Xã hội

Thêm cơ hội phát triển cho miền núi Quảng Nam

VĨNH LỘC 17/05/2024 11:40

Triển khai từ tháng 10/2021, dự án “Xây dựng cơ chế phát triển bền vững tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn miền núi tỉnh Quảng Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ/ Phát triển Quốc tế (FIDR) bước đầu mang lại kết quả tích cực.

ctu3.jpg
Thông qua dự án, nhiều sản phẩm nông sản miền núi Quảng Nam đã được đầu tư phát triển mang lại thu nhập cho người dân. Ảnh: V.L

Người dân hưởng lợi

Ông Briu Thương - Chủ nhiệm HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu làng Tà Bhing, huyện Nam Giang cho biết, mặc dù du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng từ đầu năm đến nay, khoảng 100 du khách nước ngoài đã đến tham quan làng, doanh thu gần 200 triệu đồng.

Với 3 nguyên tắc cơ bản là sự chủ động của cộng đồng, người hưởng lợi chính và nguồn lực địa phương, ngay từ đầu mục tiêu của dự án đã xác định người dân luôn đóng vai trò quyết định.

Trong đó, cộng đồng địa phương phải là đối tượng hưởng lợi nhờ việc khai thác các nguồn lực tại chỗ, được sử dụng trên nền tảng tôn trọng và bảo tồn.

“Điều làm cho du khách thấy hấp dẫn khi trải nghiệm du lịch cộng đồng Nam Giang chính là lòng hiếu khách, sự thân thiện và giá trị độc đáo của văn hóa người Cơ Tu” - ông Briu Thương chia sẻ.

Trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển cấp cơ sở của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), năm 2016 FIDR đã triển khai dự án “Phát triển tiềm lực nông thôn huyện Nam Giang”.

Bên cạnh giúp hình thành mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, hơn 230 sản phẩm đã được phát triển dựa trên việc tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, trong đó có hơn 40 sản phẩm đang được bày bán thường xuyên trên thị trường.

Theo bà Trần Thi Thu Oanh - Trưởng Tư vấn kỹ thuật Tổ chức FIDR, với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, tận dụng khai thác tối đa các tiềm lực, lợi thế địa phương, đến nay dự án đã thiết lập được 8 điểm du lịch dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi với nhiều loại hình khác nhau, gồm: dự án du lịch văn hóa Cơ Tu Nam Giang; du lịch nông nghiệp nông thôn Đông Giang; du lịch văn hóa truyền thống và dã ngoại Tây Giang; du lịch văn hóa truyền thống Ca Dong, Cao Sơn huyện Bắc Trà My; du lịch làng Mường huyện Bắc Trà My; khám phá cuộc sống núi rừng địa phương Nam Trà My; du lịch khám phá văn hóa truyền thống đồng bào Ca Dong Hiệp Đức; du lịch khám phá thiên nhiên huyện Phước Sơn.

Một số mô hình đã nhận được sự quan tâm, như mô hình du lịch Cơ Tu Nam Giang (được mời chia sẻ trong các hội thảo du lịch tại TP.Hồ Chí Minh, ở các nước Nepal, Malaysia…).

Mô hình du lịch DVCĐ Cao Sơn sẽ được Viện Khoa học xã hội vùng Nam Trung Bộ chọn làm đề tài chia sẻ trong hội thảo du lịch quốc tế tại Đà Nẵng vào tháng 7/2024… Đặc biệt, thông qua các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng đã thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm thủ công.

Khai thác hiệu quả nguồn lực tại chỗ

Chính thức triển khai từ tháng 10/2021, dự án Xây dựng cơ chế phát triển bền vững tiểu thủ công nghiệp nông thôn miền núi Quảng Nam được thực hiện tại 9 huyện miền núi của tỉnh.

ctu.jpg
Dự án giúp cải thiện thu nhập, sinh kế người dân dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: V.L

Bao gồm: Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang - nơi sinh sống của 19 dân tộc thiểu số. Thời gian dự án kéo dài 4 năm 8 tháng (dự kiến kết thúc 5/2026). Mục tiêu nhằm thiết lập nền tảng cơ bản để thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam phát triển.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, thành viên Ban Quản lý dự án nhìn nhận, ngoài kết quả du lịch, một thành công của dự án chính là phát triển sản phẩm địa phương dựa trên việc tận dụng các nguồn lực tại chỗ, giúp kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy kết nối vùng.

Riêng doanh thu phát triển các sản phẩm địa phương từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 gần 760 triệu đồng. Một số sản phẩm phát triển trong quá trình triển khai dự án đã được chọn tham gia các sự kiện như Festival làng nghề Việt Nam tại Hà Nội, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại TP.Hồ Chí Minh…

Có thể khẳng định, thành công bước đầu của dự án thể hiện ở việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, nhân lực sẵn có ở địa phương để tạo ra những sản phẩm khác biệt. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, ý nghĩa của dự án rất lớn vì giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng.

“Tỉnh Quảng Nam đánh giá cao những thành tựu của dự án cũng như mong muốn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Bước đầu dự án đã triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ như thúc đẩy liên kết hợp tác giữa sản xuất, chế biến, du lịch, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, phân phối lưu thông, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta biết nắm bắt và tận dụng hiệu quả các chương trình hỗ trợ từ dự án, tương lại không xa nông thôn miền núi Quảng Nam sẽ phát triển bền vững” - ông Trần Anh Tuấn nhận định.

VĨNH LỘC