên truyền, giúp đỡ những hộ dân xung quanh thực hiện trồng sâm Ngọc Linh, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững” - bà Vút chia sẻ.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 1 cá nhân được Ban Bí thư biểu dương trong chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”; 3 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 14 cá nhân, 8 tập thể được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.
Hiện nay gia đình bà Vút có hơn 1.000 gốc sâm lớn nhỏ, trong đó cây lớn nhất đã 12 năm tuổi. Khi có nguồn thu nhập ổn định, trở thành hộ khá, bà Vút quay lại giúp đỡ những hộ nghèo khác từng bước vươn lên ổn định đời sống.
Vườn sâm Ngọc Linh của gia đình bà Vút đã được UBND xã Trà Tập chọn là đơn vị cung cấp giống cho các hộ đăng ký thoát nghèo. Bà Vút cũng trở thành người truyền đạt, chỉ bày cách trồng sâm trên đất Trà Tập cho người dân.
Với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng, việc duy trì số lượng học sinh đóng vai trò quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Theo thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường, trường nằm trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, phụ huynh học sinh phần lớn nằm trong diện lao động nghèo. Trước đây, trường có 9 điểm trường lẻ, có nơi đi về phải mất cả ngày đường, chưa kể lúc mưa gió nên học sinh bỏ học nhiều.
Xuất phát từ thực tế trên, nhà trường kiến nghị tổ chức cho học sinh được học bán trú để đảm bảo công tác dạy và học. Vì vậy, hiện nay ngoài công việc giảng dạy, giáo viên còn phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Việc quan tâm, chăm sóc học sinh bằng cái tâm và tinh thần trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Phong trào đi vào đời sống
Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Nam Trà My đã triển khai theo hướng gắn với vị trí công tác, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My cho biết: “Việc học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là người đứng đầu trở thành nhu cầu tự thân, thường xuyên.
Phong trào đi vào đời sống, thành động lực, sức mạnh để cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc học tập và làm theo được cụ thể hóa trong từng phần việc của mỗi cá nhân, tập thể, nói đi đôi với làm chứ không phải nói suông”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My đã đưa ra nhiều nội dung nổi cộm, bức xúc của địa phương để tập trung bàn bạc giải quyết và cụ thể hóa thành phong trào thi đua, nội dung học tập và làm theo gương Bác.
Có thể đó là công tác giảm nghèo bền vững ở vùng núi đặc biệt khó khăn với những cách làm hiệu quả, gần dân; hay xây dựng nông thôn mới; việc phát triển kinh tế - xã hội trong nhân dân gắn với các mô hình trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My.
Các phần việc học và làm theo Bác còn được cụ thể hóa trong công tác sắp xếp khu dân cư, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các cụm công nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.
Hoặc các phong trào thi đua trong công việc hàng ngày của cán bộ, đảng viên như đưa điện đến các khu dân cư vùng sâu, vùng xa; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân vùng thiên tai; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn...
Mỗi cá nhân, tập thể là mỗi cách làm, nhưng đích đến cuối cùng không gì khác là đưa Nam Trà My phát triển, đời sống nhân dân vượt nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất nơi đây.